Trong quá trình hiệu đính cuốn sách “The most beautiful moment in life – the note 2” (Thời khắc tươi đẹp của chúng ta – quyển 2), có một đoạn khiến tối nhớ mãi. Đó là khi Jin, một trong bảy nhân vật chính, người đã quay ngược thời gian hàng vạn lần để cố gắng cứu thoát những người bạn của mình, bắt đầu có suy nghĩ muốn buông tay.
“Tại sao mấy đứa luôn muốn điều gì đó từ tôi? Sao chúng không tự lo liệu? Sao tôi phải luôn là người đi cứu chúng? Tôi phát bệnh vì mọi chuyện. Vì sao tôi lại cứu chúng hết lần này đến lần khác, để rồi sau đó chúng lại giẫm vào chính cái vũng bùn suy sụp mà tôi vừa mới vớt chúng lên?”
Có lẽ là lần thứ 49, hoặc 70, một trong rất nhiều vòng lặp – hay kiếp sống – của Jin, cậu ấy bắt đầu thấy bản thân chìm xuống, tại sao mình cứ phải dành cuộc đời này, những cuộc đời này, để cứu họ khỏi những sự tăm tối, ngập ngụa – chỉ để trong kiếp sống sau – tiếp tục nhìn họ lại đâm đầu vào chúng (theo một cách khác)? Trong ngàn vạn kiếp, cậu ấy cùng tình yêu của mình, ký ức của mình, cứ thế tan ra. Tại sao tôi phải cố gắng nhiều đến thế? Tại sau họ lại đau đớn? Tại sao họ kết liễu cuộc đời của mình? Tại sao tôi cũng lại bất lực và đau đớn thế này? Phải chăng số mệnh là không thể thay đổi?
Đó dường như cũng chính là câu chuyện của những người luôn muốn được cứu giúp người khác.
Tôi có làm việc cùng một người anh. Đa phần thời gian chúng tôi đều tếu táo nói chuyện nhảm nhí với nhau. Duy có một lần, anh kể về quãng thời gian trầm cảm của bản thân. Lúc đó, anh cũng có người yêu. Và những ký ức cuối cùng là cô ấy đã đến gõ cửa rất nhiều lần, thế nhưng anh chẳng thể mở lòng. Rồi thì những mảnh vỡ tung tóe trên cầu thang. Và cô ấy đã dẫm lên chúng, vừa khóc vừa bỏ đi. Anh không đuổi theo, không níu kéo. Trong câu chuyện đấy, anh không kể về tình yêu dành cho cô, chỉ kể về việc cô ấy cuối cùng đã vỡ vụn thế nào.
Tôi lại cũng chơi với hai người con trai, từng yêu nhau. Tôi đã chứng kiến từ lúc họ mới yêu, cho đến khi họ chia tay trong căm ghét và bất lực. Một người lúc nào cũng xám xịt, dăm bữa nửa tháng lại trào lên cảm giác căm ghét loài người, căm ghét cả bản thân, và muốn biến mất. Khi hết cơn thì lại trồi lên vui vẻ. Bạn bè hiểu tính, cứ kệ đi, thế là ổn. Người còn lại, lúc đầu chính là niềm vui của người kia. Nhưng rồi khi yêu, chẳng ai thản nhiên nhìn người yêu mình cứ dằn vặt như thế. Và có lẽ cậu ấy từng tin rằng tình yêu và sự quan tâm có thể thay đổi mọi chuyện. Cậu ấy gặng hỏi, rồi cậu ấy bị đẩy đi, sau đó bất lực, sau đó thấy mình vô dụng và ngu ngốc. Tôi đoán cậu ấy đã luôn tự vấn, ý nghĩa của một mối quan hệ là gì, nếu phải cô đơn và bất lực thế này. Rồi khi người yêu quay lại, thì cậu không thể cười vui nổi nữa. Giữa họ chỉ là một khoảng xám.
Với một người mang một gánh nặng tâm lý trên vai, điều gì khiến bạn tự tin bạn sẽ cứu được họ? Mà không phải bạn sẽ chìm theo?
Tất nhiên câu chuyện sẽ khác khi bạn là một chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản. Còn nếu là tôi, rất tiếc, tôi thấy như mình chẳng thể giúp đỡ được ai. Bản thân tôi cũng có vấn đề của riêng mình. Bản thân tôi cũng có thể chính là người cần được cứu giúp. Và có lẽ, như những nhân vật trên, tôi cũng không thể dễ để mở lòng.
Hẳn là ai cũng có những vấn đề riêng. Tùy sức chịu đựng, mà vấn đề dường như nhỏ với người này lại là một tảng đá lớn che kín cuộc đời người khác. Những nỗi đau không thể so sánh. Không ai biết gánh nặng của một người lớn thế nào, tôi cũng chẳng thể biết nỗi đau của những người xung quanh lớn đến đâu. Tôi không muốn họ gánh đỡ cùng, và tôi cũng không thể gánh nỗi đau này cho bạn. Có những người chọn cách gào thét và phát tiết tất cả ra ngoài, cũng có những người chọn cách giấu đi, và chỉ thể hiện ra ngoài những sự vui vẻ, khiến người ta nghĩ rằng cuộc đời của anh ta, của cô ta thật đẹp.
Nhưng mà, bạn thật sự không thể so sánh được các nỗi đau. Bạn không thể nghĩ rằng chỉ có mình tôi khổ, và có quyền làm đau người khác.
Cũng trong cuốn sách đấy, có một đoạn khi nhân vật j-hope nghĩ về Jin và những chuyện đã qua. Jin có xe riêng, là con trai nghị sĩ, giàu có, còn j-hope là đứa trẻ chịu cảnh bị chính mẹ ruột bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ: “Nếu mang ra so sánh thì những khó khăn mà tôi gặp phải nghiêm trọng hơn anh ấy nhiều. Tôi tức giận với anh ấy vì đã không giúp đỡ tôi, nhưng mà, tôi có từng giúp đỡ anh ấy bao giờ chưa?”
Có lẽ, hai con người chỉ thật sự có thể đồng hành với nhau dài lâu, khi cả hai đều nhận ra, mỗi người trong chúng ta đều mang theo những gánh nặng. Chúng ta bên nhau không phải để san bớt những thứ “hành lý” đó, mà là để, sau khi có thể học cách yêu thương chính mình và đứng vững với một gánh nặng trên vai, chúng ta có thể sánh bước bên nhau.
Bạn có sẵn lòng gắn bó?