Trong chương trình làm việc phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Đánh giá cao sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện trách nhiệm giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, nhằm không để oan sai đối với công dân, song Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng thẳng thắn khẳng định: “Làm sai là vi hiến, xâm phạm quyền con người, quyền tự do, công bằng và làm méo mó công lý. Nếu cơ quan tư pháp sai thì làm sao chúng ta bảo vệ được công lý, do đó cuộc giám sát có ý nghĩa đối với toàn ngành”.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Nghị quyết phải đánh giá đúng hệ thống tư pháp thực thi công vụ một cách nghiêm túc, tận tâm, cố gắng và thực hiện các nghị quyết của T.Ư có nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, cũng phải đánh giá thực trạng oan, sai vẫn còn và đã oan, sai là nghiêm trọng chứ không kể một trường hợp, 5 hay 10%. Oan, sai ở đâu thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người chỉ huy, cán bộ ở đó phải chịu trách nhiệm, tức là chỉ rõ trách nhiệm từng khâu để oan, sai và kết luận trách nhiệm, đòi hỏi xử lý nghiêm túc. Người chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ thì công an hoàn toàn chịu trách nhiệm, dù là tự tử hay bức cung nhục hình, tùy mức độ mà xử lý theo pháp luật. Còn tòa án xử sai thì phải chịu, không thể chung chung…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước |
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, Nghị quyết phải thể hiện thái độ của QH là phải giải quyết ngay những vụ việc mà đoàn giám sát nêu. Về đánh giá số vụ việc oan sai, không thể vì số lượng ít mà coi nhẹ, vì dù một người bị oan, sai cũng phải quan tâm với tinh thần tuân thủ đúng pháp luật để bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Để giảm tình hình oan, sai thì trước tiên phải làm đúng quy trình và lãnh đạo các ngành liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra…
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn thì băn khoăn, đánh giá oan, sai thế nào là nhiều, thế nào là ít. Oan, sai chỉ cần một vụ là rúng động xã hội rồi. Số liệu tổng hợp đã chính xác chưa? Bao nhiêu vụ báo chí phanh phui, bao nhiêu vụ do kêu oan kéo dài, bao nhiêu do cơ quan liên quan phát hiện? Báo cáo giám sát chưa làm rõ việc xử lý vi phạm đối với những người làm sai cũng như tác động của việc làm sai đến xã hội, dư luận, dẫn đến người dân không tin, thậm chí cho rằng xử thế nào cũng được.
Tuy đánh giá cao việc tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát, xây dựng báo cáo và các kiến nghị của đoàn giám sát, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng, việc tổ chức giám sát với tình hình oan, sai là rất đúng vì đây là vấn đề bức xúc, QH và dư luận rất quan tâm. Đây là lần đầu giám sát toàn diện, sâu về vấn đề này. Số liệu, tính đại diện của các vụ việc cụ thể trong báo cáo chính xác với thực tế và tiêu biểu chưa? Liệu đã có sự thống nhất giữa các ngành? Đề nghị làm rõ nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, trong đó có việc chưa quán triệt, nhận thức chưa đầy đủ tinh thần Hiến pháp và pháp luật như suy đoán vô tội hay nguyên tắc tranh tụng, bào chữa. Cần xem xét nguyên nhân liên quan xử lý vi phạm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Những ngành này có cố gắng gì để xử lý những người sai phạm, có hiện tượng bao che vì thành tích không? Rất nhiều vụ từ đầu không có gì, khi báo chí nêu lên, cấp trên có ý kiến thì thấy việc lại ngược lại, lỗi là do người thi hành công vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai |
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cũng đề nghị, cần nghiên cứu, đánh giá một cách xác thực để tạo niềm tin cho xã hội đối với các cơ quan tố tụng. Báo cáo có ghi phần lớn các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội, kể cả những nơi có lượng án rất lớn. Chỗ này nói lên điều gì? Hoạt động điều tra ban đầu của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm và Cảnh sát biển còn có những khiếm khuyết, tiềm ẩn việc bỏ lọt nhiều hành vi phạm tội xảy ra trong lĩnh vực quản lý của các cơ quan này, nhưng nguyên nhân khách quan, chủ quan ra sao? Đoàn giám sát đánh giá một số trường hợp cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm cho bị cáo hưởng án treo thiếu căn cứ, nhất là đối với các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Tại sao án tham nhũng bao giờ cũng xử nhẹ, thực tế đúng không?
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa dẫn báo cáo giám sát cho rằng việc sai, bỏ lọt tội phạm có chiều hướng gia tăng, trong đó có bị can, bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Việc miễn trách nhiệm hình sự được vận dụng các tiêu chí giảm nhẹ như thành phần tốt, khai báo, giải quyết hậu quả… Số vụ tòa trả hồ sơ nhiều lần với lý do chủ yếu là bỏ lột tội phạm. Tòa án quyết định hình phạt quá nhẹ hoặc cho hưởng án treo không đúng pháp luật đối với bị cáo phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Đây là vấn đề cần hết sức quan tâm và phải chăng là nguyên nhân làm cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa như mong muốn. Phải làm rõ nguyên nhân tại sao như thế để đánh giá chính xác. Đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan điều tra, tố tụng, tòa án để từ đó có giải pháp khắc phục những hạn chế đã nêu.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Xử lý nghiêm cảnh sát hình sự "rởm" lừa thiếu nữ vào nhà nghỉ và lấy iPhone
- Điều tra nguyên nhân học viên tử vong bất thường tại trung tâm cai nghiện
- Nghi vấn CSGT đánh người vi phạm: Công an Hải Phòng lên tiếng