Tôi vừa cùng hai người bạn từ Hà Nội bay vào TP Hồ Chí Minh để tiễn biệt cô bạn thân thời Đại học ở Hà Nội mất vì bạo bệnh. Lớp có gần 100 người, nhưng chỉ số ít ở cả Bắc lẫn Nam kịp thu xếp tới viếng. Rất nhiều người không thể tới chào bạn lần cuối bởi đường xa, bận công việc, bận chuyện con cái – gia đình hoặc lý do sức khỏe, tài chính…Hầu hết những lời chia buồn được viết qua Facebook, với tâm trạng chung là “bàng hoàng”, “sốc”, “không thể tin”, “thương cảm”…
Thực ra, bạn đã âm thầm chống chọi với bệnh tật suốt 10 năm qua. Chỉ là sau khi ra trường, những ngã rẽ cuộc đời khiến chúng tôi ít còn quan tâm, chia sẻ với nhau nên nhiều người không biết chuyện. Có vài lần bạn trở về Hà Nội chữa trị, nhóm bạn cũ lại hẹn hò tụ tập. Nhưng thường không bao giờ đông đủ. Những người vắng mặt luôn nói:“Hẹn bạn lần sau vậy”. Cái lần sau ấy, mãi mãi giờ không thể thành hiện thực nữa.
Thời đại công nghệ, các cuộc gặp mặt-đối-mặt (face to face) giữa bè bạn, đồng nghiệp cũ dường như ít đi, bởi chúng ta vẫn có thể liên lạc với nhau qua các nền tảng xã hội. Nhưng cuộc sống thực, nỗi đau sâu thẳm cần sẻ chia của mỗi người có thể “được” hoặc “bị” che giấu sau những dòng trạng thái. Chỉ khi gặp gỡ trực tiếp, người với người mới hiểu nhau hơn.
Thời đại công nghệ, người ta có thể nhanh chóng điện thoại hoặc gửi 01 tin nhắn, dòng trạng thái chia buồn ngay khi thấy avatar (ảnh đại diện) của một ai đó chuyển sang trạng thái màu đen. Thậm chí có người bận tới mức không kịp tìm hiểu người vừa qua đời là ai, vội vã thả biểu tượng “like” (thích) hoặc “hình trái tim” như một quán tính trên Facebook.
Nhiều lần trên đường tới một đám tang, tôi nhận được điện thoại của mấy người quen nhờ “làm giúp chiếc phong bì viếng”. Phong bì dường như đã trở thành phương tiện có thể chuyển phát nhanh thay lời chia buồn của những người đang sống bận rộn đối với gia đình người quá cố. Phong bì như một thủ tục cho lần chia tay cuối cùng. Và sau đó, cuộc sống bận bịu lại cuốn chúng ta đi, quên luôn rằng thành phố từ nay vắng bóng một người.
Một số gia đình giờ đây không nhận tiền phúng điếu. Họ không muốn sự ra đi của người thân trở thành gánh nặng tài chính cho những người xung quanh, hay cho rằng sự có mặt trực tiếp của mỗi chúng ta trong lần cuối tiễn biệt người nằm xuống mới là điều đáng trân quý hơn cả.
Vì cuộc đời rất vô thường, hãy thu xếp ngồi lại trò chuyện bên nhau ngay khi có thể. Vì hiểu rằng mãi mãi không còn gặp nhau trong kiếp nhân sinh này, tôi phải thu xếp đến chào bạn – người là một phần ký ức của đời tôi, người đã ra đi như một chiến binh kiên cường – lần cuối.