Cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông vùng núi không cản được bước chân của chúng tôi đến với các em nhỏ ở xóm Nhạp trong hành trình tìm con chữ. Chạy theo những tuyến đường nhựa quanh co, băng qua những con đường đầy xỏi đá xuyên núi, chúng tôi cũng đã đến xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, Hòa Bình).
Nhiều năm qua, người dân ở xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) và đặc biệt là hàng chục em học sinh đều phải đánh cược tính mạng di chuyển bằng mảng để mưu sinh, đến lớp học một cách nguy hiểm.
Việc người dân phải sử dụng bè mảng để di chuyển chòng chành qua sông đến cả những người dân nơi đây cũng không nhớ rõ từ bao giờ. Khi di chuyển bằng bè mảng do nhiều người cùng phương tiện bị rơi xuống sông nên những người dân nghèo khổ nơi đây phải tự mình gom vốn hoặc vay mượn anh em để mua một chiếc thuyền sắt nhỏ hay tự đóng lấy bằng xi măng.
Cận cảnh chiếc thuyền bằng xi măng tạm bợ của người dân xóm Nhạp sử dụng để di chuyển qua lòng hồ sông Đà mỗi ngày để mưu sinh.
Những dây thép nhỏ quấn quanh những cây tre để làm thành thuyền.
Các em nhỏ xóm Nhạp di chuyển trên những chiếc bè mảng tròng trành rất nguy hiểm, thêm nữa các vật dụng cứu hộ cũng chẳng có nhưng nguy hiểm dần dần rồi cũng thành quen bởi ai nấy trong các em cũng “thèm khát” cái chữ, “thèm khát” được lên lớp nghe cô giáo giảng bài nên cảm giác sợ sệt sông nước nhanh chóng bị biến mất. Tuy nhiên, vẫn lo sợ các em gặp chuyện xấu nên các bậc phụ huynh đành phải bỏ tiền ra thuê người đưa, đón các em qua sông đi học mỗi ngày với giá 2 nghìn đồng/lượt.
Dù ngày mưa hay ngày nắng, hàng chục em nhỏ đều không quản ngại vất vả, nguy hiểm sông nước để nhanh chóng đến lớp học, đều đặn (chỉ trừ mưa bão lớn mới nghỉ).
Những nụ cười hạnh phúc của các em khi được đến lớp học nhưng mỗi ngày đi qua sông đều phải đánh cược tính mạng với "hà bá".
Chuyến thuyền chở các em không hề có một vật dụng hoặc phao cứu hộ nào.
Cách đây 3 năm niềm vui của người dân được nhân lên khi họ nhận được tin có chương trình dự án xây dựng cầu bắc qua sông (đoạn gần nhất khoảng hơn 100m) các, do Công ty cổ phần đầu tư năng lượng, xây dựng Thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư và thi công.Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì bị vùi tắt bởi theo người dân, thì trong quá trình xây dựng cầu các công nhân đã xây dựng hai trụ cột sai thiết kế nên công trình nhanh chóng bị hoãn lại.
Nguy hiểm hơn, là dọc phía chân núi đá điểm tiếp điểm giáp với lòng sông Đà chạy thắng vào trường học, các công nhân xây dựng đã tiến hành dùng máy xúc, mìn để phá để đá mở đường theo bản thiết kế hướng đường cầu. Nhưng càng phá thì đá trên núi càng sạt lở nên các công nhân cũng bỏ dở dang, giữa chừng như cây cầu.
Người dân cùng các em học sinh không ai dám đi đến khu vực đường mà các công nhân thi công xây dựng cầu đường đã làm trước đó.
Lớp học tạm bợ, đường đi như vào bãi đất hoang... Vậy mà nơi đây đang là nơi gieo vần những con chữ cho hàng chục trẻ em nghèo, mong có được một tương lai tốt đẹp hơn.
Người dân xóm Nhạp đang mong muốn có được một cây cầu để cuộc sống bớt khổ hơn nhưng có lẽ niềm hy vọng đó cũng chỉ là trong mơ.
Bài tiếp: Các đơn vị liên quan nói gì ?
M.Hưng