Câu chuyện nghiên cứu sinh tại Nhật Nguyễn Quốc Vương chia sẻ trên facebook về một bài tập về nhà có thật của giáo viên Nhật Bản đang làm xôn xao cộng đồng mạng.
Một ông bố có con học tiểu học. Khi cô con gái đi học về ông hỏi: "Nay có bài tập về nhà không con?".
Cô bé : "Bài tập là được ai đó ôm bố ạ".
Ông bố cười và cúi xuống ôm thật chặt cô bé. Đến tối cả mẹ, chị, em cũng ôm cô bé.
Hôm sau, khi cô bé về học, ông bố lại hỏi: "Nay có bài tập gì không con?".
Cô bé đáp: "Nay cô giáo chỉ chữa bài tập về nhà thôi ạ". Rồi cô bé kể, khi cô giáo hỏi bài tập về nhà hôm trước thì nhiều bạn ngượng ngùng cúi mặt nói "không được ai ôm". Cô giáo liền cúi xuống, ôm chặt lấy từng bạn.
Câu chuyện nhỏ đã nhận được hàng trăm lượt like và chia sẻ. Các phụ huynh Việt có lẽ đều ước con mình có giáo viên như thế. Hơn cả những bài học về kiến thức, cô đã dạy học trò bài học về tình yêu thương, sự sẻ chia.
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhằm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, bên cạnh các yêu cầu về kỹ năng, hình mẫu sản phẩm học sinh mới là người có ba phẩm chất: sống yêu thương, sống tự chủ và sống trách nhiệm. Trong đó, phẩm chất sống yêu thương đã được Bộ đặt lên hàng đầu trong các phẩm chất hướng đến.
Nhận định về những phẩm chất, năng lực học sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui!”
Lãnh đạo ngành giáo dục đã định hướng chuyển mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực học sinh. Định hướng đã rõ, nhưng phương thức thực hiện thế nào để đạt mục tiêu lại là câu chuyện dài, trong đó đặc biệt có vai trò to lớn, quan trọng và thiết thực nhất của giáo viên.
Trong một lần trao đổi với phóng viên VietnamPlus, giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, thành viên ban soạn thảo Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tâm sự: một trong những vấn đề lớn nhất của đổi mới là sức ỳ của giáo viên, của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Họ, những người đã lớn lên trong nền giáo dục cũ, đã trưởng thành và có hàng chục năm giảng dạy theo lối truyền thụ kiến thức, với tư duy áp đặt một chiều, khuôn mẫu và cứng nhắc, sẽ không dễ để thay đổi sang phương pháp giáo dục mới theo hướng gợi mở.
Mới đây, dư luận đang xôn xao việc một giáo viên bị hiệu trưởng xử phạt. Theo tường trình của thầy giáo này, khi gần hết giờ, thầy thấy mệt nên đã gục xuống bàn. Một học sinh lớp hai thấy thế đã lên xoa dầu cho thầy. Em này nhìn thấy trên đầu thầy có tóc bạc nên đã đề nghị nhổ giúp. Những hình ảnh đó được một đồng nghiệp quay lại và đưa lên mạng internet. Căn cứ clip này, nhà trường đã kỷ luật giáo viên.
Không ít phụ huynh cho biết, nếu học sinh đó là con họ, họ sẽ rất tự hào. “Những hành động đó cho thấy con rất mạnh dạn, tự tin, biết yêu thương, biết quan tâm và chăm sóc người khác. Tôi không hiểu vì sao nhà trường lại kỷ luật giáo viên trong trường hợp này, điều đó là không thỏa đáng với thầy, và sẽ làm thui chột những phẩm chất quý của con. Chắc chắn lần sau con sẽ không dám làm điều tương tự dù đó là điều nên làm. Một hình ảnh đẹp về tình thầy trò nhưng lại bị nhìn bởi một tư duy xấu xí,” chị Nguyễn Thị Thương (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Với những người quan tâm đến đổi mới giáo dục, nỗi buồn còn lớn hơn, bởi điều đó cho thấy thực tế diễn ra trên lớp học đang đi ngược lại với định hướng tiến bộ của lãnh đạo ngành giáo dục, và một lần nữa khẳng định nỗi lo của giáo sư Đinh Quang Báo.
Trong bài phát biểu tại một hội nghị của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Có những đổi mới giáo dục không cần đến tiền, không cần đề án.”
Nhưng những đổi mới ấy cần một thứ lớn lao hơn, đó là sự thay đổi về nhận thức, tư duy, nhiệt huyết và sự sáng tạo của giáo viên, để từ đó, họ có những đổi mới ngay trong hành động, lời nói, cách ứng xử với học sinh, với đồng nghiệp, đổi mới trong cách dạy và học, đơn giản như cách ra bài tập về nhà rất khác mà giáo viên Nhật Bản đã làm.
Theo Vietnam+