Lạ mà quen
Mới đây nhất, Ưng Hoàng Phúc quyết định làm mới ca khúc “Người ta nói” sau 14 năm trình khán giả. Đây là ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Hoài Anh từng làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh năm 2003. Sau 14 năm, sức hút của bài hát vẫn chưa hề bị tụt giảm khi một lần nữa nó lại được vang lên trong bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua”. Vẫn là giọng hát Ưng Hoàng Phúc, nhưng clip dựng lại mới mẻ, kĩ thuật hiện đại hơn clip cũ, chưa kể người hát đã từng trải hơn, ngấm cảm xúc hơn và “phiêu” hơn khiến bản thu âm năm 2017 réo rắt hơn rất nhiều.
Nam ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng khiến khán giả thích thú khi hát lại các tình khúc trữ tình những năm 90: "Tình thôi xót xa", "Người tình mùa đông", "Chưa bao giờ"... Những bài hát cũ được sử dụng để đánh dấu bước trưởng thành 1o năm ca hát của Hà Anh Tuấn khi bước ra từ cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn 2006. Những bài hát nhớ thương, xót xa được ca sĩ phối lại và biểu diễn trên nền nhạc acoustic và đăng trên kênh Youtube cá nhân vào thứ hai hàng tuần khiến nhiều thế hệ 8x bâng khuâng vì nhớ quá khứ. Nhiều video của Hà Anh Tuấn ngay lập tức nhận được hàng triệu lượt xem nhờ cách thể hiện mới lạ.
Cũng quay về những bài hát cũ, Lê Hiếu làm mới lại ca khúc “Ngày mai em đi” bằng nhiều yếu tố. Hấp dẫn nhất là được phối lại bằng kỹ thuật điêu luyện với nhạc điện tử, chút R&B, guitar phối hợp ăn ý… từ bàn tay phù thủy của nhà sản xuất nhạc Hoàng Touliver. Bản balad đơn thuần của Lê Hiếu 10 năm trước bỗng sống dậy, lạ tai và mới mẻ như bài hát mới, kích thích sự tò mò lớn của người hâm mộ.
Rất nhiều các ca sĩ trẻ cũng đã và đang bước theo con đường cover để đến gần công chúng hơn. Nhiều người nghe khá bất ngờ khi mới đây, ca khúc “Nếu phôi pha ngày mai” (Hoài An) từng gây chú ý bởi cặp song ca tên tuổi Đan Trường - Cẩm Ly được phối lại đậm chất R &B của ca sĩ trẻ Hoàng Tôn… Sự thành công đến với người trẻ khá dễ dàng, đôi khi chỉ là lấy cái cũ đặt vào bối cảnh mới.
Cover vẫn chỉ là cover
Thực tế thì, nhu cầu nghe lại những ca khúc hit thập niên 1980-1990 của công chúng là có thật. Những tiết mục cover của ca sĩ ở các quán bar, phòng trà, thậm chí là beer club vẫn luôn được đón nhận. Đơn giản vì bài hát đã từng là hit, lời hay, giai điệu đẹp.
Không phủ nhận rằng thế hệ hôm nay đã có ý thức làm mới tác phẩm cũ bằng RnB, rap, rock hay một chút regae… Tất cả đều là chất liệu âm nhạc hiện đại, thịnh hành hiện nay. Và khi cover những bản hit cũ, ca sĩ chỉ cần sử dụng sắc màu âm nhạc đương đại vào trong phiên bản cover của mình là đủ.
Ca sĩ Nguyễn Hải Yến là một minh chứng. Trước khi giới thiệu album “Top hit Làn sóng xanh 90-2000”, cô đã có tour diễn toàn quốc để thăm dò thị hiếu công chúng. Sự thăm dò này phần nào đem lại sự chắc chắn cho sự trở lại của Yến vì công chúng nhiệt liệt đón nhận. Các ca khúc cô chọn đều thuộc top hit của những thập niên 90-2000 như “Ta chẳng còn ai”; “Dòng sông lơ đãng”; “Tình cờ”; “Có quên được đâu”... Chia sẻ với báo chí, Hải Yến cho biết: “Để chuẩn bị cho sự trở lại bằng việc ra mắt các ca khúc cũ, tôi đã lựa chọn một ê kíp nhạc sĩ trẻ để làm theo tinh thần mới. Có những ca khúc cũ dù đã bỏ tiền và công sức thu âm trước rồi tôi đều thay đổi để mang lại cảm giác mới cho người nghe. Tôi tin màu sắc âm nhạc, sự thể hiện trẻ trung, hiện đại của mình sẽ mang lại cho khán giả những cảm nhận thú vị mới”.
Tuy nhiên, việc làm mới ca khúc cũ rầm rộ và có phần tạo trào lưu như hiện nay đang khiến nhiều nhạc sĩ lo lắng cho thực trạng hiện tại của nhạc Việt: Ca khúc mới nhiều nhưng nhạt và nhanh chóng bị quên lãng khiến ca sĩ trẻ khó lòng để lại dấu ấn cho người nghe. Các ca khúc có chất lượng nghệ thuật và được công chúng đón nhận một cách sâu sắc và lâu dài trong vài năm gần đây quá ít.
Việc làm mới ca khúc được giới chuyên môn đánh giá đã góp phần làm sôi động thêm thị trường âm nhạc trong bối cảnh nhạc Việt hiện nay, nhất là nhạc trẻ vượt trội về số lượng nhưng chất lượng gần như tỉ lệ nghịch. Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, nhiều ca khúc mới ra đời nhưng nội dung ca từ, nghệ thuật không có gì nổi bật. Nếu không muốn nói là nhạt và thiếu sự sáng tạo, nhanh nhớ và mau quên.