Theo lời của người tự xưng là mẹ bệnh nhân Hưng: con trai bà nhập vào BV Chợ Rẫy nhưng chỉ được truyền chai nước biển 11.000 đồng; khi bệnh nặng không chuyển viện; bà đóng tiền nhiều nhưng con không được lọc máu; BV xài máy thời cũ kỹ; không xài thuốc Mỹ cho con trai bà và chậm làm tóm tắt bệnh án, chỉ làm có một trang A4…
Bài đăng trên Facebook của mẹ bệnh nhân Hưng. Ảnh: PLO |
Trao đổi với báo Pháp luật TP HCM, PGS-TS-BS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, xác nhận bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng bị viêm tụy cấp hoại tử xuất huyết do BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai chuyển đến đã được điều trị tại BV 23 ngày (từ ngày 5/8 đến 28/8).
Ông Tiến chia sẻ mất mát với người thân của bệnh nhân và cho rằng đây là nỗi buồn chung của người làm trong ngành y khi không cứu được người. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện quá nặng, BV đã cố gắng tập trung nhân lực và vật lực để cứu chữa cho bệnh nhân chứ không như phản ánh của người nhà. Ngoài ra, bệnh nhân còn là người thân của một BS trưởng khoa của BV.
Ông Tiến đề nghị các BS tham gia ekip điều trị giải thích về quy trình cấp cứu cho bệnh nhân từ lúc nhập viện. Đồng thời làm rõ nội dung người nhà bệnh nhân phản ánh.
Trả lời báo Thanh Niên, bác sĩ Trầm Minh Toàn, Khoa Cấp cứu, cho biết: Bệnh nhân Hưng nhập cấp cứu lúc 0 giờ 40 phút ngày 5/8 do BV đa khoa Đồng Nai chuyển đến với chẩn đoán viêm tụy cấp nặng theo dõi hoại tử. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh, mạch huyết áp ổn định nhưng bụng chướng, đau nhiều. Bệnh nhân được làm một số xét nghiệm để chẩn đoán đánh giá toàn diện, truyền dịch giảm đau.
Bác sĩ xác minh những điểm chưa đúng với thông tin người nhà bệnh nhân
Bệnh nhân Hưng được điều trị tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: PLO |
Đến 12 giờ ngày 6/8, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU). Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Thị Xuân, Trưởng khoa ICU cho biết, bệnh nhân vào ICU với chẩn đoán viêm tụy cấp quá nặng. Do đó bệnh nhân được thở máy, lọc máu liên tục, dùng kháng sinh, nuôi ăn dinh dưỡng đường tĩnh mạch. Bệnh nhân được lọc máu với quy trình chặt chẽ, có phiếu theo dõi riêng. Không có chuyện đóng tiền mà không lọc máu. Bệnh nhân này lọc máu liều cao, lại không có bảo hiểm y tế nên chi phí 23 ngày điều trị là 660 triệu đồng.
Giải thích về tiền viện phí mỗi ngày người nhà phải đóng 50-70 triệu và 10 triệu tiền tiêm thuốc, BS Xuân BS CKII Phan Thị Xuân - Trưởng khoa Hồi Sức Cấp Cứu, cho biết thông tin mẹ bệnh nhân phản ánh không đúng sự thật. Cụ thể, bệnh nhân nằm điều trị 23 ngày là hơn 660 triệu đồng, tính trung bình một ngày chưa đến 29 triệu. Do bệnh nhân không có thẻ BHYT nên phải chi trả toàn bộ chi phí.
Về các thông tin yêu cầu liên lạc với BS bên Mỹ, dù BS tại khoa đã cho email tiếp nhận thông tin trao đổi cho mẹ bệnh nhân nhưng không nhận được thông tin trao đổi chuyên môn nào từ phía bác sĩ ở Mỹ. Về yêu cầu tiếp nhận thuốc điều trị từ phía bên Mỹ, BV không thiếu thuốc và y cụ điều trị. Việc tiếp nhận thuốc là không thể vì không được phép.
Bác sĩ Xuân thông tin về vụ việc. Ảnh: PLO |
Về thông tin đóng tiền mà không được lọc máu vì khoa HSCC chỉ có 3 máy lọc máu là không đúng. “Tất cả bệnh nhân được chỉ định lọc máu đều thể hiện đầy đủ trong hồ sơ bệnh án, bảng chỉ định và theo dõi, bảng kê khai chi tiết chi phí phẫu thuật trọn gói đều đầy đủ và đóng tiền ở phòng tài vụ, BS không hề nhận được lợi nào từ chuyện này”, BS Xuân thông tin thêm.
BS Xuân khẳng định Khoa HSCC luôn được ưu tiên máy móc. Hiện có 8 máy lọc máu liên tục và máy lọc máu ngắt quãng đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Loại máy lọc máu liên tục của Khoa hiện nay cũng là loại máy đang được sử dụng tại các trung tâm lớn trên thế giới, kể cả những quốc gia đã phát triển chứ không như nội dung “cái máy này các nước tân tiến đã vứt đi hơn 10 năm rồi” như bà Huệ viết.
Cũng theo BS Xuân, mẹ bệnh nhân có ý định xin con qua BV Pháp Việt và BV vẫn tạo điều kiện sẵn sàng làm giấy cho đi. Tuy nhiên sau đó mẹ bệnh nhân đổi ý và mong bác sĩ ráng điều trị để lo visa cho con.
Giải thích về việc chậm làm báo cáo y khoa và chỉ có trang giấy BS Xuân, Trưởng khoa ICU cho biết người nhà xin báo cáo vào tối 25-8 nên sáng 26-8, BS mới làm và sang ngày 27-8 đã có để trình lãnh đạo duyệt. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân trở nặng vào sáng 27-8 nên khoa tập trung cứu chữa bệnh nhân và chưa cấp. Sau đó, khi về lo hậu sự xong, người mẹ quay lại nên cấp lại. Ngoài ra, báo cáo này có form và chỉ viết chừng mực trong 2 trang giấy chứ không thể viết dài.
Bệnh viện khẳng định đã làm hết sức
Là người được đề cập đến trong bài viết của mẹ bệnh nhân, TS-BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng cho rằng mình là người bị nhầm là trưởng khoa ICU. Trong lúc lên hội chẩn ở khoa, BS Tâm có đề nghị các BS ở ICU ngưng nuôi ăn qua sonde và truyền chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch chứ không phải nói không cần nuôi nữa. “Với vai trò chuyên môn, tôi chỉ chỉ định hợp lý cho bệnh nhân. Tôi không hề nói phải trả bệnh nhân về”, BS Tâm khẳng định.
Trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, BS CKII Đoàn Tiến Mỹ - Trưởng khoa Gan Mật Tụy cho bệnh nhân cho biết BV đã áp dụng phác đồ điều trị viêm tụy cấp trên thế giới. Do bệnh nhân 3 tuần điều trị nội khoa không đáp ứng nên phải nghĩ đến phương pháp phẫu thuật giải áp trong ổ bụng. “Tình trạng bệnh quá nặng, chúng tôi đã cố gắng đi vào cái chết tìm sự sống, tận dụng nhân lực tài lực dồn sức cho bệnh nhân. Làm hết sức cứu nhưng không được”, BS Mỹ nuối tiếc.
Tổng hợp