Cô gái tật nguyền thắp hy vọng bằng tranh

(Ngày Nay) - Tứ chi bị liệt từ khi chào đời, thế nhưng bằng nghị lực cùng khát khao mãnh liệt của mình, cô gái trẻ vẫn khiến bao nhiêu người nể phục khi tự tạo ra những bức tranh giản dị, ấm áp bằng chính đôi chân tật nguyền của mình.
Thảnh bên bức tranh “ngôi nhà mơ ước” treo trên tường
Thảnh bên bức tranh “ngôi nhà mơ ước” treo trên tường

Cô gái ấy là Huỳnh Thị Thảnh (27 tuổi, trú ở thôn Hải Tân, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Số phận nghiệt ngã

Thảnh là con út trong gia đình có ba mẹ con. Từ khi lọt lòng mẹ, số phận của cô gái đã bạc bẽo khi không có cha và thân thể bị tật nguyền đến tứ chi. Trong căn nhà đơn sơ, bà Huỳnh Thi Liên (mẹ của Thảnh) vẫn ngày ngày tự chăm sóc cho cô con gái yêu quý.

Ngồi thẩn thờ nhìn con gái tật nguyền, bà Liên tâm sự gia đình bà chỉ có 3 thành viên. Con gái đầu đã đi lấy chồng và mưu sinh ở trong phía Nam, cuộc sống lại khó khăn nên nhiều năm mới về thăm quê một lần.

Cô gái tật nguyền thắp hy vọng bằng tranh ảnh 1Thảnh sinh ra đã tật nguyền hai chân

Trong khi đó từ nhỏ Thảnh đã bị tật bẩm sinh, liệt tay liệt chân nằm một chỗ. Đáng buồn hơn là Thảnh còn không nói được và nay thì nói tiếng được, tiếng mất. Mọi công việc vệ sinh, ăn uống, đi lại... đều nhờ vào người mẹ già.

“Dù không có người đàn ông trong nhà nhưng tôi cũng như bao người phụ nữ khác thôi, là sau khi sinh ra các con, tôi sẽ cố gắng một mình chăm lo cho chúng được học hành đến nơi đến chốn như bao đứa trẻ hàng xóm. Thế nhưng Thảnh lại có những biểu hiện lạ thường khi vừa ở tuổi lên hai khiến tôi dường như sụp đổ bởi dù sao cũng chín tháng đẻ đau. Nhìn những đứa trẻ khác chạy nhảy trong khi nó chỉ nằm và khóc, sau đó lộ ra những dấu hiệu về liệt hai tay, hai chân; tôi như đứt từng khúc ruột...”, bà Liên nghẹn ngào.

Tuyệt vọng bởi số phận nhưng bà vẫn gắng gượng để nuôi con. Lúc Thảnh khỏe, bà đi chợ mua con cá, ra vườn hái nắm rau để nấu. Khi nào Thảnh ốm, hai mẹ con có gì thừa thì ăn nấy. Cứ thế cuộc sống qua ngày...

Vẻ tranh bằng chân

Điều đặc biệt ở cô gái tứ chi bị liệt đó là tài năng bẩm sinh mà dường như không ai nghĩ đến nếu không gặp, em đã dùng đôi bàn chân của mình để vẽ nên những bức tranh đầy sinh động.

Theo như lời bà Liên thuật lại, lúc trước khi nhà bà chưa xây, nền nhà là nền đất nên mỗi lần đặt Thảnh nằm xuống là Thảnh lấy ngón chân quậy quậy vào đất để vẽ. “Thấy vậy tôi nghĩ con mình thích vẽ tranh nên vội đi xin những ngòi bút chì, mẩu giấy nhỏ về cho nó tập vẽ...”, bà Liên kể.

Lúc đầu, Thảnh chỉ dùng hai ngón chân kẹp chặt ngòi bút rồi vẽ nguệch ngoạc và không vẽ lâu được vì bàn chân đau nhức. Thế nhưng, qua thời gian dài kiên trì, cuối cùng cô gái cũng đã vẽ được những vật dụng đơn giản trong nhà. Đến nay Thảnh đã hoàn thiện hàng trăm bức tranh nhiều màu sắc, đầy ý nghĩa và tự viết được tên mình.

Cô gái tật nguyền thắp hy vọng bằng tranh ảnh 2Những bức tranh ý nghĩa mà Thảnh sáng tạo ra từ đôi chân của mình

Nói về những bức tranh, dường như đôi mắt bà Liên bừng sáng. Bà vội đưa cho chúng tôi xem một tập tranh được đóng ghim gọn gàng, những bức tranh được vẽ bằng bút chì và tô những màu sắc sặc sỡ từ đôi chân tật nguyền của Thảnh. Chủ đề trong những bức tranh chủ yếu nói đến tình cảm mẹ con, tình yêu đôi lứa, thời trang, những vật nuôi trong nhà...

 “Ngôi nhà mơ ước”

Ở góc nhỏ trong ngôi nhà có treo một bức tranh khổ lớn chừng hơn 1 m vẽ về ngôi nhà nhỏ, có hoa lá bao quanh... Mẹ Thảnh cho biết đó là bức tranh được Thảnh vẽ và hoàn thiện trong gần 3 tháng ròng rã. Khi tôi vội hỏi về ý nghĩa của bức tranh, Thảnh cố hết sức để nói lên bốn tiếng đứt quãng: “Ngôi nhà mơ ước”. Bỗng những giọt nước mắt bất chợt lăn dài trên má mình lúc nào mà tôi cũng không hay.

Còn đối với bà Liên, bao ký ức năm tháng như ùa về với người phụ nữ tần tảo khi bà lật những bức tranh do chính chân con gái vẽ nên.

“Mỗi khi cho nó ngủ xong, nếu thấy không được vui thì tôi lại lật những bức tranh nó vẽ ra xem. Nhiều khi tôi không cầm được nước mắt khi nhìn tranh. Nó sinh ra chịu thiệt thòi so với mọi người rồi, giờ muốn bù đắp cho nó nhưng chẳng biết làm sao...”, bà Liên nói.

Một điều mà người mẹ trăn trở nhất là càng ngày tuổi tác càng cao, không còn lao động được thì không biết ai sẽ lo cái ăn cái mặt cho đứa con gái bất hạnh của mình.

“Cách đây mấy năm trước tôi đã vay tạm tiền để xây căn nhà nhỏ cho hai mẹ con ở, bởi nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng. Mới đây, tôi cũng vay thêm tiền khi được hỗ trợ xây nhà chống bão, nhờ đó có một căn phòng đổ trần bê tông. Nhưng giờ vẫn còn nợ ngân hàng hơn 30 triệu lận...”, bà Liên buồn bã nói.

Rời xa hai mẹ con, chúng tôi không thể quên hình ảnh cô gái tật nguyền đầy nghị lực. Những bức tranh mang nhiều gam màu tươi đẹp, trái ngược với tình cảnh hiện tại của hai mẹ con Thảnh hy vọng là nguồn vui, là động lực để người phụ nữ  lạc quan hơn trong cuộc sống này.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.