Đây là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong, ngoài thành phố trao đổi, thảo luận, đề xuất những giải pháp hay, chương trình hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Theo Thạc sỹ Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là sau khi trải qua COVID-19, việc chuyển đổi số trong quản lý, giáo dục đào tạo nghề trở thành cấp thiết. Đến nay, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động đào tạo trực tuyến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt kết quả nhất định, nhưng thiếu tính hệ thống, đồng bộ và hiệu quả chưa cao.
Trong tương lai, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo trực tuyến sẽ trở thành một kênh dạy học chính thức tồn tại song hành cùng với dạy học trực tiếp. “Đào tạo trực tuyến sẽ có bước phát triển mới đa dạng và phong phú hơn. Nhiều môn học, nội dung dạy học sẽ được số hóa và đưa vào giảng dạy trực tuyến thường xuyên ở các trường nghề”, Thạc sỹ Lâm Văn Quản chia sẻ.
Thạc sỹ Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo |
Thuận lợi của đào tạo trực tuyến hiện nay là hầu hết giáo viên, cán bộ quản lý của các trường Cao đẳng, Trung cấp đã có kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, khó khăn là phương tiện kỹ thuật dạy và học chưa đầy đủ, đặc biệt là học sinh, sinh viên ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; phương pháp dạy trực tuyến còn giản đơn, thiếu hấp dẫn, hiệu quả chưa cao; phương thức quản lý lớp học chưa phù hợp…
Từ thực tiễn, Thạc sỹ Đỗ Hữu Khoa, Viện trưởng Viện Đại học trực tuyến nhấn mạnh mục tiêu chung của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp hướng đến triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số. Yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là tự chủ trong ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức đào tạo của trường hướng đến mô hình học tập trực tuyến (E-learning); quản lý học tập trực tuyến (LMS - Learning Management System); quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System).
Chia sẻ một số giải pháp triển khai nền tảng trường học số, Thạc sỹ Đỗ Hữu Khoa cho rằng, cần nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và học sinh, sinh viên, thông qua nâng cao năng lực số về: Phương pháp dạy học; phương pháp quản lý; quy trình tổ chức giảng dạy trực tuyến; kỹ năng khai thác và sử dụng các nền tảng; làm việc, giảng dạy, nghiên cứu và học tập trên môi trường internet. Bên cạnh đó, ông khuyến nghị các trường đầu tư giải pháp “Hạ tầng kỹ thuật và phương thức đào tạo trực tuyến” (E - learning/Blended learning hay Online learning); giải pháp về “Trung tâm đào tạo số”; giải pháp “Trường học số - Cao đẳng, Trung cấp” và giải pháp về “Quản trị Nhà trường số”…
Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý hoạt động đào tạo trực tuyến, Thạc sỹ Tô Huỳnh Thiên, Chuyên gia trưởng Quốc gia và ASEAN nghề Lắp cáp mạng thông tin, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho rằng cần có một nhận thức rõ ràng về thực trạng và tầm quan trọng của đào tạo trực tuyến, trong đó đặt ra yêu cầu năng lực của nhà giáo; nhà trường không chí nắm bắt về công nghệ mà còn đòi hỏi đầu tư về hạ tầng.
Theo Thạc sỹ Tô Huỳnh Thiên, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp không chỉ là ứng dụng công nghệ mới, hiện đại mà còn là vấn đề văn hóa và con người. Thông qua việc số hóa kinh nghiệm học tập, giảng dạy và quản lý, người dạy, người học, cán bộ quản lý đều có thể cải thiện kỹ năng, với mục tiêu chung là tạo ra một quy trình giáo dục, đào tạo hấp dẫn, hiệu quả hơn.
Thạc sỹ Đỗ Hữu Khoa, Viện trưởng Viện Đại học trực tuyến phát biểu tại Hội thảo. |
Trong thực tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang dịch chuyển mô hình đào tạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đặt ra của công cuộc chuyển đổi số. Chất lượng dạy học trực tuyến phụ thuộc phần lớn vào năng lực của nhà giáo, trong đó ngoài các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản còn có kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu đáp ứng chuẩn công nghiệp và dịch vụ ở mức độ quốc tế để tăng mức độ tin tưởng và thuyết phục người học trong quá trình hội nhập toàn cầu, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu nêu lên nhiều thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số; thực trạng đào tạo trực tuyến và tầm quan trọng trong việc đầu tư xây dựng (hoặc thuê) cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực đào tạo của đội ngũ giảng viên. Các đại biểu cho rằng, trong đào tạo trực tuyến, nhà trường cần đảm bảo tính tương tác và kết nối, cần sử dụng các công nghệ, phương pháp tương tác trực tuyến; đồng thời khuyến khích giảng viên sáng tạo hoạt động học tập đa chiều, thúc đẩy sự tham gia của sinh viên, đáp ứng nhu cầu giáo dục toàn cầu, mang lại lợi ích cho sinh viên và xã hội.../.