Có người trầm ngâm: “Sợ những giây phút cô đơn!”.
Có người mơ màng suy tư: “Sợ nỗi nhớ và cảnh ốm đau!”.
Có người hài hước: “Sợ sự thay đổi của quê và đổi thay của bản thân mình!”.
Và có ngưởi rùng mình, rụt vai: “Sợ chặt chém, nhồi nhét!”.
Xe khách "nhồi nhét" hành khách. Ảnh: PetroTimes.
“Chặt”, “Chém”, “Nhồi”, “Nhét” là bốn động từ mạnh của người đầu bếp dùng để chế biến thức ăn ư? Nó liên quan gì đến người xa quê? À, đó là nỗi ám ảnh ngày Tết...
Hình ảnh “Quê hương là chùm khế ngọt” thấp thoáng trong tâm tưởng, còn thân thể đang chịu cảnh hành hạ của chốn “lao tù” giữa "địa ngục trần gian".
Suốt mấy tiếng quẩn quanh, vật vờ nơi bến xe, cửa khẩu. Ngóng đến mỏi cổ giây phút đặt chân lên xe khách, đợi chờ đến hoa mắt... Chuyện thường thôi, Tết mà!
Giá bỗng chốc tăng vọt đến chóng mặt, từ giá vé, giá thức ăn, giá nước uống, giá dich vụ… Không đồng tình à? Đừng lên xe! Đừng ăn uống! Hay không có ý kiến? Vậy thì chìa tiền ra!
Đồng tiền giúp ta mua được sự bình yên khi nghĩ về hình ảnh quê nhà và niềm vui đoàn tụ. Nhưng tiền chưa cho ta sự an ổn thể xác và tâm hồn? Vượt ải bến xe, ải cửa khẩu, ta còn phải vượt ải xe khách nữa. Một chặng đường dài đầy mệt mỏi!
Những chuyến xe khách từ các nước bạn về Việt Nam luôn lúc nhúc người. Khom người trên ghế, co ro dưới chân, túm tụm chật các lối đi...
Mùi người xộc lên và những khuôn mặt thất thần như nhân lên sự uể oải thể xác và ủ rũ tâm hồn. Mỏi chân chẳng thể co duỗi, mỏi lưng chẳng thể trở mình!
Niềm khao khát đặt chân lên quê nhà có lẽ phai mờ đi tí xíu để nhường chỗ cho niềm khát khao được rời xe, được bước xuống co cẳng, vặn mình và hít thở bầu không khí tự do khi xe đến bến.
Ai gây ra thảm cảnh ấy? Những chuyến xe hay người tài xế, gã lơ xe? Họ không có lương tâm ư? Hay lòng người, tình người bị đồng tiền che mờ rồi? Người ta đối xử với nhau cạn tình, cạn nghĩa đến cùng.
Mỗi năm một lần bị tra tấn, nhưng hững người con xa quê chấp nhận hết, chỉ để được đặt chân về quê, đón xuân cùng gia đình, đoàn tụ với người thân.
Và xuân hết, họ lại cất bước đi xa, bươn chải kiếm sống, chờ ngày trở về. Nhịp sống của những người chọn lối sống bôn ba khắp là vậy.
Họ cũng có nhiều ước ao. Một trong số đó có lẽ là hành trình trở về quê hương bớt gian nan hơn. Và cả hành trình ra đi nữa, bớt thử thách hơn!
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng can thiệp, họ vẫn phải đi qua "Chặt Chém" và "Nhồi Nhét".
Và chắc chắn vẫn phải chìa tay ra: “Cho tôi xin một vé!”
Ngọc Hùng
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả