1. Wolfgang Amadeus Mozart
Mozart là đại thiên tài âm nhạc người Áo. Ông chơi đàn từ khi 3 tuổi. 5 tuổi, ông sáng tác bản nhạc đầu tiên. Mozart và chị gái Maria Anna - cũng là 1 thần đồng âm nhạc, đã có chuyến lưu diễn biểu diễn trong các cung điện hoàng gia và các buổi hòa nhạc vòng quanh châu Âu. Từ Bavaria đến Paris, khán giả đã phải ngạc nhiên trước tài năng thiên bẩm của cậu bé thiên tài có khả năng bịt mắt chơi đàn hoặc song tấu bằng 1 tay.
Mozart qua đời ở tuổi 35 khi đã để lại hơn 600 tác phẩm kinh điển. Ông trở thành 1 trong những thiên tài âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới mọi thời đại.
2. Enrico Fermi
Enrico Fermi là 1 thiên tài toán học và vật lý. Năm 10 tuổi, ông đã dành hầu hết thời gian của mình để nghiên cứu về hình học và động cơ điện. Năm 1915, anh trai của ông đột ngột qua đời. Enrico Fermi khi đó 13 tuổi đã dồn nén sự đau buồn bằng việc vùi mình vào những cuốn sách nghiên cứu về các công trình lượng giác, vật lý và cơ học lý thuyết. Công trình phóng xạ của ông đã giành được giải Nobel vật lý giúp mở ra kỷ nguyên hạt nhân mới của nhân loại.
3. Sor Juana Inés de la Cruz
Sor Juana Inés de la Cruz sinh ra ở Mexico năm 1651, bà biết đọc sách khi mới biết đi và có thể đọc hết tất cả các cuốn sách trong thư viện của ông nội. Mặc dù định kiến xã hội khi đó không cho phụ nữ theo học chương trình giáo dục chính thức, bà bắt đầu làm thơ năm 8 tuổi và tự học tiếng Latin.
Sau đó, bà tiếp tục tự học tiếng Hy Lạp và ngôn ngữ Aztec. Năm 17 tuổi, Sor Juana Inés de la Cruz đã tham dự 1 cuộc kiểm tra kiến thức chuyên sâu về triết học, toán học và lịch sử do 40 giáo sư đại học chủ trì. Tầm hiểu biết sâu rộng của bà đã khiến những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực cảm thấy nể phục.
4. Pablo Picasso
Tài năng hội họa thiên phú của ông được bộc lộ khá sớm. Mẹ ông từng kể lại rằng, yêu cầu đầu tiên khi Picassso biết nói là muốn có 1 chiếc bút chì. 9 tuổi, ông vẽ tác phẩm sơn dầu đầu tiên. 14 tuổi, ông bắt đầu gia nhập trường nghệ thuật Barcelona nổi tiếng. Năm 15 tuổi, bức vẽ “The First Communion” đã tạo tiếng vang lớn trong giới hội họa khi đó. Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Pablo Picasso đã để lại hơn 22.000 tác phẩm để đời.
5. Blaise Pascal
Sinh năm 1623 tại Pháp, Blaise Pascal được cha mình dạy dỗ, bồi dưỡng tài năng thiên phú tại nhà. Hồi nhỏ Pascal rất ham mê hình học nhưng vì thể lực quá yếu nên cha ông đã giấu hết sách vở và những gì liên quan đến toán. Pascal phải tự mày mò xây dựng nên môn hình học cho riêng mình. Ông vẽ các hình và tự đặt tên cho chúng. 16 tuổi, Pascal công bố một công trình toán học : Về thiết diện của đường cônic, trong đó ông đã chứng minh một định lí nổi tiếng (sau này mang tên ông) và gọi là Định lí về lục giác thần kì. 19 tuổi, ông thiết kế và chế tạo ra chiếc máy tính cơ học đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
6. Clara Schumann
Nhạc sĩ người Đức Clara Schumann không biết nói cho đến khi 4 tuổi, nhưng khi cô 7 tuổi, cô đã hoàn toàn làm chủ nghệ thuật đánh đàn piano. Năm 1831, Schumann bắt đầu tham gia chuyến lưu diễn đầu tiên và nhận được rất nhiều lời khen ngợi của các đại thiên tài âm nhạc như Chopin và Liszt cũng như thính giả yêu nhạc thời bấy giờ. Vào thời điểm cô qua đời vào năm 1896, Schumann đã trải qua 6 thập kỷ làm nhạc công chuyên nghiệp và đã chơi hơn 1300 buổi hòa nhạc lớn nhỏ.
7. Jean-Francois Champollion
Phiến đá Rosetta. |
Những bí mật của các chữ tượng hình Ai Cập cổ đại có thể không bao giờ được tiết lộ nếu không có những đóng góp của thần đồng ngôn ngữ Jean-Francois Champollion. Sinh ra ở Pháp vào năm 1790, ông đã thể hiện tài năng thiên phú về ngôn ngữ từ khi còn rất nhỏ và bắt đầu bằng tiếng Latin, Hy Lạp, Ả Rập, Do Thái, Syriac và tiếng Phạn. Champollion trình bày bài báo học thuật đầu tiên của mình ở tuổi 16, và đến 19 tuổi, ông đã giảng dạy lịch sử tại 1 trường học ở Grenoble. Vào đầu những năm 1820, ông đã chuyển sự chú ý của mình sang việc giải mã những bí ẩn của Rosetta Stone. Ông nhanh chóng trở thành người đầu tiên nhận ra rằng, các ký hiệu của các chữ tượng hình Ai Cập cổ đại đều có hình tượng và chữ cái - một bước đột phá đã chứng tỏ là chìa khóa để giải mã ngôn ngữ này.
Theo Dân Việt