Con tàu đắm PvTex thời hậu Vũ Đình Duy

Những người tiếp quản phải gồng mình tìm mọi con đường, lối thoát cho việc “trục vớt” con tàu đắm PvTex trong khi vị Tổng giám đốc cũ, ông Vũ Đình Duy đang biệt tăm.
 Công nhân công ty rửa đường vào Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.
Công nhân công ty rửa đường vào Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Gánh nặng đầu tư, trả nợ lãi vay, hiệu quả sản xuất thấp như khối đá tảng nghìn cân ngày càng đè nặng lên nhà máy non trẻ chưa kịp hiện thực hóa ước vọng trở thành nhà cung cấp xơ sợi thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Những người tiếp quản, những ngày này phải gồng mình tìm mọi con đường, lối thoát cho việc “trục vớt” con tàu đắm PvTex trong khi vị Tổng giám đốc cũ, ông Vũ Đình Duy, nhiều ngày nay bặt tăm thông tin với lý do …đi chữa bệnh.

Tận thấy nhà máy 7.000 tỷ đắp chiếu

Khuôn viên “tổ hợp” nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PvTex), những ngày này tịnh không một tiếng ồn của động cơ, tiếng máy chạy. Khách đến làm việc bị chặn từ ngoài cổng xa và chỉ vào được qua cổng khi có sự đồng ý của lãnh đạo nhà máy.

Phía bên trong, không khí tĩnh lặng đến ngột ngạt khi cả khu nhà máy rộng tới 15 ha trong khuôn viên khu công nghiệp Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Những bóng công nhân lác đác đi lại trong ánh nắng nhạt làm việc vặt như cắt cỏ, dọn dẹp, phun nước rửa đường. Lối vào khu nhà máy, các dây chuyền của nhà máy xơ sợi được quây kín bằng những rào chắn. Chỉ công nhân, người mặc đồng phục công ty mới được ra vào khu vực nhà máy đã đóng cửa.

Phía ngoài sân rộng, hai chiếc ôtô chở công nhân nằm im lìm. Khu tòa nhà điều hành cũng vắng người qua lại. Bộ ghế da mốc trắng điểm lỗ chỗ, thiếu bàn tay chăm sóc lau chùi ở góc sảnh lễ tân càng tô điểm cho sự hiu quạnh. Cũng dễ hiểu khi chuyện thua lỗ của công ty là tâm điểm đặc biệt thu hút sự quan tâm của báo chí, dư luận nhiều tháng qua. Nhà máy có những thời điểm phải “đóng cửa then cài” không tiếp khách với lý do phải xin ý kiến tập đoàn.

Thời thế xoay vần, mọi tính toán ban đầu không như đề ra. Dù cố lèo lái nhưng con tàu PvTex “tả tơi trước áp lực kinh doanh” ngày càng rời xa quỹ đạo vốn được đặt ra ban đầu. Nỗ lực vực dậy nhà máy được thể hiện rõ trong hơn một năm qua.

Hai đời lãnh đạo công ty đã được thay thế nhưng thực tế nghiệt ngã khiến nhiều cán bộ nòng cốt được Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) cử xuống dù quyết tâm vẫn không thể khiến nhà máy đi vào hoạt động trở lại.

Gánh nặng đầu tư, trả nợ lãi vay, hiệu quả sản xuất thấp như khối đá tảng nghìn cân ngày càng đè nặng lên nhà máy non trẻ chưa kịp hiện thực hóa ước vọng.

Người đặt nền móng cho việc xây dựng, vận hành nhà máy ban đầu là ông Vũ Đình Duy, giờ đã… đi nước ngoài chữa bệnh. Những người tiếp quản, trước sự thật không vui vẻ gì, phải gồng mình tìm mọi con đường, lối thoát, dù le lói, để giữ chân người lao động với mòn mỏi chờ nhà máy vận hành trở lại, dù không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

Trong buổi làm việc với PV Tiền Phong, lãnh đạo công ty (vì lý do tế nhị đề nghị không nêu tên) cho biết “câu chuyện buồn” của PvTex thời gian qua báo chí đã nói, mổ xẻ quá nhiều. Báo chí càng nói nhiều về tình trạng hoạt động của nhà máy, càng tăng áp lực lên những người đang làm việc tại công ty.

Sự buồn bã hiện rõ trên nét mặt của những người mà chúng tôi gặp khi tìm đến để tìm hiểu về tình hình hoạt động của nhà máy. Không buồn sao được khi cả tổ hợp nhà máy, vốn được đầu tư 7.000 tỷ đồng với kỳ vọng trở thành đầu tàu trong sản xuất ngành xơ sợi lặng lẽ, im lìm đóng cửa cả năm nay.

Máy móc dừng hoạt động, sản phẩm không có, dòng tiền bất động với số lỗ trên 3.000 tỷ đồng, tiền trả lãi vay ngân hàng tính bằng tiền tỷ liên tục gia tăng qua mỗi đêm. Số tiền ít ỏi để duy trì bộ máy, trả lương công nhân, lãnh đạo, kế toán, hành chính và cả bảo vệ của công ty nhiều tháng qua trông chờ vào sự “chu cấp” của PVN và các cổ đông.

Áp lực lớn là vậy nhưng những người bám trụ cuối cùng với nhà máy vẫn không nản chí, tập trung tìm ra các giải pháp nhằm phục hồi hoạt động. Nhưng áp lực lớn nhất, theo lãnh đạo công ty là nhà máy dừng hoạt động nhưng vẫn phải trích khấu hao tài sản cố định.

“Hiện ở Việt Nam không có nhà máy nào tương tự nên không một tổ chức nào hỗ trợ chúng tôi một cách toàn diện được. Khâu tái cơ cấu nhân sự, đào tạo kỹ thuật, quy trình này sẽ kéo dài đến hết tháng 12 tới”, lãnh đạo công ty chia sẻ.

Lãnh đạo công ty cho biết, nhân sự thời đỉnh cao khi mới chuẩn bị bước vào vận hành lên tới cả nghìn người, giờ giảm còn 600 người. Máy nghỉ, người ngừng làm. Nhiều nhân sự dừng hoạt động cả năm trời nay. Người có kinh nghiệm, chất lượng bỏ đi tìm công việc khác. Số ít những người tâm huyết còn lại, nhiều tháng qua cố gắng tập hợp duy trì nhằm tìm ra giải pháp “giải cứu” nhà máy.

Những ngày này, công việc chính tại nhà máy chủ yếu là xem xét lại toàn bộ tiêu chuẩn hoạt động, rà soát từng vị trí hoạt động, vận hành của nhà máy để chờ ngày hoạt động trở lại. Việc huấn luyện, đào tạo công nhân vẫn được thực hiện với mục đích sàng lọc nhân viên đủ điều kiện làm việc trong nhà máy. Để giảm bớt khó khăn, công ty phải giãn cách thời gian làm việc của công nhân, cho một số nghỉ việc không lương.

“Chúng tôi có chút tiền ít ỏi thì phải trả đúng người, đúng việc để chuẩn bị sẵn sàng cho nhà máy hoạt động. Thời gian vừa qua, nhà máy dừng hoạt động nhưng chúng tôi không vì thế mà ngừng đào tạo nhân viên”, lãnh đạo công ty cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo này, đến nay những tồn tại về mặt kỹ thuật, vận hành nhà máy đã được công ty nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm các giải pháp khắc phục. Khó khăn lớn nhất đến nay chính là vốn lưu động để vận hành nhà máy.

Giải pháp nhà máy tự vận hành cũng gặp khó. Nhà máy thua lỗ chồng chất, vay thêm vốn đã khó, nếu rót tiền vào, lại hỏng tiếp, ai sẽ chịu trách nhiệm cũng là bài toán khó giải trong bối cảnh hiện nay.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng chấp thuận cho công ty thực hiện giải pháp tìm đối tác nước ngoài cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ vận hành. Nhiều ý kiến cho rằng thua lỗ như vậy thì để nhà máy phá sản đi. Nhưng điều này không dễ do chưa từng có tiền lệ. Việc này cũng phải có ý kiến của Chính phủ, rồi thủ tục cũng phải mất vài năm. Nói phá sản thì dễ nhưng lại là việc khó nhất.

Về những đồn đoán, nhà máy chết do dùng nhiều thiết bị, công nghệ Trung Quốc, lãnh đạo công ty khẳng định, thiết bị công nghệ của nhà máy được nhiều chuyên gia đánh giá khá hiện đại, có nguồn gốc phần lớn xuất xứ G7.

Còn những thiết bị mà báo chí nêu là thiết bị Trung Quốc, thực chất là những thiết bị do một hãng sản xuất của Đức có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Các thiết bị này cũng không dễ mua.

Để bảo vệ thiết bị của nhà máy trong tình trạng nguyên vẹn, công ty đã phải liên tục bảo trì, bão dưỡng thiết bị và cho bọc ni lông toàn bộ các thiết bị điện tử để tránh bị bụi và ẩm. Người ra vào khu vực sản xuất cũng bị hạn chế.

Loay hoay bài toán giải cứu

Theo lãnh đạo công ty, tiền điện, chi phí phụ trợ để vận hành lại nhà máy khoảng 11-12 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền để duy trì nhà máy hoạt động mới là vấn đề lớn. Nhiều đối tác ngoại đến tìm hiểu nhưng rồi không quay trở lại. Nhà máy không vận hành nhưng công nhân vẫn định kỳ “vận hành chay” các thiết bị để tránh võng trục, rỉ sét.

“Thị trường rất lớn, giá cả cũng có thể cạnh tranh được. Chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh, cung cấp sản phẩm cho chính các doanh nghiệp ngay trong khu công nghiệp Đình Vũ này, vấn đề chỉ cần máy móc vận hành ổn định được”, vị lãnh đạo công ty cho hay và thừa nhận cái khó hiện nay là mọi giải pháp đưa ra với nhà máy không ai dám khẳng định chắc chắn 100% có hiệu quả không. Toàn bộ hàng tồn trong kho đến nay đã được bán hết. Nguyên liệu cũng chỉ còn ít, không đủ duy trì chạy máy lâu dài.

Hơn 80% giá thành sản phẩm nằm trong chi phí nguyên liệu. Nếu chạy máy ra sản phẩm phế liệu hoặc không đạt thì riêng chi phí đầu vào cũng không đủ để bù. Với công suất mấy trăm tấn/ngày, chỉ cần sản phẩm làm ra không đảm bảo chất lượng, tiêu tốn hàng trăm nghìn USD/ngày là bình thường. Nhiều lần nhà máy dừng hoạt động rồi chạy lại thì làm sao có lợi nhuận, bù đắp được chi phí.

Khó khăn khác trong việc giải cứu PvTex là việc nhà máy xây dựng xong nhưng không có chuyên gia ngoại hỗ trợ vận hành, để ổn định hoạt động nhà máy. Nhưng cần bao lâu để nhà máy hoạt động ổn định, không hỏng hóc, căn chỉnh chuẩn để có thể sản xuất ra các sản phẩm chất lượng thì khó có thể trả lời. “Cứu một con tàu chìm là việc khó. Trục vớt con tàu lên để vận hành trở lại là việc còn khó hơn nhiều”, lãnh đạo PvTex nói.

Chúng tôi rời nhà máy khi ánh nắng trưa chiếu thẳng trên đầu. Khu nhà máy rộng vẫn im lìm không một chút khói, tiếng ồn vận hành. Những lãnh đạo, công nhân, bảo vệ nhà máy tiếp tục lặng lẽ làm những việc thường ngày như vốn đã làm nhiều tháng qua.

Câu hỏi khi nào nhà máy mới vận hành trở lại, tiếp tục để không hay cho phá sản, đeo đẳng suốt dọc hành trình. Câu trả lời “Cho nhà máy chết theo kiểu thà đau một lần còn hơn” cũng không hề dễ thực hiện khi đến nay công trình thậm chí còn chưa hoàn tất việc nghiệm thu, quyết toán. 

Từ tháng 5/2014, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ chính thức đi vào hoạt động thương mại. Trong hơn hai năm sau đó, nhà máy chỉ chính thức vận hành sản xuất được hơn 10 tháng, còn lại bảo dưỡng định kỳ và sửa chữa.

Đợt vận hành sản xuất của nhà máy gần đây nhất kéo dài gần 3 tháng và sau đó chính thức dừng hoạt động từ 17/9/2015. Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, tính đến 30/6/2016, vốn chủ sở hữu đã bị âm 823,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế của nhà máy đã hơn 3.008 tỷ đồng.

Theo Tiền Phong
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?