Tính đến 9h38 sáng phiên 28/7 (theo giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải tiếp tục giảm 4,7% xuống 3.613,289 điểm, nối dài đà giảm sút 8,5% trong phiên thứ Hai.
Giới đầu tư Trung Quốc đã giảm lượng đặt cược margin mạnh nhất trong vòng hai tuần trong phiên thứ Hai. |
Trung Quốc vốn là thị trường lớn của nhiều công ty Mỹ, vì vậy khi “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có vấn đề, các công ty này sẽ bị ảnh hưởng, nền giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, kéo phố Wall giảm theo trong phiên đầu tuần.
Ngoài chịu các thông tin không khả quan như kết quả kinh doanh của nhóm công nghệ gây thất vọng, cổ phiếu năng lượng giảm mạnh theo giá dầu, nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…, phố Wall còn chịu thông tin tiêu cực khác từ bên kia bờ Thái Bình Dương.
Phiên bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng tạo ra tâm lý lo sợ với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu.
Bên cạnh đó, việc Vương Quốc Anh tuyên bố về việc sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc ở hay rời Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2016 lại một lần nữa khiến giới đầu tư châu Âu dậy sóng sau khi vấn đề Hy Lạp được giải quyết.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin mới nhất về kinh tế Trung Quốc được công bố gây thất vọng lớn cho nhà đầu tư. Theo đó, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc giảm 0,3% trong tháng 6 so với cùng kỳ. Một dữ liệu được công bố thứ Sáu tuần trước cũng cho thấy, sản xuất trong lĩnh vực tư nhân của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng bất ngờ giảm trong tháng 7, xuống mức thấp nhất 15 tháng.
Những thông tin kinh tế yếu kém khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lo ngại và đồng loạt bán ra trong phiên đầu tuần. Ngoài ra, nhà đầu tư lo ngại Chính phủ sẽ không thể can thiệp mạnh tay để chống bán tháo như vừa qua, bởi dữ liệu kinh tế quá yếu kém, không có động lực để nâng đỡ thị trường chứng khoán, khiến lực bán tháo xảy ra mạnh hơn trong cuối phiên và khiến chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong 8 năm.
Sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc đã reo rắc nỗi lo cho chứng khoán khu vực, khiến chứng khoán Hồng Kông cũng lao dốc theo với mức giảm hơn 3% và chứng khoán Nhật Bản cũng chìm trong sắc đỏ, khi đóng cửa ở mức thấp nhất 2 tuần.
Theo ông Dương Vũ Đình, kinh tế gia cấp cao của Tập đoàn Ngân hàng ANZ, trong thời gian tới đây các nhà quản lý thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục hạn chế những sự vay mượn như thế, những hạn chế mà ông cho là góp phần làm cho thị trường được lành mạnh.
Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn không cho thị trường tuột dốc, trong đó có việc tạm ngưng việc mua bán cổ phiếu của nhiều công ty, dùng ngân hàng trung ương để hỗ trợ cho việc mua cổ phiếu và bắt buộc những người có 5% cổ phiếu của một công ty không được bán cổ phiếu trong vòng 6 tháng.
Ông Lữ Tuỳ Khải, giáo sư kinh tế học của Đại học Bắc Kinh, nói rằng các nhà quản lý sẽ không thể giữ cho các thị trường không sụt giá và họ không nên tìm cách làm như vậy.
"Giá trị của các thị trường Trung Quốc tiếp tục được đánh giá quá cao, cho nên vẫn còn chỗ để điều chỉnh theo hướng hạ giảm. những biện pháp cứu nguy của chính phủ có thể ngăn chận sự tuột dốc trong ngắn hạn, nhưng không có khả năng để đảo ngược xu thế dài hạn".
Ông Lữ cảnh báo rằng nếu chính phủ tiếp tục nới rộng các biện pháp ổn định thị trường để làm trì hoãn cho sự điều chỉnh, bong bóng đầu cơ của thị trường càng khó có thể kiềm chế.
Trên thị trường vàng, sau khi tăng khá tốt trong phiên châu Á, châu Âu nhờ hưởng lợi từ sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, giá vàng đã không duy trì được đà tăng của mình khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, bất chấp đồng USD giảm mạnh trở lại.
Như giới phân tích đã nhận định, vàng hiện không còn là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn, mà chỉ là một phương tiện đầu tư thuần túy, do đó các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc, hay trước đó là Hy Lạp cũng không thể giúp giá vàng bứt phá.
Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư trên thị trường vàng chính là dữ liệu GDP của Mỹ và đặc biệt là cuộc họp kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ thứ Ba tuần này của Fed để ban về chính sách tiền tệ. Trong đó, nhiều dự đoán cho rằng, khả năng số lượng quan chức Fed ủng hộ kế hoạch tăng lãi suất trong tháng 9 sẽ tăng lên và đó chính là thông tin bất lợi cho giá vàng. Nếu trong cuộc họp báo sau cuộc họp, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed có đề cập đến vấn đề này, chắc chắn vàng sẽ xuống ngưỡng 1.000 USD/ounce.
Hoàng Thúy (t/h)
>>> Xem thêm: