Hội thảo nhằm mục đích nâng cao kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xã hội trường học và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục; tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiêu biểu về triển khai công tác xã hội trường học và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục.
Phát biểu tại Hội thảo, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho biết: Trường học là nơi học sinh dành khá nhiều thời gian hàng ngày và cũng là môi trường có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của các em. Tuy nhiên, học sinh trong các trường học ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng lớn tới việc học tập và quyền của các em.
Tính chất đan xen, đa dạng, nhiều chiều và phức tạp của các vấn đề này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, can thiệp đồng bộ nhiều hơn nữa thông qua các hoạt động, dịch vụ khác nhau, trong đó có hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học.
Công tác xã hội và tư vấn tâm lý thực chất là hai chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học có sự giao thoa và hỗ trợ lẫn nhau. Rất nhiều nguyên nhân của vấn đề tâm lý là bắt nguồn từ các mối quan hệ xã hội tiêu cực. Ngược lại, để giải quyết triệt để các vấn đề về xã hội, ví dụ bạo lực, thì một học sinh cần được hỗ trợ tích cực về tâm lý.
Trong giai đoạn 2015-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản liên quan đến tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học, cùng với đó là các chỉ đạo, hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác để triển khai thực hiện các hội thảo, tập huấn, khảo sát, thí điểm mô hình tư vấn học đường, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông... Đặc biệt, từ tháng 8-11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai khảo sát tại 13 tỉnh, thành phố nhằm mục đích đánh giá công tác chỉ đạo và việc triển khai hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục.
Theo ông Trần Văn Đạt, mặc dù đã được quan tâm, triển khai sâu rộng nhưng công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường còn gặp những khó khăn liên quan đến chỉ đạo, nguồn lực triển khai, nhân sự thực hiện, cơ chế phù hợp…
Tại Hội thảo, đại biểu đến từ các địa phương, viện nghiên cứu, nhà trường đã học tập kinh nghiệm thực tế từ các mô hình tiêu biểu như: Hoạt động công tác xã hội trường học tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay; Mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường tại trường Trung học Cơ sở Ngô Sĩ Liên, Hà Nội; Công tác phối hợp và phát huy nguồn lực trong tư vấn tâm lý học đường tại trường Trung học Phổ thông Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp về triển khai công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam xung quanh các vấn đề như: Đội ngũ chuyên trách và kiêm nhiệm; mô hình triển khai; chế độ, chính sách hỗ trợ; các văn bản, quy định hiện hành; nội dung, hình thức thực hiện, can thiệp.