Trong số những gương mặt đình đám của lứa 1 Học viện HAGL-JMG trình làng năm 2013, Công Phượng nổi bật nhất. Một cách rất tự nhiên, tiền đạo gốc Nghệ quyến rũ “fan” bóng đá Việt bằng kỹ thuật cá nhân điêu luyện, những pha đi bóng khuấy đảo khung thành đối phương.
Từ thời điểm trên cho đến lúc những đồng đội cùng trang lứa như Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh…đang bứt lên, Công Phượng vẫn duy trì được sức hút, với những tố chất rất riêng. Người ta nói đó là tố chất của một ngôi sao, có thể gây ồn ào tranh cãi, người khen kẻ chê, và bùng nổ trong những trận cầu đặc biệt. Một điểm dễ thấy, trong khoảng 2 năm trở lại đây, Công Phượng có phần chững lại nếu so với những Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn hay Văn Thanh. Minh chứng rõ nhất là việc các cầu thủ trên đang khẳng định vị trí ngày càng vững chắc ở ĐTQG. Công Phượng trong khi đó chỉ lên tới cấp độ U23, và thường phải chấp nhận phận dự bị ở đội tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, tên tuổi của tiền đạo gốc Nghệ vẫn thường trực “nóng” trên các trang báo và phương tiện truyền thông. Sức ép lớn tới độ, đã có những lo lắng về việc Phượng bị thui chột ngay khi còn chưa kịp trưởng thành. Đến độ khi công bố danh sách tập trung tuyển U22 Việt Nam, HLV Hữu Thắng đã bị không ít ý kiến mỉa mai về sự ưu ái dành cho cầu thủ HAGL, khi vẫn điền tên Công Phượng.
Những người gần ông Thắng hiểu rằng, cựu trung vệ xứ Nghệ có những lý do riêng để triệu tập Công Phượng. Chỉ đơn thuần ở góc độ chuyên môn, anh vẫn có nhiều điểm trội nếu so với các gương mặt khác trên hàng công U22 Việt Nam hiện nay. Đó là kỹ thuật, kinh nghiệm thi đấu quốc tế dày dạn ít cầu thủ nào trong đội sánh bằng. Lối chơi lạm dụng kỹ thuật của Công Phượng có thể không phát huy được hiệu quả ở cấp độ lớn, nhưng lại đặc biệu hữu dụng ở đấu trường trẻ. Điều này đã được chứng thực qua Vòng loại U23 châu Á 2015, tới SEA Games 28 và mới nhất là tại Vòng loại U23 châu Á 2018. Công Phượng “nổ súng” sòn sòn ở các giải đấu này.
Tuy nhiên, còn một điểm khác HLV Hữu Thắng chờ đợi ở Công Phượng, chính là tố chất bùng nổ của một ngôi sao, đề cập ở trên. Công Phượng là người duy nhất ở đội tuyển U22 Việt Nam được HLV Hữu Thắng khẳng định, cho phép chơi ở vị trí cảm thấy thoải mái nhất. Ông Thắng hiểu được giá trị của Công Phượng, ít nhất ở đấu trường SEA Games. Điều này giải thích vì sao cựu trung vệ xứ Nghệ luôn nghĩ cách để giải toả sức ép cho anh. Một câu chuyện được nhắc tới khá nhiều thời gian vừa qua, là ông Thắng đã có cuộc chuyện trò riêng với Công Phượng. “Tôi đã nói với Phượng, cần phải gạt bỏ suy nghĩ trách nhiệm, ý nghĩ về ngôi sao trong đầu. Khi vào trận chỉ tập trung đá bóng, mọi chuyện sẽ tới”-Hữu Thắng chia sẻ.
Hiệu quả của cuộc trò chuyện thầy-trò trên là phong độ rực sáng của Công Phượng ở Vòng loại U23 châu Á 2018. Anh ghi 4 bàn, nhiều nhất đội, cùng với vô số pha bóng tuyệt mỹ trên sân cỏ.
Nhưng Phượng không thể là thủ quân
Trên thực tế, HLV Hữu Thắng đã quyết định trao băng thủ quân cho Công Phượng ở Vòng loại U23 châu Á. Nhưng trong cuộc chuyện trò trên, cùng với việc động viên Công Phượng, Hữu Thắng cũng đi tới một quyết định khác, “tước” băng đội trưởng của tiền đạo gốc Nghệ để trao cho trung vệ Bùi Tiến Dũng.
Theo HLV Hữu Thắng, đây là cách để Công Phượng bớt cảm thấy áp lực, giúp đôi chân anh trở nên thanh thoát hơn. Bản thân Công Phượng cũng thừa nhận, anh chơi bóng thoải mái, không còn cảm giác lo lắng khi lãnh trách nhiệm đội trưởng trên tay.
Với các HLV và chuyên gia bóng đá dày dạn kinh nghiệm, quyết định của Hữu Thắng là chính xác. Công Phượng có thể là ngôi sao, nhưng vai trò thủ quân lại mang một giá trị khác. Phượng không có bản lĩnh của một cầu thủ lớn, đủ truyền cảm hứng tới 10 vị trí còn lại trên sân. Những người quen Phượng biết rằng khi thi đấu, Công Phượng rất ít tương tác với các đồng đội, từ hành động tới truyền ngôn. Lối chơi lạm dụng kỹ thuật cá nhân khiến cho Công Phượng đôi khi lỗi nhịp trong hệ thống vận hành chung giữa các cầu thủ HAGL với nhau. Do vị trí (tiền đạo), anh cũng không bao quát được toàn bộ thế trận để có thể điều chỉnh lối chơi của đội.
Không phải ngẫu nhiên, khi HLV Hữu Thắng công bố quyết định chọn Công Phượng làm đội trưởng, đã có những ý kiến cho rằng anh không thích hợp. Điển hình trong số này là HLV Hoàng Văn Phúc (Quảng Nam). Ông Phúc đánh giá, chiếc băng thủ quân U22 Việt Nam hiện nay sẽ hợp lý hơn khi được gắn trên tay áo Lương Xuân Trường. Tiền vệ đang khoác áo Gangwon United mới thực sự hội đủ những tố chất của một cầu thủ lớn, một đội trưởng trong tương lai của đội tuyển Việt Nam.