Chủ nghĩa cơ hội hạt nhân của Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Với việc toàn bộ thế giới tập trung vào Ukraine, những tuần và tháng tới sẽ là cơ hội hoàn hảo để Triều Tiên triển khai các hoạt động hạt nhân, trong bối cảnh Mỹ và các cường quốc khác đang bị phân tâm.
Chủ nghĩa cơ hội hạt nhân của Triều Tiên

Xung đột Nga-Ukraine sẽ chỉ làm tăng thêm quyết tâm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Ông Kim biết rằng theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà nước này thừa hưởng từ Liên Xô, và nếu Ukraine vẫn là một cường quốc hạt nhân, Nga sẽ không dám động quân.

Đối với ông Kim, trường hợp của Ukraine cũng tương tự như các bài học của Iraq và Libya trong quá khứ: các quốc gia từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trở nên dễ bị tổn thương và các nhà lãnh đạo của họ đối mặt với nguy cơ bị lật đổ và có kết cục bi thảm.

Tiến về phía trước

Có nhiều lý do để lo ngại rằng Triều Tiên sẽ thực hiện các vụ thử tên lửa, hạt nhân hoặc các hành động khiêu khích khác trong năm nay. Thứ nhất, Bình Nhưỡng có lịch sử chào đón các tân Tổng thống Hàn Quốc bằng những lời đe dọa.

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã báo hiệu rằng ông sẽ theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Lần cuối cùng một tổng thống thuộc phe bảo thủ được bầu ở Hàn Quốc, Triều Tiên đã tiến hành cuộc thử nghiệm vụ thử hạt nhân lần thứ ba, chỉ vài tuần trước khi bà Park Geun-hye nhậm chức vào tháng 2 năm 2013.

Các tổng thống thuộc phe cấp tiến cũng không khác: vào năm 2017, trong 4 tháng đầu tiên dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ sáu (bom khinh khí) và hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), trong đó có một tên lửa có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Năm 2022 cũng đánh dấu nhiều mốc kỷ niệm của Triều Tiên: 10 năm ông Kim Jong-un lên nắm quyền, 80 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Jong-il và 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Đặc biệt, lễ kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành, vào ngày 15/4, có thể được đánh dấu bằng một cuộc thử nghiệm vũ khí lớn.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Kim đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân và hơn 130 vụ thử tên lửa. Bình Nhưỡng ước tính có tới 60 đầu đạn hạt nhân và đang sản xuất đủ vật liệu phân hạch để chế tạo 5-6 quả bom mới hàng năm. Triều Tiên đặt kỳ vọng lớn vào Hwasong-17, loại tên lửa ICBM với khả năng mang nhiều đầu đạn. Hwasong-17 sẽ hạn chế khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ, và nếu thử nghiệm thành công, Triều Tiên trở thành một trong ba quốc gia trên thế giới sở hữu loại tên lửa này, cùng với Trung Quốc và Nga.

Trong 6 tháng qua, Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới, một tên lửa đạn đạo gắn trên tàu hỏa, một hệ thống tên lửa phòng không mới, một tên lửa hành trình chiến lược tầm xa và nhiều tên lửa siêu thanh. Gần đây nhất, vào đầu tháng 3, Triều Tiên đã thử nghiệm các thành phần của ICBM, trong đó có một bộ phận cho phép họ phóng nhiều đầu đạn từ tên lửa thậm chí còn lớn hơn ICBM mà họ đã thử nghiệm vào năm 2017.

Triều Tiên cần tiếp tục thử nghiệm và hiện đại hóa kho vũ khí để đạt được mục tiêu chiến lược: được cộng đồng quốc tế công nhận là một cường quốc vũ khí hạt nhân, đồng thời, tạo đòn bẩy cho chính sách ngoại giao trong tương lai với Mỹ. Pakistan là hình mẫu mà Triều Tiên muốn hướng đến: sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Pakistan vào năm 1998, chính quyền Islamabad phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc, nhưng lệnh cấm vận đã sớm được nới lỏng và sau vụ 11/9, Mỹ đã viện trợ cho Pakistan.

Cuối cùng, môi trường địa chính trị đặc biệt thuận lợi cho các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Nga có mâu thuẫn với phương Tây về chiến dịch quân sự tại Ukraine. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quá bận tâm đến hậu quả kinh tế và chính trị của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, nên khó có thể kiềm chế Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, cả Moscow và Bắc Kinh có khả năng sẽ phủ quyết các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trên thực tế, cả hai nước đều đang nới lỏng việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây thực tế là một lời mời Triều Tiên thực hiện các hành động khiêu khích mới.

Các lệnh trừng phạt thứ cấp

Nếu Triều Tiên nâng mức độ đe dọa của mình bằng các vụ thử vũ khí lớn trong năm nay, thì chính phủ Mỹ sẽ có rất ít lựa chọn tốt để đối phó. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã khiến 5 đời tổng thống Mỹ phải đau đầu và mặc dù Washington áp dụng mọi cách tiếp cận có thể từ hội nghị thượng đỉnh đến đe dọa vũ lực, mục tiêu phi hạt nhân hóa vẫn còn xa vời hơn bao giờ hết.

Điều này có thể giải thích tại sao, sau hơn một năm cầm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden không đưa ra sáng kiến ​​mới đáng kể nào về Triều Tiên. Chính quyền Biden chọn “cách tiếp cận thực tế, hiệu chỉnh” nằm giữa “sự kiên nhẫn chiến lược” của Tổng thống Barack Obama và “món hời lớn hoặc không gì cả” của Tổng thống Donald Trump, dẫn đến việc chấp nhận hiện trạng.

Công bằng mà nói, chính quyền Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, nhưng Bình Nhưỡng tỏ ra không mấy quan tâm đến việc đối thoại thêm với Washington kể từ sau thất bại của 3 hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.

Lựa chọn thực tế duy nhất đối với Biden là duy trì cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên như một mục tiêu dài hạn, trong khi về ngắn hạn và trung hạn, theo đuổi chính sách trừng phạt, răn đe và ngăn chặn thực dụng hơn để hạn chế mối đe dọa. Đây không phải là những chính sách mới, nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh phải tìm cách thực hiện chúng với sự nhất quán, đáng tin cậy và phối hợp chặt chẽ hơn so với những gì đã xảy ra trước đây.

Các biện pháp trừng phạt là một công cụ có thể hữu ích. Các biện pháp trừng phạt mà chính quyền George W. Bush áp dụng vào năm 2005 đối với công ty Banco Delta Asia của Ma Cao, nơi Triều Tiên cất giữ tiền mặt, là một trong số ít các bước mà Washington thực hiện khiến Bình Nhưỡng thực sự chú ý. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, Mtx đồng ý giải phóng 25 triệu USD trong quỹ đóng băng để thúc đẩy các cuộc đàm phán 6 bên, và các lệnh trừng phạt chính thức được dỡ bỏ vào năm 2020.

Triều Tiên cũng chú ý khi cựu Tổng thống Trump ủy quyền cho Bộ Tài chính ngăn chặn bất kỳ cá nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài nào tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại với Bình Nhưỡng. Chính quyền Biden có thể mở rộng các biện pháp trừng phạt thứ cấp như vậy đối với các tổ chức tài chính viện trợ cho Triều Tiên, bao gồm cả các tổ chức ở Trung Quốc.

Washington có cơ hội tiếp tục đàn áp các mạng lưới tài chính của Triều Tiên theo Đạo luật Otto Warmbier 2019. Đạo luật này trao cho tổng thống quyền xử phạt các tổ chức tài chính giúp Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Chính quyền Biden cần gửi một thông điệp đơn giản, trực tiếp đến các công ty tài chính nước ngoài, đặc biệt là các công ty Trung Quốc: họ có thể kinh doanh với Triều Tiên hoặc họ có thể kinh doanh với Mỹ, nhưng họ không thể kinh doanh với cả hai. Washington có thể áp dụng mô hình trừng phạt cứng rắn mà Mỹ áp đặt lên Iran trước khi đạt được thỏa thuận về các hoạt động hạt nhân của Tehran vào năm 2015.

Các biện pháp trừng phạt chỉ nên được nới lỏng nếu Triều Tiên thực hiện các bước có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược đối với việc phi hạt nhân hóa. Các biện pháp như vậy có thể được kết hợp với việc tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh để ngăn chặn hoạt động buôn bán bất hợp pháp và phổ biến vũ khí của Triều Tiên, mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa quanh Bán đảo Triều Tiên và tăng cường khả năng quân sự để răn đe Triều Tiên.

Sự trở lại của liên minh Mỹ-Hàn

Trong quá khứ, Mỹ và Hàn Quốc đôi khi theo đuổi đường lối cứng rắn và đôi khi là cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với Triều Tiên, và không phải lúc nào hai bên cũng có chung quan điểm. Ví dụ, hai đời Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã áp dụng Chính sách Ánh dương nhằm hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên từ năm 1998 đến năm 2008. Ngược lại, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống George W. Bush, Mỹ theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, xếp quốc gia này vào “trục ma quỷ”.

Gần đây hơn, chính quyền Moon Jae-in đã cố gắng cải thiện quan hệ với Triều Tiên bằng cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt và thúc đẩy việc chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Về phần mình, chính quyền Biden cho rằng các bước như vậy là quá sớm.

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol có thể sẽ cứng rắn hơn chính quyền đương nhiệm. Ông Yoon ủng hộ việc khôi phục các cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc. Nếu Triều Tiên tiến hành thử nghiệm ICBM hoặc vũ khí hạt nhân, Biden và Yoon có thể sẽ thống nhất trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn.

Ông Yoon cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), nhằm mục đích phòng thủ trước các tên lửa của Triều Tiên. Cuối cùng, Biden và Yoon đồng ý về sự cần thiết của Seoul để sửa chữa quan hệ với Tokyo nhằm tăng cường phối hợp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn. Mối quan hệ đối tác Yoon-Biden sẽ có khả năng theo đuổi cách tiếp cận trừng phạt cứng rắn hơn, đồng thời bỏ ngỏ cơ hội đối thoại nếu Kim quan tâm.

Mặc dù phương Tây nên kiên quyết đối đầu với các hành động khiêu khích của Triều Tiên, nhưng Seoul và Washington không nên e ngại khi đối thoại với Bình Nhưỡng. Nếu Triều Tiên quyết định quay lại đàm phán, Mỹ nên xem xét ký kết một thỏa thuận tạm thời sẽ đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên theo cách có thể kiểm chứng được để đổi lại việc Mỹ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt một phần.

Nhưng thỏa thuận sẽ cần công bằng hơn so với yêu cầu của Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội năm 2019 về việc dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt để đổi lại chỉ là ngừng một phần các hoạt động thử nghiệm hạt nhân. Một thỏa thuận tạm thời có thể phi thực tế bởi Triều Tiên không chấp nhận các đoàn kiểm tra quốc tế tiếp cận các cơ sở nghiên cứu như cách Iran đã đồng ý vào năm 2015.

Một khả năng ít xảy ra hơn đó là Triều Tiên sẽ chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn, theo sau một thỏa thuận lớn. Nếu không có gì đột phá, sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hạn chế như vậy sẽ cho phép Washington giành chiến thắng trong cuộc chiến dư luận bằng cách cho thế giới thấy rằng họ thực sự quan tâm đến hòa bình và những trở ngại chính đối với một thỏa thuận nằm ở phía Bình Nhưỡng.

Thật dễ dàng để phản đối rằng các động thái như vậy đang đi vào lối mòn. Nhưng có một lý do chính đáng khiến Mỹ và Hàn Quốc hết lần này đến lần khác chọn hành động này: đó là giải pháp ít rủi ro nhất. Hình mẫu cho chiến lược này là giai đoạn Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ kiên nhẫn theo đuổi việc ngăn chặn mối đe dọa từ Liên Xô cho đến khi cường quốc phía đông chọn giải pháp hòa bình. Triều Tiên nhiều khả năng sẽ cần phải tự chuyển đổi hoặc phát triển.

Chiến tranh Lạnh là một tiến trình kéo dài khiến căng thẳng trở nên tồi tệ và suy yếu. Bài học của thời đại đó là Washington không nên phản ứng thái mà thay vào đó theo đuổi một chính sách ổn định, có nguyên tắc để giữ sức ép lên một chế độ chuyên chế mà không sa vào các hành động khiêu khích và có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột lớn. Với những tổng thống có tầm nhìn trực diện, Washington và Seoul có thể bám sát kịch bản này một cách hiệu quả hơn bao giờ hết.

Bài viết thể hiện quan điểm của Sue Mi Terry - cựu chuyên gia phân tích của CIA.

Theo Foreign Affairs
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
(Ngày Nay) - Theo một nghiên cứu mới được công bố, mức sử dụng kháng sinh trên toàn cầu đã tăng 21% kể từ năm 2016, làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Phân tích dữ liệu từ 67 quốc gia cho thấy xu hướng gia tăng đáng báo động này.
Ảnh minh hoạ.
Còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ…
Khung cảnh mua bán được tái hiện trong không gian Trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đánh thức tiềm năng du lịch bền vững ở làng nghề trăm tuổi
(Ngày Nay) - Dòng kênh Thầy Cai nhộn nhịp với những chiếc ghe chở gạch, chở trấu, những chiếc ghe hàng... tưởng chừng như bị lãng quên đã được gợi nhớ lại trong những ngày diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2024.
Ảnh minh hoạ.
Tạo dấu ấn từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
(Ngày Nay) -  Là khu vực gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, vùng trung du và miền núi phía Bắc có liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc.
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
(Ngày Nay) - Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dự kiến sẽ tăng cường các giải pháp để chống thi thay, thi hộ như bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.