Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 92 Điều.
Những nội dung chủ yếu của dự thảo Luật gồm: Nhóm các quy định về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy hoạt động đấu thầu mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản xuất trong nước; tạo công ăn việc làm cho nhóm yếu thế, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững; Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ rà soát, làm rõ khái niệm “vốn Nhà nước” để đảm bảo thống nhất với quy định tại các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đối tác công tư…
Bên cạnh đó, làm rõ mối quan hệ với việc đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế; phạm vi điều chỉnh đối với dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội.
Đối với Dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu, ban soạn thảo cần rà soát, thống nhất với Dự án Luật Đất đai cũng đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, cần làm rõ tính khả thi, đối tượng áp dụng theo pháp luật chuyên ngành và tính thống nhất với pháp luật chuyên ngành.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế.”
Do vậy, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù như: Dự án cấp bách; Đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; Đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp và các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.
Chính phủ cần rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua liên quan đến đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế. Nhấn mạnh việc thực hiện rất khó khăn, ông Thanh đề nghị báo cáo làm rõ trong quá trình tổ chức thực hiện có vướng mắc, khó khăn gì.
Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhưng vẫn còn tình trạng khan hiếm thuốc, trang thiết bị y tế. Dự thảo Luật cần có những quy định để khắc phục được vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật liên quan đến nhiều luật như Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Dầu khí, Luật Đầu tư công… Do đó, cần rà soát nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong điều về áp dụng pháp luật cần nêu rõ trong trường hợp luật này và các luật khác quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng luật nào?
Theo bà Lê Thị Nga, khi nói đến lĩnh vực đấu thầu, nhiều người nghĩ ngay đến tình trạng gian lận, tiêu cực, "quân xanh,” "quân đỏ.”
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá, lĩnh vực đấu thầu là lĩnh vực có nhiều nguy cơ về tham nhũng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị xác định rõ tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu thời gian qua có nguyên nhân do tổ chức thực hiện hay do luật? Nếu do luật thì nằm cụ thể điều nào, phương án sửa như thế nào?
Đề cập đến hiện tượng "quân xanh,” "quân đỏ" và thông thầu, tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần làm rõ có phải do luật pháp thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, minh bạch, có lỗ hổng hay không? Vá lỗ hổng như thế nào?
Để đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, dự thảo Luật phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, người đứng đầu.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo nguyên tắc chủ yếu là đấu thầu rộng rãi, chỉ áp dụng đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, các hình thức lựa chọn nhà thầu khác, đặc biệt là chỉ định thầu khi không thể đấu thầu rộng rãi vì lý do bất khả kháng, an ninh, quốc phòng, phòng, chống thiên tai...; rà soát kỹ các điều kiện cho từng trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phải đấu thầu rộng rãi thật rõ ràng, minh bạch, tránh lạm dụng, tùy tiện.