Theo PGS.TS. Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc BV Tai mũi họng Trung ương, amidan là cửa ngõ đầu tiên bảo vệ cả đường ăn và đường thở nên chịu áp lực nhiều của môi trường, thế nên rất dễ bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Khi đứa trẻ sinh ra, amidan có tác dụng ngăn chặn những tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp, đường tiêu hoá đến cơ thể. Amidan từ y học là một vòng bạch huyết, nói nôm là đám bạch huyết nằm trên đường mũi họng của người có tác dụng như hàng rào bảo vệ cơ thể và amidan là một trong những vòng của bạch huyết đó.
Tác nhân gây viêm amidan chủ yếu là do vi khuẩn và virut, ngoài ra, các yếu tố khác như yếu tố về môi trường, một số vấn đề về trào ngược hoặc hút thuốc là những tác nhân cộng hưởng góp phần làm tăng thêm khả năng viêm nhiễm đường hô hấp trên nói chung và viêm amidan nói riêng.
Nhiều vấn đề mà các bậc phụ huynh thường hỏi - đó là có nên cắt amidan hay không và cắt amidan có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không? Trả lời vấn đề này, PGS. Phạm Tuấn Cảnh cho biết, người ta chỉ có chỉ định cắt amidan khi điều trị nội khoa không có kết quả, người bệnh bị mắc amidan tái đi tái lại nhiều lần trong 1 năm. Những người bị viêm amidan quá phát, có những cháu bé ngủ ngáy to, thậm chí ảnh hưởng đến việc học tập cũng được chỉ định cắt amidan. Ngoài ra, cắt amidan cũng được chỉ định với những bệnh nhân bị viêm amidan biến chứng gây ra bệnh viêm tai giữa và các bệnh lý nguy hiểm khác.
Ngoài ra, nhiều người hoang mang là liệu cắt amidan có những nguy cơ nào với sức khoẻ? PGS. Cảnh ví von, amidan như là ông gác cổng khi làm đúng chức năng của mình thì rất tốt và không việc gì phải bỏ đi, trong trường hợp buộc phải cắt thì các bộ phận khác sẽ hoạt động bù lại. Tuy nhiên, việc cắt amidan phải có chỉ định rõ ràng căn cứ vào tình trạng bệnh lý chứ không phải nói cắt là cắt.
PGS. Cảnh cũng cảnh báo, cắt amidan vẫn có yếu tố nguy cơ chảy máu, nhưng hiện nay, nhờ hỗ trợ của y học hiện đại, việc cắt amidan đã đơn giản hơn nhiều và bệnh nhân nếu phải cắt amidan thì không bị mất nhiều máu. Ngoài ra, khi cắt amidan cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng bởi khi cắt amidan, phần họng rỗng ra nên vi khuẩn dễ xâm nhập và dễ gây nhiễm trùng. Không ai dám khẳng định 100% là khi cắt amidan không xảy ra biến chứng. Mặc dù vậy, nếu bác sĩ làm đúng chỉ định và đúng kỹ thuật thì không có gì đáng lo ngại. Còn thông tin có phương pháp điều trị amidan bằng tia laser đang lan truyền hiện nay, PGS. Cảnh khẳng định đó là thông tin bị hiểu sai lệch. Bởi trong điều trị viêm amidan, chỉ có 2 phương pháp là nội khoa và ngoại khoa chứ không có phương pháp nào là điều trị bằng tia laser cả, mà trong điều trị ngoại khoa dùng tia laser như một công cụ để thực hành.
PGS. Cảnh cũng lưu ý, bệnh nhân sau cắt amidan nên ăn đồ lỏng, nguội và sau đó ăn đặc dần, sau 1 tuần ăn cơm nát, tránh đồ uống chua tác động lên họng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến băn khoăn bày tỏ lo ngại người bệnh có chỉ định cắt amidan nhưng do vấn đề sức khoẻ không thể thực hiện được, PGS. Cảnh chia sẻ, nếu người bệnh bị mắc bệnh, cần phải điều trị ổn định và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Cùng với đó, cần duy trì biện pháp phòng bệnh cho bệnh nhân như tăng cường sức khoẻ, hệ miễn dịch, vệ sinh họng, phòng ngừa các tác nhân xâm nhập vào amidan nhằm làm giảm các đợt viêm.
Giám đốc BV Tai mũi họng Trung ương cũng khuyến cáo cộng đồng khi có biểu hiện đau sưng vùng họng cần phải đến khám bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ xác định được tình trạng viêm là do vi khuẩn hay virut và đưa ra hướng điều trị hợp lý. Bởi nếu bị nhiễm virut, người bệnh sẽ không phải điều trị kháng sinh, còn nếu bị nhiễm trùng sẽ được chỉ định kháng sinh phù hợp. Người bệnh không nên tuỳ tiện tự đi mua kháng sinh uống khi sưng đau họng vì nguy cơ kháng kháng sinh rất cao.