Chiều 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH, trong đó tiếp tục có nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề đặc khu. báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đặt câu hỏi, nếu Quốc hội thông qua luật 3 vùng kinh tế đặc biệt (đặc khu), Chính phủ có tiêu chí nổi trội gì về việc chọn cán bộ, đặc biệt là chức danh chủ tịch?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, nói là đặc khu, là những cái đặc biệt, tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt thì "chắc cán bộ cũng phải đặc biệt". Trong dự luật cũng quy định việc lựa chọn người đứng đầu là chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ theo hướng: Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu và Thủ tướng phê chuẩn. "Tôi nghĩ chắc chắc chắn sẽ chọn được người đủ đức đủ tài chèo lái đặc khu", Phó Thủ tướng nói.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi: Đề nghị Phó Thủ tướng - với tư cách một GS kinh tế, Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị - cho biết tiềm năng phát triển kinh tế của 3 đặc khu khi chúng ta xây dựng? Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về việc phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng của các đặc khu theo thời gian 10 năm, 100 năm?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói, trên thế giới việc ra đời đặc khu là để tạo ra nơi thử nghiệm thể chế, tạo ra cực tăng trưởng. Dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà Quốc hội đang thảo luận dựa trên tính toán tổng thể lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh quốc phòng...
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí "khi có đặc khu thì các vùng khác ra sao?", ông Vương Đình Huệ khẳng định, có hay không đặc khu thì Hà Nội, TPHCM vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước; cùng với đó 7 khu kinh tế trọng điểm trên toàn quốc vẫn được quan tâm phát triển. Việc ra đời đặc khu không ảnh hưởng gì tới nguồn lực của Trung ương, địa phương tập trung cho phát triển 2 đầu tàu kinh tế và 7 khu kinh tế trọng điểm", Phó Thủ tướng khẳng định.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Quốc hội |
“Với sự tôn trọng, tôi và chắc chắn các cử tri chưa thể hài lòng với câu trả lời này”, đại biểu Nguyễn Anh Trí tiếp tục tranh luận. Ông Trí nói mình không hỏi về quan điểm phát triển kinh tế với đầu tàu Hà Nội hay TP.HCM, mà muốn Phó thủ tướng làm rõ về việc phát triển đặc khu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế như thế nào, đồng thời so sánh trong mối tương quan, quan hệ với an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ theo thời gian, báo Thanh Niên thông tin.
Phần tranh luận này không thể đi đến hồi kết khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “cắt ngang”. Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện Quốc hội chưa thông qua luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và còn đang bàn. “Để có câu trả lời chặt chẽ hơn, đề nghị Phó thủ tướng sẽ có câu trả lời bằng văn bản sau”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Kết luận về các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn là những vấn đề KTXH lớn, quan trọng, bức xúc được đại biểu và cử tri, dư luận quan tâm. Nhìn chung phiên chất vấn diễn ra dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Đổi mới “hỏi ngắn, đáp gọn” đã có kết quả tích cực, được đại biểu và cử tri đánh giá cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: VOV |
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong 3 ngày diễn ra hoạt động chất vấn, hơn 250 lượt đại biểu đã chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ trả lời hầu hết câu hỏi nhưng còn nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhưng không đủ thời gian trả lời trực tiếp tại Hội trường nên sẽ được trả lời bằng văn bản.
Qua hoạt động chất vấn, đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, tinh thần nghiêm túc, chất vấn bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận, làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, còn có đại biểu đặt nhiều câu hỏi, quá thời gian quy định... Các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC nắm chắc tình hình, thực trạng của ngành, trả lời thẳng và giải trình rõ nhiều vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình và phương hướng khắc phục nâng cao hiệu quả điều hành, quyết tâm tạo sự chuyển biến.
Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần nhận trách nhiệm của thành viên Chính phủ, các ngành. Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên, có nội dung đại biểu nêu ra nhiều lần nhưng chuyển biến còn chậm. Do đó cần quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo chuyển biến thiết thực, hiệu quả thời gian tới.
"Quốc hội, đại biểu Quốc hội không chỉ nêu ra hạn chế mà còn thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay cùng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trong thực hiện chủ trương vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân", VOV trích dẫn lời Chủ tịch Quốc hội.