Chính sách Abenomics hậu Abe

[Ngày Nay] - Chính sách Abenomics đã đưa Nhật Bản thoát khỏi nhiều thập kỷ trì trệ. Tuy nhiên, vẫn cần những nỗ lực tái cấu trúc dài hạn để thúc đẩy nền kinh tế nước này.
Chính sách Abenomics hậu Abe ảnh 1

Abenomics tạo được một số kết quả tích cực về xuất khẩu trong một số năm.

Bà Komaki Fujii mở nhà hàng cơm chay tại trung tâm Tokyo vào năm 2013 với một triển vọng tương lai sáng sủa. Đó là năm Thủ tướng Shinzo Abe vừa mới nhậm chức và hứa hẹn một gói cải cách táo bạo nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của nước này.

Giờ đây, khi ông Abe sắp rời nhiệm sở, nhiều lời hứa vẫn chưa được thực hiện. Và Nhật Bản sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn trên con đường phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một dịch bệnh đã khiến cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Trung Quốc suy thoái với tốc độ nhanh chưa từng có kể sau sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Trong ngắn hạn, ưu tiên hàng đầu của thủ tướng mới sẽ là củng cố quyền lực và đảm bảo rằng nền kinh tế và các thị trường tiếp tục được hỗ trợ”. Ông Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế Nhật Bản

Người kế nhiệm ông Abe sẽ phải đối mặt với những cử tri và giới doanh nhân đang bàng hoàng chứng kiến những thành quả kinh tế đạt được trong 8 năm qua đổ ra sông ra biển do dịch bệnh. Nhiều người sẽ tự hỏi đường lối kinh tế của ông Abe, còn được biết đến là Abenomics, rốt cuộc có thực sự đem lại đổi thay?

Chính sách Abenomics hậu Abe ảnh 2

Thủ tướng Shinzo Abe.

Mặc dù không đổ lỗi cho ông Abe về những khó khăn hiện tại vì khủng hoảng kinh tế là điều mà cả thế giới đang phải đối mặt, bà Fujii không còn dám chắc rằng thủ tướng còn xứng đáng được ghi nhận.

“Tôi không còn chắc Abenomics là hướng đi đúng”, bà Fujii nói. Nhìn lại chặng đường đã qua của nhà hàng, bà Fujii nhận thấy “không có thành công gì đáng kể”.

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền sẽ phải tìm kiếm một người thay thế cho ông Abe ngay trong tháng này. Nhiều khả năng đảng vẫn sẽ tiếp tục duy trì các chính sách kinh tế Abenomics, theo đó cung cấp các khoản cho vay chi phí thấp, tăng cường chi tiêu chính phủ và thay đổi cách thức làm ăn của giới doanh nghiệp nước này.

Chính sách Abenomics hậu Abe ảnh 3

Chính sách Abenomics nhằm đến 3 mục tiêu: Thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.

“Việc ông Abe từ chức diễn ra quá đột ngột nên không ai có một hướng đi, một chiến lược về việc sẽ vận hành chính phủ như thế nào”, Giáo sư khoa học chính trị Gerald Curtis thuộc Đại học Columbia nhận định.

“Họ sẽ thử nhiều cách để thúc đẩy nền kinh tế sau dịch bệnh”, ông nói. “Nhưng ít có khả năng họ sẽ có những ý tưởng mới và những chính sách mới. Nó sẽ là sự tiếp diễn của chính sách Abenomics, dù có thay đổi người đứng đầu”.

Chính sách này đã đem lại những kết quả trái ngược.

“Thị trường khởi sắc, tỉ lệ thất nghiệp thấp, và đó là những đổi thay tích cực đối với nền kinh tế”, ông Nobuko Kobayashi, một chuyên gia của hãng tư vấn Ernst & Young nhận định. “Nhưng khó có thể quy ra đâu là đóng góp ông Abe”.

Nhìn vào mặt tích cực, những cải cách mà Thủ tướng Shinzo Abe tiến hành với ngân hàng trung ương đã mang lại nguồn vốn dồi dào, chi phí rẻ. Điều này giúp đất nước thoát khỏi nhiều thập kỷ trì trệ và làm khởi sắc thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, những nỗ lực khác lại không mấy thành công.

Nhật Bản vẫn là một đất nước giàu khó và một đầu tàu xuất khẩu, nhưng đang phải đối mặt với những thách thức dài hạn. So với các quốc gia phát triển khác, Nhật Bản có khoản nợ công lớn nhất khi đem so sánh với sản lượng kinh tế. Dân số già và đang trên đà suy giảm cũng ngày một gánh nặng đặt lên lưới an sinh xã hội của đất nước này.

Những quan ngại này đang phủ bóng lên đường lối thúc đẩy tăng trưởng thông qua tăng chi tiêu công của Thủ tướng Abe. Trong khi bơm thêm vốn cho nền kinh tế, ông cũng kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép thông qua hai lần tăng thuế tiêu dùng. Cả hai lần tăng thuế này đều dẫn đến những hệ quả không mong đợi.

Cam kết của Thủ tướng Abe trong việc đưa ra những cải cách về cấu trúc - những thay đổi cơ bản trong cách thức vận hành các tổ chức và doanh nghiệp - cũng đã không mang đến kết quả như kỳ vọng. Ông mở rộng sự tham gia của phụ nữ và lực lượng lao động nhưng không có nỗ lực nào đáng kể nhằm cải thiện vị thế của họ. Và những nỗ lực của ông nhằm cởi trói cho thị trường lao động và thay đổi văn hóa quản lý doanh nghiệp của người Nhật, những yếu tố khiến doanh nghiệp Nhật làm ăn kém hiệu quả trong thời gian qua, cũng chỉ mang lại những tiến triển rất khiêm tốn.

“Nếu nói về việc thay đổi cung cách làm việc và thúc đẩy số hóa thì cú hích do đại dịch COVID-19 đem tới còn hiệu quả hơn các chính sách của ông Abe”, chuyên gia Takuji Okuno thuộc Mạng lưới Doanh nghiệp Economist nhận xét.

Với một nền kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng, nhà lãnh đạo sắp tới của Nhật Bản “cần đi theo một hướng khác”, chuyên gia này nhận định. “Thủ tướng tiếp theo sẽ không thể áp dụng các chính sách tiền tệ như vậy, vì dư địa chính sách còn lại là vô cùng hạn chế”.

Khi ông Abe bắt đầu nhiệm kỳ của mình, nền kinh tế Nhật Bản đang trong tình trạng giậm chân tại chỗ sau nhiều thập kỷ trì trệ và cuộc khủng hoảng kép động đất - rò rỉ hạt nhân xảy ra năm 2011.

Không lâu sau khi nhậm chức, ông đã thúc đẩy thành công một chính sách tiền tệ với mức lãi suất thấp, bơm một lượng tiền khổng lồ vào thị trường vốn và ghìm giá trị đồng yen Nhật ở mức thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Song hành với đó là khoản chi tiêu công khổng lồ vào việc chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo 2020. Với dòng tiền được bơm vào nền kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống, trong khi du lịch, đầu tư, bất động sản và thị trường tài chính đều khởi sắc.

Chính sách Abenomics hậu Abe ảnh 4

Kinh tế Nhật Bản suy thoái. 

Vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản, chính sách Abenomics tăng cường khả năng tiếp cận của doanh nghiệp Nhật Bản tới các thị trường quốc tế. Khi Hiệp đinh Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hiệp ước thương mại lớn nhất trong lịch sử, sụp đổ do quyết định rút lui của chính quyền Donald Trump, Thủ tướng Abe là người đã hiệu triệu những quốc gia thành viên còn lại lập ra một hiệp ước mới.

Những nỗ lực của ông được tiếp sức bởi thiên thời địa lợi. Giai đoạn Thủ tướng Abe cầm quyền cũng là giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy khiến nhu cầu mua máy và linh kiện công nghiệp từ Nhật Bản tăng vọt. Du khách Trung Quốc, với một túi tiền rủng rỉnh, cũng đổ tới các thành phố và danh thắng của Nhật và không tiếc tiền mua sắm hàng xa xỉ của nước này.

Nhưng từ cuối năm ngoái, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu rơi vào suy thoái do sức mua toàn cầu giảm và cuộc thương chiến Mỹ - Trung gây ra tác động nhất định cho hoạt động xuất khẩu của nước này.

Nợ công của Nhật Bản vẫn đang ở mức cao gấp rưỡi sản lượng kinh tế hàng năm, và trong một nỗ lực kiềm chế nợ công và tạo nguồn quỹ cho các chương trình xã hội, ông Abe đã tiến hành tăng hai điểm phần trăm thuế tiêu dùng. Khi giá cả tăng lên, sức mua giảm xuống. Và sau đó, bão lụt thiên tai tàn phá nhiều khu vực, gây ra thêm thiệt hại cho nền kinh tế nước này.

Cho đến thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, nền kinh tế Nhật đã chìm vào suy thoái, với mức tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp.

Chính sách Abenomics hậu Abe ảnh 5

Sức mua trên thị trường giảm sút.

Dịch COVID-19 là đòn hạ gục nền kinh tế nước này, buộc Thủ tướng Abe phải đình chỉ Thế vận hội Tokyo 2020, đưa hoạt động du lịch trở về con số 0, và làm sức mua trong nước suy giảm hơn nữa do các biện pháp giãn cách xã hội.

Tỉ lệ tăng trưởng trong quý 2 vừa qua rơi ở mức tương đương 27,8% một năm, sau khi Nhật Bản áp dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia trong suốt hai tháng 4 và 5.

Để đối phó với khủng hoảng, chính phủ Nhật Bản đưa ra gói kích thích trị giá khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội GDP của nước này, gồm có các khoản vay lãi suất thấp và các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt.

Các chỉ số kinh tế cho thấy có sự hồi phục nhẹ trong tháng 6, nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước lại rơi tự do sau khi đợt bùng phát COVID-19 thứ hai quét qua đất nước này, buộc nhiều địa phương phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và khiến cho Tokyo phải áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động của quán bar, nhà hàng.

Các nhà quan sát không đặt nhiều kỳ vọng vào việc chính phủ mới sẽ có những hành động có tính đột phá để đối đầu với thách thức trước mắt. Chưa có nhân vật nổi bật nào kế nhiệm ông Abe. Và mặc dù các chính sách của ông không được như kỳ vọng, thì những ứng cử viên đang được cân nhắc thay thế ông cũng chưa ai đưa ra được đường lối nào khác.

“Trong ngắn hạn, ưu tiên hàng đầu của thủ tướng mới sẽ là củng cố quyền lực và đảm bảo rằng nền kinh tế và các thị trường tiếp tục được hỗ trợ”, ông Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế Nhật Bản hàng đầu của Merrill Lynch nhận định. “Và điều đó đồng nghĩa với việc tiếp tục giữ nguyên trạng”.

Nhưng nguyên trạng sẽ là không đủ với những doanh nhân như bà chủ nhà hàng cơm chay Fujii. Dịch bệnh đã đẩy doanh nghiệp của bà vào đường cùng. Bà đã đóng cửa hai tháng nay và doanh thu giảm tới 80% do những khách hàng truyền thống như khách du lịch và nhân viên công sở đã gần như biến mất.

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.