Trong ngôi nhà nhỏ tựa lưng vào dãy núi đá vôi thuộc thôn Đồng Én (Minh Tiến, Hữu Lũng, Lạng Sơn), chị Phạm Thị Hội (41 tuổi) kể chuyện sinh hoạt của người dân trong thôn xóm cho cậu con trai nghe. Hoàng Văn Tuyến (16 tuổi) - con chị Hội ngồi tựa lưng vào chiếc giường cũ lặng lẽ nghe mẹ nói.
Đã lâu rồi, Tuyến chỉ quanh quẩn trong nhà chưa bước chân ra khỏi cổng. Tháng 4/2015, khi đang ôn thi vào lớp 10, trong một lần cùng anh họ đi bẻ ngô em bị tai nạn xe máy ngã gãy chân. Do không có tiền điều trị và vệ sinh kém nên một thời gian ngắn sau chân em bị nhiễm trùng. “Ban đầu cứ tưởng cháu gãy chân như bình thường nào ngờ đâu con mình phải đi tận bệnh viện Việt Đức phẫu thuật những 10 lần”, chị Hội buồn bã nói.
Tuyến đành gác việc học để nhập viện khi chỉ còn 5 ngày nữa là đến kỳ thi vào lớp 10. Bao nhiêu công sức bỏ ra ôn luyện ngày đêm khiến em rất tiếc nuối. Quãng thời gian nằm viện là những ngày Tuyến cảm thấy buồn nhất, nhìn bố mẹ chạy đôn chạy đáo lo lắng tiền thuốc men, xe cộ đi lại xa xôi em chỉ ước mau khỏi bệnh để được về nhà.
Nhà chị Hội có vài sào ruộng, cấy vừa đủ thóc ăn rồi quanh năm vợ chồng chị đi làm thuê làm mướn. Chồng chị cùng những người đàn ông trong xóm đi bốc vác xa nhà, chị lo quán xuyến gia đình, con cái, có thời gian lại ra thị trấn Hữu Lũng xem ai gọi làm thuê gì thì làm kiếm đồng ra đồng vào. Công việc bấp bênh, lúc có lúc không nên chị nhận trông đàn trâu, bò cho người họ hàng với hy vọng chúng chóng đẻ thêm nghé, bê coi như đó là tiền công chăm sóc được trả.
Từ ngày Tuyến nằm viện, mọi chi tiêu trong nhà phải tính toán chi li để có tiền lo chữa bệnh cho con. Tuyến trải qua 10 lần phẫu thuật chân cũng là 10 lần bố mẹ em lo lắng vay mượn tiền bạc chạy chữa. Họ hàng, người thân cũng đều có hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng chị Hợi chỉ dám vay một lần, có thời điểm chị cắn răng vay tiền lãi theo ngày để con được phẫu thuật.
Lúc chân Tuyến bị nhiễm trùng phải phẫu thuật ngay lập tức để không bị cưa chân, chị Hợi ở Hà Nội gọi điện về cho chồng bán đàn dê gần 50 con. Tài sản trong nhà theo những lần điều trị cho Tuyến ra đi. “Chồng tôi đi làm thuê, chắt bóp tằn tiện lắm mỗi tháng gửi về cho vợ được vài triệu thì lo trả nợ trước đó, một phần lo thuốc thang tẩm bổ cho con mau khỏe, đợt vừa rồi bác sĩ hẹn tái khám mà tôi chưa có tiền, chắc phải cuối năm mới cho Tuyến đi viện khám”, chị Hợi cho hay.
Tuyến là con út trong nhà, trên em còn có 2 người anh trai thì người anh sinh đôi của em mắc bệnh lõm xương ức. Nhắc đến chuyện trường lớp, Tuyến cúi mặt buồn bã. Hàng ngày nhìn anh trai lớp 11 đi học về, em rất muốn cũng được như vậy. Có những hôm, anh trai đưa bạn bè về nhà, Tuyến tủi thân chống nạng lên tận nhà bà nội cách đó khá xa trốn. Dù được gia đình động viên nhưng những dịp lễ, Tết, giỗ chạp trong dòng họ, Tuyến không giấu nổi cảm xúc tự ti.
“Thỉnh thoảng em có đọc qua sách mới, thích lắm nhưng không biết đến khi nào chân mới khỏi hẳn để được đi học lại. Em chỉ dám lén đọc qua sách của anh thôi, bác sĩ bảo nếu em cử động mạnh bị gãy chân thì rất khó lành”, Tuyến tâm sự.
Trước đây, nhiều năm liền em là học sinh khá giỏi, năm lớp 9 em đạt danh hiệu học sinh khá, môn học yêu thích của Tuyến là hóa. Đợt điều trị kéo dài khiến em sút cân trầm trọng, hiện tại em chỉ nặng hơn 30 kg. Hôm thời tiết thay đổi, đôi chân em đau nhức.
Tuyến cho hay mẹ hứa sang năm sẽ đưa em đi ôn thi lại vào lớp 10, dù học muộn 2 năm so với bạn bè cùng trang lứa nhưng em rất háo hức và tự nhủ phải ôn thật tốt đạt điểm cao.
Ông Hoàng Văn Tài, Chủ tịch xã Minh Sơn cho biết gia đình cháu Tuyến thuộc hộ nghèo của xã, chính quyền cố gắng giúp đỡ để cháu có điều kiện khám chữa bệnh, được hưởng đúng chính sách và sớm trở lại trường lớp.