Con trâu làm đầu... ý tưởng

Con trâu làm đầu... ý tưởng

Thiết tha với những con trâu lá đa, lá mít thuở thiếu thời, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang (ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) bắt tay làm nghệ thuật bằng cách “tạc” nên những con trâu vừa quen vừa lạ giữa lòng thành phố. Anh từng “tạc” con trâu cao hơn 2 mét như một minh chứng hùng hồn kể cho con trẻ thời nay về câu chuyện tuổi thơ của ông bà, cha mẹ chúng năm xưa.

_______________

Tự nhận mình nặng lòng với đồng quê, suốt trong nhiều năm gắn bó với nghệ thuật, con trâu luôn là nguồn cảm hứng bất tận với người nghệ sĩ “lắm chiêu” này.

Con trâu làm đầu... ý tưởng ảnh 1

Nhà điêu khắc, KTS Nguyễn Trường Giang tâm sự: “Trẻ con ngày nay có quá nhiều đồ chơi, quá nhiều thứ để chơi nên ít được ra ngoài vui thú với thiên nhiên. Chắc chắn rất nhiều em bé không biết con trâu lá đa, lá mít là thế nào. Thậm chí nhiều bé còn không biết thế nào là con trâu. Trong khi đó, đây là một phần văn hóa truyền thống. Tôi muốn làm thế nào đó để giúp ông, bà, bố, mẹ kể lại câu chuyện của tuổi thơ cho các con thông qua hình tượng các tác phẩm con trâu”.

Con trâu làm đầu... ý tưởng ảnh 2

Trong tâm trí người nghệ sĩ này, tuổi thơ là quãng đời hồn nhiên, trong trẻo với những món đồ chơi tự làm, với cỏ cây, thiên nhiên và tiếng nghé ọ quen thuộc của con trâu giữa cánh đồng mênh mông, xa thẳm. Tuổi thơ là những ngày vui đùa hoàn toàn trong thế giới tự nhiên, không sử dụng tivi, điện thoại như “guồng máy công nghiệp” như hiện nay. Một trong số đó là hình ảnh con trâu (nghé ọ) được làm từ lá đa, lá mít mà bố mẹ, anh chị, bạn bè… kiến trúc sư Nguyễn Trường Giang tự tay làm năm xưa.

“Bạn có nhớ không, cả vườn lá rụng phải tìm được lá nào to nhất, đẹp nhất, xanh mướt để làm con trâu đẹp nhất thi đấu với nhau. Trẻ con chúng tôi thời xưa, không ai là không biết làm những chú trâu từ lá đa, lá mít. Với 2 sợi cỏ, sợi rơm hoặc dây nhỏ là đã có thể làm thành con trâu giật giật và kêu “nghé ọ” thú vị. Tôi nhớ hình ảnh bên gốc cây đa hoặc gốc cây mít, cả lũ trẻ thơ cùng tranh nhau tìm lá, làm trâu và chơi đánh trận giả, hò hét tưng bừng. Đó là kí ức tuổi thơ của hàng triệu người Việt Nam đi ra từ chốn làng quê, không bao giờ phai mờ” - nghệ sĩ Nguyễn Trường Giang hồi tưởng.

Trước KTS Nguyễn Trường Giang, không phải là không có nghệ sĩ nào quan tâm đến con trâu, tạc tượng trâu, vẽ tranh trâu… nhưng anh thích khai thác câu chuyện con trâu lá mít. Anh bảo, anh có khoảng thời gian ở lâu chốn thôn quê, anh “ngấm” văn hóa làng quê đến mê muội. Ở quê, con trâu bao giờ cũng được người nông dân nâng niu, dắt đi cũng đi trước, đi cày cũng đi trước. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Còn với anh Giang, con trâu là đầu ý tưởng.

Con trâu làm đầu... ý tưởng ảnh 3

Sau khi vào trường Mỹ thuật công nghiệp, hình tượng con trâu “bám” lấy anh cả lúc tỉnh lẫn lúc mơ, thấm thoát đã 7-8 năm. Nguyễn Trường Giang tha thiết với con trâu vì tậu trâu quan trọng và thấm thía như chuyện dựng nhà, gả vợ… chốn làng quê. Một trong những tài sản đầu tiên của làng quê, thứ tài sản khổng lồ thời xưa, không thể thay thế. Điều nữa, ở vùng quê trẻ con chơi với nhau rất vui, không có đồ chơi, không có ti vi, không có điện thoại… Con trâu đi vào các tác phẩm của Nguyễn Trường Giang như một ý niệm khó phai mờ về một miền kí ức tuổi thơ dữ dội và trong trẻo.

“Tôi muốn đưa ý niệm tự nhiên về với trẻ con hôm nay, như níu giữ một điều gì đó quý báu đang sắp bị mai một”.

Con trâu làm đầu... ý tưởng ảnh 4

Năm 2014, con trâu đầu tiên mà KTS Nguyễn Trường Giang dựng nên có kích thước khá lớn, lòng con trâu cao hơn 2m. Con trâu có cái tên “Tuổi thơ”.

“Hồi xưa đến bữa ăn là cả nhà quây quần, nghe ông bà, bố mẹ kể chuyện, dạy dỗ… Câu chuyện đó ngày càng mai một. Nên thông qua câu chuyện con trâu, tôi muốn kể chuyện tuổi thơ. Câu chuyện không phải của riêng tôi, mà của tất cả mọi người” - KTS Giang chia sẻ.

Với nhà điêu khắc, KTS Nguyễn Trường Giang, con trâu còn chở trên lưng ý niệm của anh về “phi cổ bất thành kim”. “Chúng ta sinh ra trong cái nôi văn minh lúa nước, đến giờ dù đã có cách mạng 4.0, chuyển hóa công nghiệp vẫn không thể xóa bỏ hình ảnh con trâu đi trước cái cày đi sau. Thông qua một tác phẩm, tôi muốn gửi gắm mong muốn riêng, dùng hình tượng con trâu ngày xưa như vốn tiềm tàng, vốn sống, kinh nghiệm sống quý báu của người cũ để dành cho thế hệ sau” - anh nói thêm, văn minh phương Đông lúc nào cũng có chiều sâu. Ngày nay, văn minh đang được giao thoa, văn hóa phương Đông dần mai một. “Thông qua câu chuyện tuổi thơ, quê hương, tôi muốn thức tỉnh lại bản thân, lưu giữ bằng được vốn tiềm tàng của ngày xưa để làm nội lực cho những sáng tác sau này. Chúng ta muôn đời không thoát khỏi câu chuyện phương Đông, văn hóa cổ truyền từ ông bà, cha mẹ… Ví dụ nếu vẽ tranh nghiên cứu, chúng ta không thể thắng được các bạn phương Tây. Họ đã có thời gian dài “ngấm” văn hóa từ Hy Lạp, La Mã… nhưng chúng ta có những đặc điểm riêng, văn hóa truyền thống riêng, về tâm linh, văn hóa… Nếu giới trẻ biết dựa vào vốn cổ đấy, làm nền tảng để phát triển nghệ thuật, thì chắc chắn sẽ có cái riêng”.

Con trâu làm đầu... ý tưởng ảnh 5

Con trâu đi ra từ vốn cổ của KTS Nguyễn Trường Giang hiện lên nhiều nhất qua chiếc lá, lá đa lá mít. “Lá có câu chuyện rất hay, trong Phật giáo, thấy chiếc lá là thấy câu chuyện sinh lão bệnh tử (sinh, trụ, dị, diệt…), 4 quá trình tự nhiên của vạn vật. Còn tác phẩm trâu của Giang được “tạc” theo 4 dạng thức của lá, cái làm nguyên bản, cái khai thác câu chuyện mạnh mẽ, lúc thì bé bé, lúc quằn quại, có lúc lá trơ chỉ còn xương lá… Đến nay, anh đã sáng tác được 7 dòng tác phẩm trâu, có những con trâu làm đơn, nhóm hoặc lồng ghép với sự biến dạng về hình, có con trâu làm như một cái cây phát triển theo chiều đứng. Bảy con trâu với kích thước khác nhau, con dạng tấm, con dạng nét, chất liệu đều bằng sắt hàn. Anh bảo, trong tương lai, sẽ là những con trâu với chất liệu gốm, đúc nhôm, gang, đồng… Bức tranh về con trâu sẽ sống động hơn, đa dạng hơn.

Nguyễn Trường Giang luôn tâm niệm, tuổi thơ ai cũng mơ mộng, con trâu liên quan tới chú Cuội, chị Hằng… con trâu không chỉ có thực, mà có thể lơ lửng trên không, thoát khỏi ý niệm thực tế, con trâu có thể bay lên cung trăng… Đến đầu Xuân Tân Sửu này, anh sẽ gom lại toàn bộ cho một triển lãm ở ngoại thành Hà Nội, phục vụ triển lãm khai Xuân. Hy vọng triển lãm đầu năm sẽ chuyển tải được hết ý niệm và những câu chuyện thú vị về tuổi thơ, về kí ức… mà Nguyễn Trường Giang ấp ủ và góp nhặt vào trong các tác phẩm của mình.

Con trâu làm đầu... ý tưởng ảnh 6

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: TTXVN phát
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam
(Ngày Nay) - Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1401/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 cử ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thay cho Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc vừa có quyết định nghỉ hưu.
Đại diện Đại học RMIT, VICAS, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại lễ khai mạc VFCD ở Hà Nội.
Khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) thường niên lần thứ 6 với chủ đề “TÁI TẠO” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 16 đến 22/11 với các hoạt động đa dạng gồm trưng bày, tọa đàm, workshop và tour khám phá, chào đón người yêu sáng tạo đến tham gia và khám phá.
Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng
(Ngày Nay) - Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.