Ở Quang Bình, người dân không nhớ tên chữ của chùa Đông Am. Một anh cán bộ huyện chúng tôi gặp ở cây xăng và hỏi đường, cương quyết khẳng định rằng anh công tác đã lâu nhưng chưa bao giờ được nghe tên chùa Đông Am. Nhưng hỏi đến “chùa thầy Thân” thì anh biết.
Anh hỏi lại, có phải thầy Thân ngày xưa đi chiến trường không? Chúng tôi gật đầu. Anh chỉ đường vào chùa.
Ở Quang Bình, người ta gọi chùa Đông Am là “chùa thầy Thân” - theo tên vị trụ trì - đã thành quen, không còn nhớ tên chữ.
Thầy Thích Đàm Thân vẫn khóc khi nói đến những đồng đội cũ. Thày tự kể chuyện, về một dịp nào đó năm xưa, thầy được mời về làm lễ ở chiến trường xưa. Thầy trở về nơi ấy với tư cách một bậc cao tăng, nhưng nó lại làm sống dậy những ký ức của cô bộ đội Lương Thị Thân năm nào. Bao nhiêu đồng đội đã hy sinh trên con đường 20 Quyết Thắng, bao nhiêu bạn bè trong làng, trong huyện, đã đi mãi không về. Thầy khóc nức nở.
Thấy bảo rằng lần nào nói về đồng đội cũ, thầy cũng khóc, dù hơn 40 năm đã qua đi.
“Đã biết bao người như tôi, các bạn tôi trẻ lắm đẹp lắm. Vậy mà chỉ một loạt bom rơi là các bạn tôi đi hết. Tôi xuất gia để cầu siêu cho những bạn bè của tôi”...
Cô y tá chiến trường Lương Thị Thân đã gắn bó với những con đường dọc dãy Trường Sơn suốt 9 năm trời. Trời Phật đã không cho chị chết. Có lần, một quả bom rơi xuống xe, chị tỉnh dậy và thấy mình đang nằm trong nhà dân vùng Lao Bảo, Quảng Trị. Người ta nói cả chuyến xe đã hy sinh hết, chỉ còn mình Thân.
Những vết thương đã biến cô gái khỏe mạnh trở thành một thương binh mất 62% sức khỏe. Và quan trọng hơn, là cô biết rằng trong người mình đã nhiễm chất độc da cam: người phụ nữ ấy, quyết định rằng mình sẽ không bao giờ trở thành một người mẹ nữa.
Người cũ từ chiến trường trở về. Họ gặp lại nhau. Nhưng nỗi mặc cảm của Thân không cho phép cô được sống cuộc đời của một phụ nữ bình thường. Người ta kể rằng cho đến nhiều năm sau này, khi Lương Thị Thân đã trở thành nhà sư Thích Đàm Thân, người đàn ông ấy vẫn tìm đến và xin sư quay lại. Anh không lấy vợ. Nhưng cô đã quyết định đoạn tuyệt với bụi trần.
Bây giờ sư thầy không muốn nhắc nhiều đến chuyện quá khứ nữa. Trong tâm của sư thầy, giờ chỉ có chùa, có Phật, và có đạo.
Niềm vui của sư thầy, ở tuổi ngoài 60, là làm sao cho cảnh chùa được đẹp, cho khách thập phương đến vãn. Là làm sao, cưu mang thêm được những phận đời khó khăn đã phải tìm đến nương nhờ nơi cửa Phật. Thầy Thích Đàm Thân đã nhận nuôi nhiều đứa trẻ mồ côi, và nâng đỡ nhiều phận đời hẩm hiu. Có cháu giờ đã lớn, được cho đi học Đại học Phật giáo. Có cháu, vẫn còn tuổi bú mớm.
Hơn chục năm qua, đã có gần 40 đứa trẻ bị bỏ rơi được chùa Đông Am nuôi dưỡng.
Có lần, chia sẻ với các nhà báo, sư thầy nói rằng khi nuôi dưỡng những đứa trẻ ấy, thầy cảm thấy như mình chính là mẹ của chúng. Những tổn thương cơ thể từ chiến trường, đã tước mất của thầy thiên chức làm mẹ. Nhưng ở nơi cửa Phật này, thầy vẫn tìm thấy được cách để trở thành một người mẹ - tận hưởng cảm giác được nuôi dưỡng những đứa con và chứng kiến chúng lớn lên với tấm lòng từ bi.
Có một điều đặc biệt ở chùa Đông Am, mà dường như gắn bó với cuộc đời của một người lính trước khi sư trụ trì nơi này bước vào cửa Phật. Đó là ngoài bàn thờ Phật, thì trong chính điện, còn có bàn thờ dành cho nhiều nhân vật có công với cách mạng. Dưới chân Phật, người ta nhìn thấy di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bên tay phải ban thờ, lại gặp một bát hương dành cho nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh - một trong những lãnh đạo đầu tiên của phong trào công nhân Việt Nam.
Ngay cả ở nơi không vướng với bụi trần này, bằng cách nào đó, sư thầy vẫn thể hiện được lòng trung thành của một người đã đi theo cách mạng.
Khi khóc, thầy đọc nhiều bài thơ. Những bài thơ về quá khứ bi hùng của tổ quốc, và về những người đồng đội đã ngã xuống. Gạt nước mắt, thầy đi tụng kinh. Điều mà thầy nói, rằng để cho những đồng đội của mình được siêu thoát: có bao nhiêu người trong số họ vẫn nằm lại chiến trường suốt 40 năm qua, không thể quay về quê nhà.
Buổi tụng kinh chiều, dù không phải ngày nghỉ, nhưng vẫn có đông người làng đến dự. Mọi người ngồi thành hàng ngay ngắn trong chùa, xếp quyển kinh trước mặt, và đọc theo lời của sư trụ trì. Nắng chiếu xiên qua những tán cây cạnh chùa, tiếng trẻ nhỏ vang sang từ ngôi trường tiểu học cạnh bên, tạo ra một khung cảnh tĩnh tại và bình yên. Khó tưởng tượng được rằng, đằng sau khung cảnh ấy là quá khứ bi thương của một người phụ nữ đã để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường. Và rộng hơn, đằng sau những vệt nắng xiên bình yên trong buổi chiều Quang Bình ấy, là cuộc đời của hàng vạn con người đã nằm lại, mà đến giờ vẫn là niềm day dứt của người đồng đội cũ.
Trong cuộc chiến tranh 54-75, tỉnh Thái Bình là một trong những địa phương đưa ra tiền tuyến nhiều bộ đội và TNXP nhất. Hay là hiểu theo cách khác: đây là nơi có nhiều cô gái trẻ đã ra đi và để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường.
Và có rất nhiều người trong số họ, sau khi cuộc chiến kết thúc, với những vết thương trong lòng và trên cơ thể, không còn quay về với cuộc đời được nữa. Họ quyết định rằng mình sẽ tìm đến nương nhờ nơi cửa Phật.
Sư thầy Thích Đàm Thân không phải người duy nhất mang trong mình mặc cảm của một người đã nhiễm chất độc hóa học. Nhiều nữ TNXP của Thái Bình cũng đã vì hiểu được điều đó mà không lập gia đình, trong đó có những người giờ cũng đã tìm đến nơi cửa Phật. Họ từ bỏ thiên chức của người phụ nữ, vì không muốn sinh ra những đứa con tật nguyền. Chỉ trong một đơn vị, như là đại đội 895, nhiễm chất độc hóa học trong một trận bom ở ga Gôi, Nam Định, đã có tới 23 đứa trẻ có di chứng được sinh ra đời. Nhiều người đã mất vì ung thư.
Cho đến giờ, vẫn còn gần 20 ngôi chùa ở Thái Bình có các nhà sư là những nữ TNXP hay là lính từ chiến trường trở về. Một số người vẫn muốn nói về cái thời khói lửa ấy: ký ức không thể phai trong họ. Một số người, như thầy Thân, không còn muốn nhắc lại nữa.
Đức Phật đã cho họ một cuộc đời mới. Bình yên và xoa dịu được đi những tổn thương mà bom đạn trút lên mình.