Hệ thống giếng cổ Gio An có 14 giếng bao gồm: Giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào (thôn An Nha); giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng); giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn).
Hệ thống giếng cổ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia vào năm 2001. Các giếng cổ hầu hết đều nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi.
Nguồn nước ngầm chảy ra từ các giếng cổ tại Gio An dường như vô tận, chưa bao giờ khô cạn (ảnh Thái Huyền Nga) |
Qua những công trình nghiên cứu, các nhà khoa học xác định hệ thống giếng cổ ở Gio An được người Chăm xây dựng vào cuối thời đại đồ đá, ước tính ra đời cách đây khoảng 5.000 năm. Giếng cổ Gio An là những công trình hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là di tích có giá trị khảo cổ, văn hoá nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay.
Mặc dù các giếng đều không quá sâu, nhưng nước chưa bao giờ cạn, ngay cả những năm hạn hán nhất, những chiếc giếng này vẫn ăm ắp nước, mát lạnh.
Hệ thống mương thoát nước được thiết kế, xây dựng vô cùng độc đáo, tất cả được tạo nên từ những tảng đá mồ côi (ảnh Thái Huyền Nga) |
Chị Thái Huyền Nga, một du khách tới từ Hà Nội cho biết đã rất choáng ngơp khi được tận mắt thấy hệ thống giếng cổ có tuổi đời hàng nghìn năm. Uống thử một ngụm nước chảy từ giếng Máng (thôn Long Sơn) thấy nước rất ngon, giống kiểu uống nước tinh khiết. Giếng Máng thoạt nhìn như một vũng nước nông choèn choèn, nhưng nguồn nước là vô tận, nước cứ chảy theo những "con mương" được xếp đá, rồi tràn ra những cánh đồng mênh mông phía trước.
Ấn tượng nhất với chị là giếng Gai. Khu giếng này nằm nép mình dưới một cây duối đại thụ, tán cây tỏa bóng mát nên rất được trẻ con trong làng ưa thích.
Giếng Gai nằm dưới gốc cây duối đại thụ nên thường xuyên trở thành nơi tắm mát của trẻ nhỏ (ảnh Thái Huyền Nga) |
Những năm gần đây, huyện Gio Linh đã kêu gọi đầu tư đồng thời ưu tiên một phần kinh phí đầu tư công vào việc trùng tu sửa chữa, tôn tạo một số giếng cổ ở đây để vừa phục vụ người dân, vừa thu hút du khách đến tham quan nhằm mở rộng phát triển du lịch địa phương, trong đó lấy hệ thống giếng cổ này làm chủ lực.
Du khách đặc biệt thích thú với dòng nước "vô tận" chảy ra từ các máng nước bằng đá có tuổi đời hàng ngàn năm (ảnh Thái Huyền Nga) |
Cụ thể, đến nay huyện Gio Linh đã đầu tư được 1,5 tỷ đồng tu sửa 4 giếng, gồm các giếng Đào, Trạng, Máng, Gai. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có chi 2,9 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng xã Gio An. Dự án hiện đang được triển khai thực hiện.