Vào ngày 13/10, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã có Thư kêu gọi tự thú và đầu thú đến các cá nhân có hành vi hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật (từ ngày 15 đến ngày 22/4) trên địa bàn thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, báo Công an Nhân dân.
Lực lượng cán bộ và cảnh sát cơ động bị người dân Đồng Tâm bắt giữ trái phép được thả ra vào ngày 22/4. Ảnh: NLĐ |
Nội dung Thư kêu gọi nêu rõ: Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội. Điều đáng tiếc, không mong muốn đó ảnh hưởng tiêu cực cho người thực hiện hành vi, gia đình họ và cho xã hội. Đối mặt với tình huống này, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cần phải làm gì để được hưởng lượng khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý với cá nhân mình.
Cha ông ta đã có lời chỉ dạy "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta nghiêm khắc nhưng cũng thật nhân đạo, khoan dung. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật nếu thực sự ăn năn, hối lỗi bằng việc tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, góp phần khắc phục hậu quả tiêu cực cho xã hội mà mình đã gây ra luôn được xem xét, giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm pháp lý khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Công an TP Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị cấp chính quyền, gia đình, thân nhân của những người đã có hành vi vi pháp luật nêu trên động viên công dân, người thân của mình có thái độ tích cực trước Thư kêu gọi này và phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tự thú, đầu thú. Đồng thời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn động viên những người vi phạm ra tự thú, đầu thú; cung cấp những thông tin, tài liệu có liên quan bằng các hình thức tự lựa chọn.
Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội sẽ không bắt, giam giữ người tự thú, đầu thú và bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tự thú, đầu thú theo quy định của pháp luật. Người che giấu, cản trở người có hành vi vi phạm pháp luật tự thú, đầu thú sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với báo Người Lao Động, một người dân làng Hoành cho biết 2 ngày nay, loa phát thanh địa phương thông báo về thư kêu gọi người dân đầu thú của cơ quan chức năng Hà Nội. Khoảng gần 100 người nhận được giấy triệu tập nhưng rất nhiều người không đến làm việc.
Theo người này, người dân sẽ không trình diện nếu cơ quan điều tra không làm rõ 2 vấn đề liên quan đến đất ở đồng Sênh và việc bắt giữ người dân có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trước đó, cuối tháng 3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Ngày 15/4, sau khi cảnh sát bắt giữ 4 người, trong đó có ông Lê Đình Kình (82 tuổi, nguyên Bí thư đảng ủy xã), người dân Đồng Tâm đã giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ huyện Mỹ Đức tại nhà văn hóa thôn Hoành.
Tất cả cán bộ, cảnh sát được thả ra ngày 22/4, sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội UBND đối thoại với người dân và cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân thôn Hoành trong vụ việc này.
Ngày 13/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về 2 tội danh: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (theo điều 143 Bộ luật Hình sự).
Tổng hợp