Trong bài viết mới được đăng tải trên trang sbs.com của Dịch vụ thông tin truyền thông chuyên biệt (SBS) Australia, các nhà khoa học cho rằng cần phải ưu tiên cho giấc ngủ vì một giấc ngủ ngon có thể giúp cải thiện chức năng của não bộ, cải thiện tâm trạng cũng như quá trình trao đổi chất và hệ miễn dịch. Hàng loạt nghiên cứu gần đây thậm chí còn cho thấy việc thiếu ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID kéo dài.
Cũng theo các nhà khoa học, điều đáng ngạc nhiên là giấc ngủ từ 7-8 giờ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn so với giấc ngủ ngắn hoặc dài hơn. Thời gian ngủ của con người do “đồng hồ sinh học” chi phối.
Trong quá trình tiến hóa, đồng hồ sinh học của các loài sinh vật – từ vi khuẩn, thực vật cho đến con người – đã phát triển để tối ưu hóa các quá trình của cơ thể dựa trên những thay đổi của môi trường trong ngày, bao gồm hành vi, sinh lý và trao đổi chất. Về lý thuyết, mặc dù mỗi người có thể ngủ bất kỳ lúc nào trong ngày khi cảm thấy mệt, nhưng đồng hồ sinh học của cơ thể lại quy định con người hoạt động vào ban ngày và ngủ vào ban đêm. Làm việc trái với nhịp sinh học, chẳng hạn như làm ca đêm, hoặc thức khuya và dậy muộn vào cuối tuần, có thể khiến sức khỏe suy giảm vì điều này "ngắt kết nối" sinh lý và hành vi của con người với đồng hồ sinh học.
Sự thay đổi thường xuyên giờ đi ngủ vào mỗi cuối tuần gây ra hiện tượng lệch múi giờ do tác động xã hội, làm tăng nguy cơ béo phì và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Giờ đi ngủ theo đồng hồ sinh học có thể khác biệt đáng kể so với môi trường thực tế. Tuy nhiên, xã hội hiện đại không khuyến khích việc thức khuya và thức dậy muộn.
Những người có xu hướng thức khuya có thể gặp bất lợi trong nhịp sống hiện đại vì thời gian sinh học của họ mâu thuẫn với lịch trình của xã hội. Do đó, những người này thường có sức khoẻ tim mạch kém và nguy cơ trầm cảm cao hơn.
Dựa vào những phân tích nói trên, giới khoa học kêu gọi các trường lùi thời gian vào học để bảo đảm bảo học sinh có thể ngủ đủ giấc, qua đó cải thiện sức khỏe cũng như thành tích học tập.