Chuyện chưa kể về một gia đình có 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Trong sự mất mát hi sinh của hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, có một câu chuyện về gia đình có đến 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Chuyện chưa kể về một gia đình có 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, mảnh đất Quảng Nam trung dũng, kiên cường đã có gần 65.000 liệt sĩ, hơn 30.000 thương, bệnh binh; 46.500 gia đình có công với cách mạng… Đặc biệt, tính đến thời điểm này tỉnh Quảng Nam có 11.658 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH).

Trong đó, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ có 9 con, 1 rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ; hình ảnh mẹ được lấy làm nguyên mẫu xây tượng đài Bà mẹ VNAH… Trong sự mất mát, hi sinh to lớn ấy, có một gia đình có đến 11 Bà mẹ VNAH.

Mẹ ruột và 2 con gái đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Làng La Tháp, thuộc xã Duy Hoà, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn, án ngữ trên con đường dẫn vào Khu di tích đền tháp Chăm Mỹ Sơn – Di sản Văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận từ năm 1999. Câu chuyện về một gia đình có 11 Bà mẹ VNAH ở làng La Tháp, bắt đầu từ Đại tá Nam Hà, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ. Đã bước sang tuổi 88 nhưng ông còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm.

“Tôi sinh ra ở làng La Tháp, cũng là người con trong gia đình có 11 bà mẹ VNAH…”, Đại tá Nam Hà bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. Tên khai sinh của ông là Phan Đức Mỹ. Năm chưa tròn 16 tuổi, khi đang học ở trường làng thì có cán bộ cách mạng về, ông liền “bỏ bút nghiên” tham gia Việt Minh và sau đó được bầu làm Bí thư Thanh niên xã; rồi làm trợ lý dân quân Huyện đội Duy Xuyên.

Tháng 10/1954, ông tập kết ra Bắc, đến đầu tháng 2/1955, được biên chế về Sở Công an Hà Nội, công tác tại Phòng Trị an dân cảnh. Đến giữa năm 1961, khi có quyết định đi B, ông lấy biệt danh Nam Hà. Từ đó, cái tên Nam Hà gắn mãi với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông cho đến bây giờ. “Nam tức Quảng Nam. Còn Hà là Thủ đô Hà Nội. Nam Hà có hàm ý, tôi là người Quảng Nam sống trong lòng Hà Nội, trái tim của Tổ quốc”, Đại tá Nam Hà giải thích.

Cha mẹ ông sinh được 3 người con trai và 2 người con gái. Mẹ ông là bà Đoàn Thị Thơ cùng 2 người con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Tiếp theo, hai người chị ruột ông là bà Phan Thị Tô và bà Phan Thị On đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Trong đó, bà Tô có chồng và 3 con là liệt sĩ; bà On có 3 con trai là liệt sĩ. Riêng vợ chồng ông cũng có 1 con trai là Phan Đức Mãn, làm chính trị viên Xã đội Duy Hòa, hy sinh năm 1970…

Đôi mắt ngấn lệ, Đại tá Nam Hà trầm giọng: “Chỉ tính gia đình cha mẹ tôi đã có 10 người là liệt sĩ và 3 Bà mẹ VNAH. Bây giờ, chiến tranh đã lùi vào quá vãng, nhưng sự hy sinh, mất mát thật quá lớn. Mảnh đất quê hương đã thấm đẫm máu người đã khuất mới có được hòa bình hôm nay”.

Chuyện chưa kể về một gia đình có 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ảnh 1

"Chỉ tính gia đình cha mẹ tôi đã có 10 người là liệt sĩ và 3 Bà mẹ VNAH. Bây giờ, chiến tranh đã lùi vào quá vãng, nhưng sự hy sinh, mất mát thật quá lớn. Mảnh đất quê hương đã thấm đẫm máu người đã khuất mới có được hòa bình hôm nay” - Đại tá Nam Hà.

Đau thương và tự hào

Cũng tại làng La Tháp, chúng gôi gặp cụ bà Ngô Thị Kỵ (85 tuổi), người duy nhất trong số 11 Bà mẹ VNAH của một gia đình, hiện còn sống. Khi chúng tôi hỏi chuyện, cụ bà đứng ở sân cười móm mém, chỉ vào nhà, nói: “Mấy chú vào hỏi ông nhà tui thì rõ hơn. Tui cũng nhớ, nhưng kể chuyện không rành mạch lắm!”. Từ nhà trên, một cụ ông râu tóc bạc phơ bước ra, giọng sang sảng: “Chuyện chi rứa bà?”. Đây là cụ Phan Công, đã ngoài tuổi 85, gọi cha đẻ của Đại tá Nam Hà là chú ruột…

Ông Công tâm sự, thân phụ ông là Phan Hồng Phong, hy sinh trong kháng chiến, gọi cụ Phan Đức Cảnh là ông cố. “Cụ cố nhà tui gốc người làng Bảo An, Điện Quang, Điện Bàn, có vợ người làng La Tháp nên về đây lập nghiệp. Cụ là người yêu nước nên cả 5 người con trai cụ đều tham gia cách mạng và có con, cháu hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ”.

Nói rồi ông kể vanh vách từng người, từng người. Và, từng lời, từng lời của cụ già tuổi đã xế chiều làm cho mỗi chúng tôi không khỏi chạnh lòng, đau đớn...

Theo lời ông Công, gia đình ông Phan Trà, cha ruột của Đại tá Nam Hà, là con trai thứ 5 của cụ Phan Đức Cảnh. Người con cả của cụ Cảnh là ông Phan Vinh có 2 con hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nên bà Nguyễn Thị Trinh, vợ ông Vinh, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Con gái và cháu nội ông Vinh cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý này. Đó là bà Phạm Thị Trinh (tức Đích, con gái ông Vinh), bản thân là liệt sĩ, có 2 con là liệt sĩ; bà Phan Thị Cả (cháu nội ông Vinh), có chồng, 2 con là liệt sĩ.

Tiếp theo, người con thứ hai của cụ Cảnh là ông Phan Văn Đinh (tức Tôn) có 2 con trai liệt sĩ, nên vợ ông là bà Trần Thị Tôn đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Trong đó, ông Phan Khá (con ông Đinh) bản thân là liệt sĩ và 2 con là liệt sĩ nên vợ là Lê Thị Trí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Gia đình ông Đinh còn có 1 con rể, 1 cháu rể và 1 cháu ngoại hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ…

Người con trai thứ 3 của cụ Cảnh là ông Phan Văn Định (tức Hữu), có con trai là Phan Cửu bản thân là liệt sĩ, 2 con liệt sĩ nên vợ ông Cửu là bà Trần Thị Mai được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Ông Định còn có con gái là Phan Thị Tế có 1 người con trai độc nhất tham gia cách mạng và hy sinh, nên bà Tế được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH…

Bất chợt, ông Công ngừng kể, giọng chùng hẳn xuống: “Mỗi khi nhắc đến những người thân yêu đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lòng tui đau xót lắm. Tui luôn cầu nguyện đất nước mình được hòa bình. Hòa bình dù có khổ cực bao nhiêu cũng sướng, chứ xảy ra chiến tranh thì thật khủng khiếp. Những ai từng đi qua chiến tranh càng thấm thía điều đó”.

Ông kể tiếp, cụ nội của ông là Phan Văn Hạc (tức Điền), là người con thứ 4 của cụ Cảnh. Ông Phan Hồng Phong là con ông Hạc, cha ruột của ông Công như đã kể trên. Gia đình ông Công có 3 con là liệt sĩ nên vợ ông, bà Ngô Thị Kỷ được Nhà nước phong tặng Bà mẹ VNAH…

Về đất Duy Hòa hôm nay, hỏi chuyện gia đình cụ Cảnh, dường như ai cũng biết. Các cựu chiến binh một thời là du kích Duy Hòa kể về người con gái ông Công hy sinh ở tuổi 17. Đó là chị Phan Thị Sỹ, Xã đội phó du kích, huyền thoại xạ thủ bắn súng đại liên từng làm khiếp vía kinh hồn lũ giặc khi chúng càn quét vào làng. Hình ảnh chị Sỹ với khẩu súng máy được một phóng viên Khu V hồi đó chụp, hiện còn lưu giữ tại nhà bảo tàng của xã.

Chuyện chưa kể về một gia đình có 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ảnh 2

Trong kháng chiến, người dân Duy Hòa đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của cho cách mạng, góp phần làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975. Duy Hòa đã có rất nhiều người mẹ có từ 5-6 người con hy sinh, như mẹ Nguyễn Thị Hiển, mẹ Võ Thị Một, mẹ Nguyễn Thị Trúc…

Tiếp chúng tôi, ông Lê Đắc Hà, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Duy Hòa là một trong những căn cứ cách mạng khu Tây, huyện Duy Xuyên, nằm tiếp giáp với sông Thu Bồn, bên kia sông là vùng B Đại Lộc. Vì thế, những năm chiến tranh, miền quê này bị bom đạn giặc cày xới tan hoang… Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, riêng xã Duy Hòa có 5 Anh hùng LLVTND, hơn 1.200 liệt sĩ, gần 300 thương bệnh binh, nhiều gia đình có công với nước. Đặc biệt, xã có trên 350 Bà mẹ VNAH. Xã Duy Hòa đã 2 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND…

Đặc biệt, có gia đình như cụ Phan Đức Cảnh, 4 đời kế tiếp có 32 liệt sĩ, hơn 10 người là thương binh; có 3 thế hệ người mẹ, với 11 trường hợp được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Đây cũng có thể gọi là “kỷ lục đau thương” thật đáng khâm phục và tự hào!...

Theo Công an nhân dân

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.