Chương trình chậm chạp & lạc hậu
“Nước đã gần đến chân” và chỉ còn hơn hai năm nữa, cả nước sẽ chính thức áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới theo chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Sự thành bại của chương trình này phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên và đào tạo sinh viên sư phạm bắt kịp xu thế đổi mới. Thế nhưng, nhìn lại thì thấy sự trì trệ, tụt hậu, chậm đổi mới của các trường sư phạm trong cả nước rất đáng báo động.
Giờ tự học của sinh viên sư phạm Thái Nguyên |
Phát biểu ý kiến tại hội nghị về đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên tại TP Hồ Chí Minh mới đây, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển bức xúc: “Các trường sư phạm thụ động, không biết xây dựng chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu đổi mới sản phẩm đào tạo. Vì thế sinh viên ra trường không biết gì và không thể thích ứng với đổi mới phương pháp giảng dạy đang được triển khai ở các trường học…”.
Thử hỏi có bao nhiêu sinh viên sư phạm biết rõ thực tế các trường phổ thông hiện đang triển khai công nghệ dạy học như thế nào và có bao nhiêu mô hình, phương pháp mới tích cực? Do chương trình đào tạo, giảng dạy theo lối mòn cũ, sinh viên phải học chay là chính và ít có cơ hội thực tập. Vì thế, nhiều giáo viên mới ra trường chẳng những không biết cách tổ chức dạy học mà còn “rối tinh”, lúng túng với các mô hình dạy học mới ở cơ sở. Lỗi này bắt nguồn từ các trường sư phạm chưa chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, còn giảng viên chưa làm hình mẫu cho sinh viên biết cách dạy học đúng kỹ thuật, quy trình cũng như có nghệ thuật để chạm vào trái tim người học.
Không chỉ nói rõ bệnh trì trệ, lạc hậu, chậm đổi mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển còn cảnh báo thực trạng đầu ra kém chất lượng, tỷ lệ sinh viên sư phạm thất nghiệp cao là do nhiều trường chạy theo chỉ tiêu, đào tạo thật nhiều để lấy nguồn kinh phí của Nhà nước. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, xã hội đang thay đổi rất nhanh, trong đó các sản phẩm công nghiệp thay đổi từng ngày, hướng tới chuẩn quốc tế để thích ứng với thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước. Vậy mà, sản phẩm con người - những người thầy - đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn, cao hơn lại chậm đổi mới, nếu không muốn nói là tụt hậu quá xa. Thực tế thầy kém thì làm sao trò có thể học khá, giỏi, lĩnh hội kiến thức tốt nhất?
Chần chừ, không muốn vào cuộc
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, muốn thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới thì phải có sự vào cuộc của các trường sư phạm, trong đó giải pháp then chốt, cấp thiết đối với các cơ sở đào tạo giáo viên là phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn. Nếu ngay từ bây giờ, cỗ máy cái sư phạm không chịu khởi động - thiết kế chương trình đào tạo sinh viên theo chuẩn mới, hướng dạy học theo năng lực học sinh - thì khi ra trường họ khó có thể bắt tay vào giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới.
Rõ ràng, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với đội ngũ giáo viên chuẩn bị dạy chương trình, sách giáo khoa mới rất lớn nhưng đến giờ này, nhiều trường sư phạm vẫn chưa chuyển động - xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tích hợp - để sinh viên ra trường có thể dạy tích hợp một số môn cùng lĩnh vực như khoa học xã hội, khoa học tự nhiên. Hơn nữa, trong xu thế chỉ có một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên sẽ được trao quyền chủ động nhiều hơn nên phải tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, trang bị phương pháp luận sáng tạo, tiếp cận mô hình dạy học mới…
Kết quả khảo sát đối với 300 sinh viên của ThS Hoàng Thị Hạnh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) cho thấy: Hơn 50% cho rằng việc tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp không quan trọng và nhiều “giáo viên tương lai” học đến năm thứ ba “ngạc nhiên” trước vấn đề mới mẻ này. Điều này cho thấy nhận thức của sinh viên sư phạm khá lạc hậu và có đến 72% coi trọng việc học theo giáo án và tâm niệm ra trường cũng dạy theo giáo án là chính. Không những thế, vì thiếu điều kiện thực tập sư phạm, nhiều sinh viên thiếu kỹ năng thể hiện, diễn thuyết và kỹ năng mềm khác.
Một số ý kiến khác thì cho rằng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho mục tiêu đổi mới giáo dục là quan trọng, nhưng muốn thiết kế, xây dựng chương trình thì phải biết rõ “hình bóng, cấu trúc” của chương trình phổ thông mới. Từ đó các trường ĐH sư phạm mới có thể tạo ra mô hình đào tạo sư phạm mới, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo yêu cầu đặt ra. Như thế, trong khi Bộ GD&ĐT hô hào cỗ máy sư phạm phải chủ động đổi mới và đổ lỗi về sự chậm trễ trong đào tạo giáo viên thì nhiều trường sư phạm lại chần chừ, không muốn lột xác - nêu cái khó vì chưa thấy rõ hình bóng, cấu trúc của chương trình phổ thông mới.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Thông tin quan trọng về xét tuyển khối ngành kinh tế và sư phạm
- Giảng viên ĐH Sư phạm phân tích 6 lý do không nên nhập 2 kỳ thi làm 1
- Lớp trưởng được gọi là "Chủ tịch": Làn gió mới thay đổi tích cực môi trường sư phạm