Phát biểu tại Hội nghị của Sở Thông tin Hà Nội ngày 9/1, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã giao cơ quan này đánh giá kết quả, tác dụng của việc dùng loa truyền thanh ở cấp phường, qua đó báo cáo lên thành phố.
“Loa ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng. Còn thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thành phố có nhiều phương thức khác phục vụ nhân dân, ví dụ như cung cấp chỉ số môi trường qua mạng internet… Liệu loa còn phù hợp không”, ông Chung nêu vấn đề.
Theo lãnh đạo Hà Nội, có ý kiến người dân cho rằng, loa thường phát thông tin ngắn vào thời gian mọi người đã đi làm nên chỉ “toàn cụ già với trẻ con nghe”.
Từ thực tế trên, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng đánh giá nghiêm túc, chọn vài điểm lấy ý kiến nhân dân. Nơi nào còn tác dụng tốt, như ở ngoại thành thì có thể giữ, những nơi dân trí đã cao có thể bỏ đi. Cùng với đó, thành phố sẽ thí điểm cung cấp thiết bị đầu cuối thông minh cho các gia đình, giải quyết thông tin đến từng hộ.
Hoạt động của loa phường gây nhiều ý kiến trái chiều. |
“Nếu loa phường không còn hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi. Loa đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nếu cứ nói đó là truyền thống, đặc thù là không phải. Giống cuộc cách mạng phát thanh truyền hình giờ đã chuyển sang kỹ thuật số”, Chủ tịch Hà Nội nói và giao Sở Thông tin hoàn thành công tác đánh giá hiệu quả loa truyền thanh phường ngay trong quý I năm 2017.
Trước đó vào năm 2013, bên cạnh hệ thống loa phường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông lắp đặt loa phát thanh tuyên truyền giao thông ở 16 vị trí công cộng trọng điểm trên địa bàn.
Tháng 4/2016, thành phố yêu cầu chính quyền địa phương thông báo tên các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên "loa phường" để người tiêu dùng biết, không sử dụng.