Sáng nay (24/7), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu HĐND TP thuộc đơn vị bầu cử số 2 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4 HĐND TP khóa XV.
Tại cuộc tiếp xúc, một số cử tri bày tỏ đồng tình với đề án quản lý phương tiện giao thông của thành phố, tuy nhiên có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc cấm xe máy tại các quận nội đô từ 2030.
Cho rằng việc cấm xe máy khó khả thi, ông Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) nêu hàng loạt vấn đề: hiện hạ tầng giao thông kém, người dân còn khó khăn và đa số đi xe máy; phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, tuyến buýt nhanh đầu tiên Kim Mã – Yên Nghĩa không hiệu quả; mật độ dân số tăng cao, nhà cao tầng mọc lên trong nội đô ngày càng nhiều…
“Nếu cấm xe máy người dân đi lại bằng gì? Cấm xe máy chẳng khác gì chỉ bảo vệ cho người giàu đi ôtô”, ông Toán nói và kiến nghị cơ quan chức năng cần khảo sát số lượng xe máy của từng gia đình, có lộ trình loại bỏ xe cũ nát, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân và quản lý ôtô cá nhân như đối với xe máy, báo Vnexpress thông tin.
Ồng Nguyễn Đức Chung gặp gỡ với các cử tri quận Hoàn Kiếm. Ảnh: ANTĐ |
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin, đề án của thành phố phấn đấu đến 2030 sẽ hạn chế phương tiện cá nhân ở lõi đô thị. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, đề án là hạn chế phương tiện cá nhân chứ không cấm hẳn và đề án sẽ được thực hiện theo lộ trình khoa học, báo ANTĐ đưa tin.
Để đẩy mạnh hệ thống giao thông công cộng, thành phố đã và đang xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, tăng số lượng xe buýt... Đến 2020, Hà Nội sẽ có thêm thêm ít nhất từ 1.000 đến 1.500 xe buýt, với nhiều loại hình như buýt mini, buýt phục vụ du lịch... Đến năm 2030, hệ thống phương tiện công cộng phải đảm bảo phục vụ 50-70% hành khách thì mới tiến hành hạn chế dần xe máy.
Đối với 6 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội đã kêu gọi thành công 3 nhà đầu tư nước ngoài, 6 nhà đầu tư trong nước. Các dự án này sẽ được thành phố tạo điều kiện tối đa để sớm đi vào hoạt động, giảm áp lực hạ tầng, phục vụ nhân dân.
“Trước mắt, thành phố sẽ sớm triển khai mô hình xe đạp công cộng để phục vụ du lịch cũng như nhu cầu của người dân”, Chủ tịch UBND TP thông tin thêm.
Cũng theo báo ANTĐ, Cử tri Nguyễn Minh Hương (phường Hàng Bài) đánh giá, thời gian qua, bên cạnh hoạt động nòng cốt của các lực lượng thuộc Công an TP Hà Nội, tinh thần tự quản của nhân dân, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng đó, hệ thống camera ở các tuyến phố, khu dân cư đã hỗ trợ hiệu quả công tác giữ gìn an ninh trật tự. Cử tri kiến nghị thành phố đẩy nhanh việc nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera khép kín trên toàn thành phố, giúp nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.
Đồng tình với kiến nghị này, Chủ tịch UBND TP cho biết, sắp tới, Hà Nội sẽ có khoảng 4.000 camera. Hệ thống camera sẽ được tích hợp, dữ liệu sẽ được chuyển về trung tâm điều hành hiện đại để phân tích xử lý kịp thời. Trung tâm điều hành này đang được khẩn trương xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng tiếp thu, trả lời các kiến nghị của cử tri một số vấn đề bức xúc như việc làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang; bất cập trong việc quản lý vỉa hè; nâng tầm các sản phẩm du lịch...
Chủ tịch UBND TP thông tin, lần đầu tiên sau 15 năm, các khách sạn lớn ở Hà Nội đã được đặt phòng kín đến quý 1 năm 2018. Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch công nghệ cao; phát triển thêm 4.000 phòng khách sạn để đảm bảo nhu cầu lưu trú của du khách trong và ngoài nước...
Tổng hợp