Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến việc triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành từ 2 năm trước, tuy nhiên đến nay chưa có báo cáo khả thi. Việc chậm trễ này dẫn tới nhiều hệ luỵ, dân không yên tâm ổn định sản xuất, giá đất thì càng đội lên... Trong khi đó, bà Ngân nói thời gian gần đây "sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường, hành khách phải kéo hành lý chạy bộ sợ trễ giờ bay, thấy thê thảm".
"Tân Sơn Nhất giờ là nỗi ám ảnh của hành khách. Sân bay ở trong thành phố nhưng phải đi trước vài tiếng đồng hồ vì sợ tắc đường”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc cũng cho rằng, trong khi chờ đợi dự án Long Thành thì phải xử lý vấn đề quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, "nếu không xử lý, lòng dân không an".
Vị đại biểu TP HCM dẫn chứng, ngày 28/4 kẹt xe khủng khiếp từ 2h chiều đến tận 11h đêm ở cổng vào sân bay, ảnh hưởng đến hàng nghìn con người. Mặc dù tắc nghẽn như vậy, một phần đất khu vực sân bay lại sử dụng vào công năng khác như sân golf, nhà hàng, khách sạn.
"Nếu ai có điều kiện vào nhà hàng, khách sạn ở khu vực sân bay thì mới thấy lòng đau nhói, vì sân bay quá tải mà đất lại cắt sử dụng công năng khác. Chúng ta có suy nghĩ gì về việc này? Tại sao không mở thêm cửa ngõ sân bay cho các hãng hàng không khai thác, như ở phía đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)", ông Lộc đặt câu hỏi.
Ông Lộc nhấn mạnh thêm: "Không nói điềm gở, nhưng nếu có sự cố nào đó thì liệu một con đường Trường Sơn hiện nay có đủ để xử lý không". Theo ông, phải nghiên cứu khai thác hết công suất của sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tiến hành dự án Long Thành.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh cần tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến việc triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, để không làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án này.
Đại biểu Lê Minh Thông phân tích, với dự án lớn như Long Thành thì việc giải phóng mặt bằng, tái định cư phải đi trước một bước và được tiến hành đồng bộ.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến kinh phí để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến việc triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn bố trí giai đoạn 2016-2020 mới được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu, còn thiếu 18.000 tỷ đồng. Đây là điều khiến nhiều đại biểu lo ngại.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Thường vụ Quốc hội yêu cầu giải trình rõ tại sao lại "đội" lên 18.000 tỷ đồng, giải pháp nào để có được số tiền này.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi lưu ý, việc đảm bảo tiến độ của dự án Long Thành rất quan trọng. “Nếu kéo dài thêm 2 đến 3 năm không phải 23.000 tỷ đồng đâu. Chắc chắn phải vượt con số này. Cho nên phải đảm bảo tiến độ, tránh phát sinh kinh phí và kéo dài thời gian”, ông Lợi nói.
Về phía Uỷ ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện. Trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ; khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của dự án; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.