Ngày 8/11, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV bước vào họp đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội. Trong phiên họp toàn thể tại Hội trường vào sáng 8/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các đại biểu Quốc hội khẳng định, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, bên cạnh thuận lợi, đất nước ta có quá nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, trong đó lớn nhất là đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc trước đây, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn..., đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, đời sống nhân dân, tình hình sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống nhân dân. Đến nay, tình hình dịch bệnh ở nước ta cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế đang dần được phục hồi trong trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Là người phát biểu đầu tiên tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, trong khó khăn do đại dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta không những không bị tê liệt, chia rẽ mà lại càng nung nấu ý chí vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên; tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nước ta đã trải qua 4 làn sóng dịch với nhiều cung bậc cảm xúc, mức độ ảnh hưởng khác nhau. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; gắn liền với đó là duy trì hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) khẳng định, báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ rất đầy đủ, có số liệu minh chứng khá rõ ràng. Đặc biệt, Chính phủ đã không né tránh mà nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 là rất linh hoạt và sáng tạo, phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là việc Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược từ “zero COVID” sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
“Với chiến lược đúng đắn này, tôi tin tưởng sâu sắc rằng, bên cạnh kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, các hoạt động kinh tế của đất nước sẽ sớm được phục hồi và phát triển một cách nhanh chóng trong thời gian tới”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự kỳ họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) khẳng định, các biện pháp phòng, chống dịch được Chính phủ chỉ đạo thời gian qua là hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến cụ thể của dịch bệnh, qua đó, đã huy động được sự vào cuộc, sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì phát triển kinh tế-xã hội.
Cho rằng báo cáo về kinh tế-xã hội của Chính phủ là nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, phản ánh sinh động đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, Chính phủ chuyển trạng thái từ chống dịch sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là cần thiết, phù hợp với bối cảnh tình hình thực thế, song phải hết sức tránh tâm lý chủ quan, lơ là, coi thường dịch bệnh, phải luôn đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Cùng với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao tỉ lệ bao phủ vaccine, cần hết sức quan tâm xây dựng kịch bản phục hồi, tái cơ cấu kinh tế ở các ngành, lĩnh vực trong trạng thái bình thường mới hiện nay.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đề ra những giải pháp hiệu quả hơn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân; bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, thông suốt, trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhận định rằng đất nước đã đi qua những chặng đường cam go và đại dịch COVID-19 như một chương đặc biệt của lịch sử. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều kế sách bền vững, sự điều hành thống nhất, minh bạch, rõ ràng, cần được tôn vinh xứng đáng. Đại biểu Thắng cho rằng vừa qua, chúng ta đã làm tốt, thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, phải có cơ chế, chính sách linh hoạt, tập trung đầu tư cho y tế cơ sở. Mỗi người dân phải có ý thức bảo vệ sức khoẻ của chính mình, không phụ thuộc, phó mặc cho chính quyền; mỗi người dân cần được tuyên truyền, ràng buộc trách nhiệm pháp lý...
Đại biểu Thắng cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục xây dựng giải pháp phòng, chống dịch bền vững, lâu dài; cần rà soát, đánh giá đầy đủ, xây dựng nhóm chính sách mới để chuyển quyền chủ động phòng, chống dịch cho người dân. Tư duy mới là không lơ là, chủ quan, thích ứng với tình hình mới, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, đặt nhân dân phải ở vị trí trung tâm và người dân có trách nhiệm trong việc tự bảo vệ sức khoẻ của bản thân mình.