(Bài viết trích dẫn quan điểm của Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo.)
Thủ tướng Abe Shinzo từ chức là một sự kiện khá bất ngờ, với một vị nguyên thủ quốc gia mạnh mẽ như ông. Abe Shinzo đã giữ vị trí Thủ tướng Nhật Bản suốt 7 năm 6 tháng, và là Thủ tướng tại vị lâu nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác - quyết định này hoàn toàn không hề bất ngờ.
“Cơn bão” bê bối
Năm 2007, trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Thủ tướng, ông Abe Shinzo đã từ chức với lí do bị ảnh hưởng bởi “một căn bệnh kinh niên”. Gần đây, sức khoẻ của ông lại có vấn đề sau khi trải qua một cuộc kiểm tra y tế. Một cộng sự thân thiết của Thủ tướng đã lo ngại rằng ông Abe Shinzo đã “làm việc quá sức và có thể ‘buộc phải’ nghỉ ngơi trong vài ngày.”
Điều đó khá kì lạ, bởi Thủ tướng Abe đã không làm việc quá sức như ngài cựu bộ trưởng kia nói. Trên thực tế, hầu hết người dân Nhật Bản đã chỉ trích rằng ông Abe không quyết tâm ngăn chặn COVID-19 lây lan. Họ cũng cho rằng ông chưa làm tròn trách nhiệm để phục hồi nền kinh tế.
Ông Abe hầu như không xuất hiện trước công chúng sau khi COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản. Thủ tướng chỉ thỉnh thoảng xuất hiện, để công bố những chính sách thiếu sáng suốt. Abenomasks, với kế hoạch phân phối cho mỗi hộ gia đình 2 chiếc khẩu trang có thể giặt được, đã không phát huy hiệu quả.
Đồng thời, ông Abe vẫn đang sa lầy vào các vụ bê bối khác nhau trong nhiều năm qua. Thủ tướng vẫn chưa có lời giải thích hợp lý cho những hành động của mình.
Cả hai vụ bê bối Moritomo Gakuen và Kake Gakuen đều làm dấy lên những cáo buộc rằng, Thủ tướng Abe Shinzo đã dành sự ưu ái đặc biệt cho những người thân thiết. Vụ Moritomo Gakuen - bê bối về việc trường Moritomo Gakuen mua một lô đất với giá chỉ bằng 14% giá trị thực, có sự bao che của cả các quan chức Bộ Tài chính. Ông Abe phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào của mình, hay của vợ ông, bà Akie Abe - người được cho là “hiệu trưởng danh dự” của trường Moritomo Gakuen. Tuy nhiên, ông đã thay mặt chính phủ xin lỗi về việc tài liệu mua bán khu đất bị giả mạo.
Tranh cãi tiếp tục nổ ra xung quanh bữa tiệc ngắm hoa anh đào mà Thủ tướng tổ chức hằng năm. Một sự kiện của chính phủ với kinh phí được lấy từ tiền thuế của dân, đang ngày càng trở nên xa hoạ hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, bữa tiệc này chỉ nhằm tôn vinh Abe Shinzo, cùng những cử tri trung thành của ông. Năm 2019, khi phe đối lập bắt đầu chất vấn về bữa tiệc, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã tiêu huỷ danh sách khách mời của năm đó - một hành động vi phạm các quy tắc của chính phủ.
Thủ tướng Shinzo Abe chụp ảnh cùng nhiều người nổi tiếng trong bữa tiệc ngắm hoa anh đào. Ảnh: AFP. |
Sau khi COVID-19 bùng phát, các bê bối vẫn tiếp tục xảy ra trong chính quyền Thủ tướng Abe Shinzo.
Hồi tháng 1 năm nay, ông Abe đã “bẻ cong” một điều luật để công tố viên yêu thích của mình được tiếp tục làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc. Sau đó, ông cố gắng làm cho điều luật đó được sửa đổi một cách chính thức. Động thái này chứng tỏ ông Abe đang cố gắng hợp pháp hoá những sai lầm của mình. Kế hoạch này chỉ bị ngừng lại sau khi công tố viên đó buộc phải từ chức vì cáo buộc đánh bạc.
Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Katsuyuki Kawai và vợ đã bị bắt vì nghi án mua phiếu bầu cử. Ông Katsuyuki Kawai là một phụ tá thân cận của Thủ tướng Abe Shinzo, và vợ ông - bà Anri Kawai là thành viên Đảng Dân chủ Tự do (L.P.D) của ông Abe Shinzo. Vợ chồng Kawais đã nhận được 150 triệu yên (hơn 1,4 triệu USD) từ L.P.D. Ngài Thủ tướng tuyên bố ông không có bất kỳ sự liên quan nào đến sự việc, và nhà Kawais cũng phủ nhận mọi cáo buộc.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Katsuyuki Kawai. Ảnh: Reuters |
Không xứng đáng với kỳ vọng của người dân
Nhìn chung, Thủ tướng Abe đã phải giải thích rất nhiều trước Quốc hội, giới truyền thông và công chúng. Nhưng ông hầu như chưa đưa ra được câu trả lời nào đủ thuyết phục.
Không có gì bất ngờ khi sự ủng hộ của công chúng dành cho ông Abe đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua, kể từ đại dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành.
Nhật Bản đã tương đối thành công trong việc kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh và giảm thiểu số người chết. Tuy vậy, chính phủ không nhận được nhiều sự tín nhiệm cho việc đó. Trong một cuộc thăm dò dư luận giữa tháng 8 tại Nhật, khoảng 60% người được hỏi cho biết họ có quan điểm tiêu cực về phản ứng của chính phủ với đại dịch.
Sau khi trở lại làm Thủ tướng vào năm 2012, ông Abe đã hứa sẽ “hồi sinh Nhật Bản”. Đó là lời hứa xây dựng lại nền kinh tế với chính sách đặc trưng “Abenomics”, và “bình thường hoá” chính sách quốc phòng của Nhật Bản thông qua tái cơ cấu và tăng cường quan hệ với Mỹ.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về những di sản của Thủ tướng Abe Shinzo. Đó là sự phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán, nhưng đi kèm là vấn đề trì trệ lương và nợ công cao kỷ lục (mức nợ công so với GDP của Nhật là 237.6%, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Đó là những nỗ lực gây tranh cãi để sửa đổi các điều khoản về hoà bình trong hiến pháp, mặc dù không thành công. Đó còn là mối quan hệ chặt chẽ với tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi đó, L.P.D đang ráo riết tìm người kế nhiệm ông Abe Shinzo. L.P.D nhiều khả năng sẽ tham khảo ý kiến của một nhóm nhỏ trong Đảng để đưa ra quyết định, thay vì việc tổ chức một cuộc chạy đua để tất cả các đảng viên tham gia. Lí do là bởi ông Abe đã từ chức trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Nếu vậy, triển vọng của Shigeru Ishiba, người nổi tiếng kiên trì trong việc phê bình đường lối của ông Abe, có vẻ sẽ bị hạn chế. Ông Abe từng được cho là có “ưu ái nhẹ nhàng” đối với Fumio Kishida, một cựu ngoại trưởng. Nhưng giờ đây, cựu Thủ tướng có thể đang ủng hộ Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các của ông - người tàn nhẫn, bí mật, độc đoán hơn Fumio Kishida, và có tiềm năng tốt hơn để đánh bại Shigeru Ishiba.
Từ trái qua: Shigeru Ishiba, Fumio Kishida và Yoshihide Suga. (Ảnh: The Mainichi) |
Tuy nhiên, bất kể di sản cuối cùng của ông Abe là gì, hay ai sẽ là người thay thế ông ngay lập tức, rõ ràng người dân Nhật Bản đã nhìn ra một điều. Bằng cách từ chức, vị Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản đang trốn tránh các vụ bê bối và những lời kêu gọi trách nhiệm, từ những người mà ông phải phục vụ.