Ngân hàng Trung ương châu Âu cách đây không lâu cho hay họ đang xem xét loại bỏ giấy bạc Euro có mệnh giá cao nhất là tờ 500 EUR, trị giá tương đương 558 USD.
Theo The Wall Street Journal, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers kêu gọi một thỏa thuận giữa các cơ quan tiền tệ toàn cầu nhằm ngưng phát hành các loại giấy bạc có giá trị hơn 50 USD hoặc 100 USD. Theo kế hoạch của ông Summers, tờ tiền in hình chính trị gia Benjamin Franklin không biến mất ngay lập tức nhưng nó sẽ không còn được in thêm.
Tờ bạc mệnh giá 100 USD được lưu hành năm 2013.
“Tôi cho rằng loại bỏ những tờ tiền đang lưu hành là bước đi quá xa. Song một lệnh cấm in các giấy bạc có mệnh giá cao sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, ông Summers viết tại mục Wonkblog của tờ The Washington Post. Báo cáo gần đây của một nhóm học giả tại Đại học Harvard cho rằng việc loại bỏ giấy bạc mệnh giá cao, chẳng hạn như tờ 1.000 franc Thụy Sĩ, 500 EUR hay 100 USD, sẽ làm giảm tham nhũng, làm khó những kẻ muốn trốn thuế, khủng bố, buôn bán ma túy, buôn người hay phạm tội tài chính.
Tuy nhiên, loại bỏ tờ 100 USD bây giờ sẽ là một thử thách khó hơn hẳn. Có khoảng 1.380 tỉ USD giá trị đô la Mỹ lưu thông trong nền kinh tế toàn cầu tính đến cuối năm 2015. Trong số này, 1.080 tỉ USD là tổng giá trị của các tờ bạc mệnh giá 100 USD. Nói cách khác, hiện có khoảng 10,8 tỉ tờ tiền 100 USD hiện diện trên khắp thế giới.
Sự phổ biến của tờ 100 USD đã và đang tăng đáng kể trong những thập niên gần đây. Dù thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và ngân hàng trực tuyến ngày càng phát triển, nhu cầu giấy bạc vẫn tăng nhanh hơn cả nền kinh tế Mỹ nói chung. Fed cho biết có ít nhất một nửa tiền tệ Mỹ được các nước trên thế giới nắm giữ.
Vẫn chưa rõ các hoạt động kể trên sẽ giảm hay biến mất ra sao nếu tờ 50 USD và 100 USD bị “khai tử”. Loại bỏ toàn bộ tiền mặt được cho là sẽ khiến người dân khó né báo cáo thu nhập hơn vì mọi giao dịch đều được ghi nhận trên nền tảng điện tử.
Dù khá cực đoan, loại bỏ tiền mặt chính xác là điều mà nhà kinh tế Đại học Harvard Kenneth Rogoff và nhà kinh tế thuộc hãng tài chính Citigroup Willem Buiter đề xuất. Trong báo cáo công bố năm ngoái, ông Rogoff kêu gọi xóa bỏ các loại tiền giấy để chống tội phạm, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc đẩy lãi suất về dưới 0.
Chuyên gia nghiên cứu James McAndrews tại Fed ở New York cũng lập luận rằng một thế giới không tiền mặt sẽ giúp các ngân hàng trung ương dễ dàng đi sâu hơn dưới ngưỡng 0, vì người dân sẽ tìm đến các quỹ tương hỗ, nộp thuế sớm và sử dụng tín dụng thương mại để giữ giá trị tài sản, tránh lãi suất âm. Một số chuyên gia khác thì cho rằng tội phạm sẽ phải chuyển sang dùng tiền ảo, chẳng hạn như bitcion, nếu ý tưởng xài đô la Mỹ không còn khả thi.
An Mai (Theo WSJ)