Trong bài viết đăng tải trên trang mạng của báo The Straits Times ngày 28/6, giáo sư Donald R. Rothwell cho rằng một ủy ban gồm 15 thành viên, với nhiệm vụ thúc đẩy dàn xếp, hòa giải và phân xử tranh chấp giữa các bên, sẽ tạo ra một cơ chế ba bên vừa mang tính chính thức và phi chính thức, có khả năng xử lý các tranh chấp ở cả cấp độ song phương và khu vực.
Theo mô hình này, mỗi bên trong nhóm tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ bổ nhiệm một thành viên ủy ban, trong khi chín thành viên còn lại được bổ nhiệm từ các nước bên ngoài khu vực.
Các thành viên ủy ban sẽ là các nhà ngoại giao và luật gia có kinh nghiệm về tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải. Những người này sẽ được một nhóm chuyên gia kỹ thuật thường trực hỗ trợ, gồm các nhà địa lý, sử học, nhà thủy văn học và nhà khoa học biển.
Theo đề xuất của Giáo sư Rothwell, phạm vi hoạt động của Ủy ban Biển Đông có thể mở rộng sang các tranh chấp trên đất liền và trên biển, bao gồm các đảo, đá và các thực thể biển nhỏ khác như bãi cạn và đá ngầm. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của ủy ban này cũng có thể mở rộng đến khả năng quyết định các quyền hạn trên biển tuân theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), trừ thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý được diễn giải thông qua một thủ tục pháp lý khác của Liên hợp quốc.
Ủy ban Biển Đông có thể được thành lập dựa trên khuôn khổ hiệp ước đã được thương lượng, trong đó có sự nhất trí của mỗi bên. Ban thư ký sẽ cần thiết lập, nên được đặt trụ sở trong khu vực, với ngân sách hoạt động do tất cả các thành viên đóng góp.
Ông Rothwell nhấn mạnh một ủy ban như vậy sẽ hoàn toàn tuân thủ Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó khuyến khích các giải pháp khu vực để giải quyết khủng hoảng và sẽ bổ sung vào các biện pháp xử lý tranh chấp một cách hòa bình hiện nay.