Cô giáo Đào Thị Sa Rôn là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long thực hiện, nhằm vinh danh các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại những lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học, trung học ở vùng sâu, vùng xa có số học sinh dân tộc trên 50% trên tổng số học sinh trong lớp.
20 năm gắn bó với công tác giảng dạy, cô Sa Rôn mong muốn tất cả con em người Khmer đều biết đọc, biết viết tiếng dân tộc của mình. |
Với dáng người cao, gượng mặt phúc hậu, cùng nét đẹp đặc trưng của người con gái Khmer là đôi mắt sâu đen láy, cô Sa Rôn luôn được các học trò quý mến, bởi sự nhiệt huyết trong mỗi tiết dạy của mình.
Cô Sa Rôn tâm sự: Cha cô từng là nhà sư dạy tiếng Khmer trong chùa, từ nhỏ cô đã theo cha học chữ Khmer. Hình ảnh của cha đứng trên bục giảng đã truyền cho cô tình yêu, cảm hứng được đứng trên bục giảng truyền dạy ngôn ngữ và chữ viết cho con em dân tộc mình, mong muốn tất cả các em người Khmer đều biết đọc, biết viết tiếng dân tộc mình.
Để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo, sau khi hoàn thành chương trình học lớp 12, cô thi vào trường Cao đẳng Sóc Trăng chuyên ngành Sư phạm song ngữ. Sau khi ra trường cô được nhận vào công tác tại Trường PTDT Nội trú Cần Thơ.
Thời gian đầu tiếp nhận công việc, hằng ngày, với chiếc xe đạp thô sơ, cô giáo trẻ Sa Rôn mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, không quản khó khăn nhọc nhằn đều đặn đến lớp truyền lửa đam mê cho các em học sinh. “Đoạn đường từ nhà đến trường hơn 10km, những hôm trời mưa to, tôi phải dẫn bộ khoảng 5 cây số. Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc xin ngừng công tác vì quá vất vả nhưng nghĩ đến những học sinh thân yêu, nhớ những tiết học “ê, a” tiếng Khmer, những nụ cười dễ thương của các em học sinh thơ dại.... tôi lại có động lực tiếp tục công việc của mình”. Cô Sa Rôn kể.
Là người con của đồng bào Khmer, cô được lãnh đạo nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ giảng dạy tiếng Khmer bằng phương pháp mới. Lúc mới tiếp quản, cô cảm thấy lo lắng vì trình độ tiếng Khmer của các em trong một lớp có sự chênh lệch rõ rệt. Thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành sách nên cô không biết phải dạy theo chương trình nào và phương pháp gì cho phù hợp.
Một bất cập nữa là, mục đích của việc dạy và học tiếng Khmer là để các em hiểu rõ hơn nguồn cội, nên không kiểm tra, không tính điểm nên các em học sinh vẫn mang tư tưởng không coi trọng, xem nhẹ việc học. “Điều này khiến tôi trăn trở, tôi nghĩ, nếu dùng biện pháp cưỡng chế, việc học có bị phản tác dụng? Vì vậy tôi quyết định thay đổi phương pháp “vui để học””. Cô Sa Rôn chia sẻ.
Vì vậy, để thu hút sự chú ý của học sinh, hằng ngày, cô đều thiết kế bài giảng thật sinh động, cô Sa Rôn hướng dẫn các em học tiếng Khmer qua các trò chơi, đố vui, cho các em thi đua giữa các nhóm, các tổ với nhau. Tiết học của cô luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười. Các em được tự do, hăng say trao đổi cùng các bạn, từ đó kiến thức mới dễ dàng dung nạp vào trí nhớ của các em.
Không chỉ thay đổi phương pháp học, cô Sa Rôn còn là người tiên phong của trường, mạnh dạn vay hơn 20 triệu đồng để mua chiếc máy tính cho trường. Cô lặn lội xuống tỉnh Sóc Trăng để nhờ người am hiểu cài đặt phông chữ Khmer vào máy tính. Bằng sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, cô bắt đầu làm quen, soạn giáo án điện tử, thiết kế bài giảng bằng máy tính. Các đồng nghiệp từ đó bắt đầu hiểu hơn về giá trị của công nghệ, và biết ứng dụng nhiều vào trong công tác giảng dạy.
Đại diện Ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2019 đến thăm và tặng quà chúc mừng cô Sa Rôn |
Em Văn Sĩ Hên chia sẻ: “Tiếng Khmer nhiều khi cũng rất khó, đôi lúc em học mà cũng không thể nào nhớ hết. Cô Sa Rôn là cô Phó hiệu trưởng nên ít khi tụi em được cô dạy, nhưng mỗi tiết học của cô luôn rất là vui, và nhớ bài rất mau vì cô hay cho tự suy nghĩ xong phát biểu, cho bạn bè nhắc bài giúp đỡ mình, học tiết của cô chúng em thấy rất thoải mái”.
Với tình yêu thương học sinh vô bờ bến, cùng với khối óc sáng tạo, nhạy bén, cô Sa Rôn nhận thấy có rất nhiều cuộc thi hùng biện cho các ngôn ngữ đa quốc gia như tiếng Trung, Anh, Pháp, tuy nhiên tiếng Khmer của dân tộc cô cũng đẹp biết bao, nhưng lại không cuộc thi nào. Vì vậy, năm 2015, cuộc thi hùng biện tiếng Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long do cô lên kế hoạch và đề xuất chính thức được triển khai. Cuộc thi đã tạo cho các em học sinh môi trường để luyện tập, tranh tài, và xa hơn là giao lưu với các trường dân tộc thiểu số ở khu vực. Kết quả, các em học sinh dân tộc Khmer từ các trường ở khắp các tỉnh, huyển đều đăng ký tham gia rất tích cực, các huyện cũng đề nghị để được luân phiên đăng cai tổ chức cuộc thi này.
Với cương vị là Phó hiệu trưởng, sau hơn 20 năm công tác và gắn bó, cô Sa Rôn cho biết: Là đảng viên, hiện làm công tác quản lý nhiều hơn đứng trên bục giảng nhưng ở cương vị nào bản thân cô cũng sẽ cố gắng và nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng kì vọng của Ban lãnh đạo, đặc biệt là với niềm tin tưởng của phụ huynh, các em học sinh thân yêu, các đồng nghiệp. Dù khó khăn đến mấy, cô sẽ luôn bám trụ với nghề “trồng người” mà cô ấp ủ từ thơ bé và làm gì cô cũng luôn hướng về tiếng nói Khmer – tiếng nói thiêng liêng của dân tộc.../.