Nếu không được ghép phổi, người bệnh có thể tử vong
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng cho biết: Nữ bệnh nhân 21 tuổi đã được ghép hai lá phổi từ người cho là nam thanh niên 26 tuổi bị chết não do tai nạn giao thông. Hoạt động lấy tạng được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau đó, tạng phổi được bảo quản nghiêm ngặt và chuyển về Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện ngay trong ngày.
Cô gái được nhận phổi là sinh viên của một trường đại học và phải bỏ giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối. Người bệnh phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Cô gái này mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ - một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi.
Người bệnh đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020 và chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì hai lá phổi tổn thương nghiêm trọng. Tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.
13 giờ ngày 8/2/2024 (29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp Chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia ( nhiều nhân lực khác sẵn sàng điều động, làm việc trực tuyến), đồng thời có sự phối hợp, hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội...
Sau khi hội chẩn với Giáo sư Jasleen, Giám đốc Trung tâm ghép phổi UCSF (là Trung tâm Y học uy tín lớn nhất miền Tây, Hoa Kỳ), Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thành (Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực Việt Nam), Tiến sĩ Nguyễn Công Hựu (Giám đốc Bệnh viện E) đã quyết định khởi động ca ghép phổi này.
Ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 9/2/2024 (30 Tết), kéo dài 12 giờ (từ 10 giờ tới 22 giờ) do Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng cùng các thầy thuốc, chuyên gia Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thành, các thầy thuốc, chuyên gia từ Bệnh viện E.
“Ca ghép đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF. Trên thế giới, ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó, chi phí lớn. Tại Bệnh viện Phổi Trung ương ca ghép này lại được thực hiện thành công trên một người bệnh nghèo ở vùng núi cao Bắc Kạn”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ.
12 giờ sau mổ, người bệnh đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.
Trước đó, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp với nhiều bệnh viện khác thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi, trong đó có ca bệnh ghép hai lá phổi cho nam bệnh nhân 56 tuổi ở Thanh Hóa. Ca ghép phổi này được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam với thời gian sống lâu nhất.
Tiếp tục hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cao về ghép phổi và y học tái tạo
Chứng kiến giây phút xúc động, khi người bệnh được hồi sinh và tự bước đi trên đôi chân của mình sau ca mổ kéo dài 12 giờ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là một tin rất vui trong những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024 của Bệnh viện Phổi Trung ương và của ngành Y tế. Đây cũng là một bước đột phá trong phát triển kỹ thuật y học chuyên sâu, thể hiện trình độ, năng lực của các y, bác sĩ nước nhà trên bản đồ y khoa thế giới; sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả giữa các bộ phận tham gia trong quá trình ghép phổi.
Nhằm phát triển các kỹ thuật cao về ghép phổi và y học tái tạo, là mũi nhọn công nghệ cao của ngành Y tế trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Phổi Trung ương với vai trò là bệnh viện đầu ngành về bảo vệ sức khỏe phổi của người dân Việt Nam, cần tiếp tục cần tiếp tục hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cao về ghép phổi và y học tái tạo; phát triển chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật; phấn đấu thực hiện thành công nhiều hơn nữa các ca ghép phổi thời gian tới, góp phần cứu giúp hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được.
Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt 12 điều y đức và quy tắc ứng xử trong ngành Y tế, lấy người bệnh làm trung tâm, phục vụ người bệnh hết lòng, coi người bệnh như người thân của mình; hướng tới mục tiêu chung là sự hài lòng của người bệnh.
Bệnh viện tăng cường hợp tác quốc tế; chủ động tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến của thế giới trong việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, dự phòng các bệnh lý về phổi. Đồng thời, bệnh viện đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật chuyên sâu theo các tiêu chuẩn quốc tế để người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị tiên tiến nhất với chi phí hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ Y tế yêu cầu các Vụ, Cục liên quan phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Phổi Trung ương và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nghiên cứu, đề xuất đầu tư nguồn lực, trang thiết bị hiện đai, cơ sở vật chất qua đó hình thành một Trung tâm Ghép phổi trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai và phát triển kỹ thuật ghép phổi.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động về hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Qua 17 năm triển khai thực hiện, toàn ngành đã có 24 đơn vị đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép tạng. Tổng số ghép được tính từ ngày 4/6/1992 đến ngày 31/12/2023 là 8.302 ca (trong đó 7.654 ca ghép thận; 558 ca ghép gan; 75 ca ghép tim; một ca ghép thận- tụy; một ca ghép tim - phổi; 10 ca ghép phổi (ghép phổi từ người hiến sống một ca và 9 ca từ người hiến chết não); hai ca ghép chi trên; hai ca ghép ruột.
“Tỷ lệ ghép tạng từ người hiến sau chết não còn thấp so với tỷ lệ ghép tạng từ người hiến sống. Trong đó, người hiến sống là 8/1 triệu dân; chết não là 0,1/1 triệu dân; số người chẩn đoán chết não hiến tạng tại Việt Nam tính từ năm 2010 đến nay là 140 người”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết.