Những ngày đầu năm 2023, người dùng trên thế giới lên "cơn sốt" với chatbot mang tên ChatGPT. Tính đến ngày 31/1, ChatGPT đã cán mốc con số 100 triệu người dùng, trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Trung bình mỗi ngày có tới 13 triệu người truy cập thường xuyên.
"Cơn sốt" mới của làng công nghệ toàn cầu
ChatGPT là một chatbot có khả năng trả lời một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp. Được đánh giá là công cụ mạnh hơn bất cứ chatbot nào từng có trước đây, ChatGPT có thể viết kịch bản, tiểu luận cấp đại học thậm chí làm thơ.
Chỉ trong vài giây sau khi nhập từ khóa hay câu hỏi, ChatGPT sẽ cung cấp cho người dùng cả văn bản, hình ảnh, âm thanh và các phương tiện giải trí khác với chất lượng nội dung khá tốt.
Tại Việt Nam, nhiều người dùng đã tìm cách để có được tài khoản ChatGPT. Cho dù thực tế ChatGPT chưa trả được nhiều câu hỏi "hóc búa" của người dùng, nhưng khả năng "tự học" khiến sản phẩm tốt hơn hoàn toàn có khả năng xảy ra, đặc biệt là khi Chat GPT được chính thức cung cấp tại Việt Nam sau này.
ChatGPT là sản phẩm của OpenAI, một startup được đỡ đầu bởi nhiều nhân vật quyền lực tại thung lũng Silicon như tỷ phú công nghệ Elon Musk, nhà đồng sáng lập LinkedIn - Peter Thiel.
Nhiều chuyên gia cho biết mô hình AI sản sinh như ChatGPT sẽ thay đổi cách con người tương tác với máy tính. Việc nói chuyện với máy tính sẽ trở nên tự nhiên như giao tiếp giữa người với người thậm chí thay đổi trải nghiệm hàng ngày của người dùng về công nghệ.
Sự thành công của ChatGPT dẫn tới việc Microsoft đã quyết định rót hàng tỷ USD vào OpenAI để đẩy nhanh các nghiên cứu đột phá về trí tuệ nhân tạo.
Cùng với đó, "cơn sốt" ChatGPT cũng mở ra cơ hội cho các startup về AI khác trên toàn cầu. Startup về trí tuệ nhân tạo Jasper mới đây đã huy động được 125 triệu USD với định giá công ty lên tới 1,5 tỷ USD. Hoặc, công ty Stability AI đã huy động được 101 triệu USD với mức định giá 1 tỷ USD.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển AI
Ông Nguyễn Mạnh Quý - Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) cho biết ChatGPT là một trong những chatbot thông minh nhất hiện nay và là một bước đột phá mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ông cho rằng các công ty công nghệ tại Việt Nam có thể tận dụng những "công nghệ lõi" về trí tuệ nhân tạo của các tập đoàn lớn trên thế giới để phát triển những sản phẩm của riêng mình.
Trên thực tế, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành trí tuệ nhân tạo (AI), Đầu năm 2021, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.
Chiến lược đưa ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới. Với các yếu tố trên, 2023 được kỳ vọng sẽ là năm bùng nổ công nghệ AI tại Việt Nam.
Theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2022" do Oxford Insights (Anh) công bố, Việt Nam xếp hạng 55/181 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI.
Báo cáo này cũng nhận định Việt Nam đang có các lợi thế như dân số trẻ, có kỹ năng kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số, đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Cùng với đó, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel, FPT, Rikkei Soft... đang đầu tư rất lớn cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn FPT cho biết, AI được FPT ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe, đến giáo dục và cả tại công sở.
"Nền tảng FPT.AI của FPT là hệ sinh thái của hơn 20 dịch vụ AI tiên tiến đang được triển khai tại 15 quốc gia, với 11 triệu người dùng và 200 triệu người giao tiếp. AI đang là công nghệ mũi nhọn của FPT và trong 3 năm tới, FPT sẽ đầu tư ít nhất 300 tỷ đồng cho AI," ông Tú cho biết.
Ông Ngô Minh Quân - CEO của Rikkei Digital cho hay hiện tại Rikkeisoft đã bước đầu tự chủ về công nghệ AI lõi, nên định hướng sẽ đầu tư hơn nữa vào sản phẩm ứng dụng AI, như camera thông minh, loa thông minh. Ngoài ra, robotics là lĩnh vực được Rikkeisoft đầu tư nghiên cứu từ năm 2019.
Theo ông Quân, thời gian tới, Rikkeisoft đẩy mạnh việc tạo ra các sản phẩm ứng dụng nhờ công nghệ robot và áp dụng trong lĩnh vực thực tế như khách sạn, resort và sân golf. Trước xu thế xe điện, trong năm tới, Rikkeisoft sẽ hưởng ứng bằng cách phát triển các ứng dụng AI và tạo ra các ứng dụng cài đặt trên xe.