Khan hiếm thiết bị trợ thở
Trước sự lan rộng trên khắp toàn cầu của đại dịch COVID19, dư luận bắt đầu quan tâm đến vấn đề thiếu hụt thiết bị trợ thở (máy thở) trong hệ thống y tế các nước. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1/6 số người bệnh COVID-19 sẽ chuyển bệnh nặng hơn, tới giai đoạn khó thở và có thể phải dùng tới máy thở để hỗ trợ hô hấp, duy trì sự sống.
Tại Mỹ, quốc gia hiện có số người bệnh COVID-19 cao nhất thế giới, Hiệp hội Hồi sức cấp cứu Hoa Kỳ (SCCM) ước tính có khoảng 960.000 bệnh nhân COVID-19 có thể phải dùng tới máy thở. Còn theo phân tích của Công ty Needham, số máy thở nước Mỹ cần dùng trong dịch bệnh COVID-19 có thể lên tới 750.000. Tuy nhiên, Mỹ chỉ có khoảng 200.000 máy thở, cũng theo ước tính của SCCM và khoảng một nửa trong số đó là những loại máy đời cũ, có thể không đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu điều trị người bệnh nặng.
Cơ quan Y tế Quốc gia Anh hiện có khoảng 8.000 máy thở và chính phủ nước này đang đặt hàng thêm 8.000 máy. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại về nguy cơ thiếu hụt thiết bị này khi nước Anh bước vào đỉnh dịch COVID-19. Hiện Thủ tướng Anh Boris Johnson đang kêu gọi các nhà sản xuất lớn cân nhắc tăng cường sản xuất các trang thiết bị thiết yếu, trong đó có thiết bị và vật tư y tế.
Tình hình tại Ấn Độ khẩn cấp hơn bởi theo các ước tính của Đại học Johns Hopkins, Trung tâm nghiên cứu biến động dịch bệnh, kinh tế và chính sách (CDDEP) và Đại học Princeton của Mỹ, nhu cầu về máy thở ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên 1 triệu chiếc vào tháng 7/2020, trong khi số lượng máy sẵn có chỉ từ 30.000 - 50.000 chiếc. Suy đoán theo mức độ lây lan, thì đến tháng 7 tới, hơn 400 triệu người Ấn Độ có khả năng bị mắc bệnh. Vào lúc cao điểm, có thể sẽ có từ 700.000 đến 1,2 triệu người cần chăm sóc tại khu điều trị tích cực (ICU). Hiện Ấn Độ chủ yếu phụ thuộc vào việc nhập khẩu máy thở. Hầu hết các máy thở ở nước này hoặc được nhập khẩu hoặc lắp ráp từ các linh kiện nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Tiến sĩ Devi Prasad Shetty, Chủ tịch chuỗi bệnh viện Narayana Health của Ấn Độ cho rằng điều quan trọng là chính phủ chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước sản xuất máy thở hàng loạt, để Ấn Độ không phải lâm vào với tình huống như ở Italy nơi người dân chết vì không có thiết bị điều trị. Tuy nhiên, các nhà sản xuất máy thở trên cả nước ngụ ý họ không có khả năng đẩy mạnh sản xuất trong một thời gian ngắn như vậy, do các nước cung cấp chính hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế. Giải pháp khả thi là sản xuất các máy thở cơ bản với thiết kế và linh kiện nội địa.
Tình trạng thiếu máy thở cũng đặc biệt nghiêm trọng tại những nước có hệ thống y tế hạn hẹp. Tại Mali, quốc gia Tây Phi này với 19 triệu dân nhưng chỉ có 56 máy thở.
Nhiều hãng chế tạo máy bay, ô tô… cùng lao vào cuộc đua sản xuất máy thở
Trước tình hình các bệnh nhân nặng mắc COVID-19 đang thiếu máy thở để bảo toàn sự sống, không chỉ các công ty sản xuất thiết bị y tế mà nhiều hãng chế tạo máy bay, ô tô… đã cùng lao vào cuộc đua sản xuất máy thở giúp tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.
Một nhóm nhà nghiên cứu y học tại Đại học College London (UCL) cùng các kỹ sư tại Anh đã hợp lực với đội đua xe Công thức 1 Mercedes trong dự án mang tên "Project Pitlane" nhằm cải tiến một thiết bị trợ thở, tiến tới sản xuất hàng loạt. Giới chức Anh đã thông qua việc cải tiến Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). CPAP hiện đang được sử dụng trong điều trị suy hô hấp, giúp bệnh nhân giảm triệu chứng bệnh và phục hồi chức năng hô hấp thay vì phải sử dụng các phương pháp xâm lấn, từ đó hạn chế nguy cơ biến chứng. Khi bệnh nhân hít thở qua CPAP, hệ thống này sẽ tăng cung cấp oxy tới phổi, từ đó giúp các phế nang không xẹp cuối kỳ thở ra tăng trao đổi khí, giảm công hô hấp. Theo các báo cáo từ Italy, khoảng 50% bệnh nhân sử dụng CPAP đã không cần tới máy trợ thở, do đó tránh được việc phải đặt ống nội khí quản cũng như không phải uống thuốc giảm đau. Một phiên bản của CPAP hiện đang được sử dụng tại các bệnh viện ở Italy và Trung Quốc nhằm hỗ trợ các bệnh nhân mắc COVID-19 bị nhiễm trùng phổi nặng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại UCL và đội đua Mercedes lại thiết kế đảo ngược phiên bản hiện hành và tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với 100 thiết bị cải tiến. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết họ có thể nhanh chóng sản xuất "hàng nghìn" thiết bị và cung ứng cho các bệnh viện trên toàn nước Anh trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng khi ngày càng có thêm nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Chính phủ Anh đã đặt mua hơn 10.000 máy thở từ hiệp hội các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu thuộc lĩnh vực hàng không, kỹ thuật và các đội đua Công thức 1. Nhóm các công ty Airbus, BAE Systems, Ford và 7 đội đua xe Công thức 1 đã hợp tác để đẩy nhanh tiến độ sản xuất một loại máy thở hiện có của Hãng Smiths Group là mẫu máy Smiths Medical paraPAC plus. Trước đó, chính phủ Anh đề nghị các nhà sản xuất xe hơi đang hoạt động trong nước gồm Ford, Honda và Rolls-Royce tham gia sản xuất máy thở. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các nhà sản xuất trong việc góp sức vào công cuộc chống dịch COVID-19 của cả nước.
Tại Hà Lan, hãng sản xuất thiết bị y tế Philips thông báo sẽ tăng cường sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe quan trọng để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Philips cho biết hãng đang sản xuất khoảng 1.000 máy thở mỗi tuần và đang tìm cách để tăng sản lượng lên khoảng 2.000 máy/tuần trong vài tuần tới cũng như tiếp tục tăng sản lượng cao hơn nữa bởi nhu cầu với thiết bị y tế này là rất lớn. Theo đó, Philips có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng máy thở cho các bệnh viện trong khoảng 8 tuần tới và đạt được sản lượng tăng gấp 4 lần vào quý III/2020.
Trong khi đó tại Mỹ, ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, Bộ Quốc phòng cho biết cơ quan này chuẩn bị được giao 1.400 máy thở vào đầu tháng 5 tới như một phần của thỏa thuận trị giá 84,4 triệu USD được ký mới đây. Theo đó, Cơ quan Hậu cần Quốc phòng (DLA) sẽ mua tổng cộng 8.000 máy thở từ bốn công ty, gồm Combat Medical Systems, Hamilton Medical, VyAire Medical và Zoll Medical Corp nhằm đối phó với dịch COVID-19 trong bối cảnh chính phủ liên bang đang vật lộn nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp y tế. Hãng xe hơi General Motors cũng cam kết sẽ bắt tay gấp rút sản xuất máy thở đồng thời cho biết tới mùa hè năm nay, họ dự kiến đạt năng suất 10.000 máy thở một tháng.
Dù có hệ thống y tế hàng đầu trong khu vực nhưng chính phủ Đức mới đây đặt hàng thêm 10.000 máy thở của hãng Dragerwerk AG, tương đương một năm sản xuất của công ty này.
Trong bối cảnh đại dịch lan rộng, công ty nào cũng phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba công suất bình thường. Một trong các nhà sản xuất máy thở lớn nhất thế giới, Công ty Hamilton Medical AG có trụ sở tại Thụy Sĩ, đặt mục tiêu nâng sản lượng lên khoảng 21.000 máy thở trong năm nay, tăng 6.000 chiếc so với 15.000 máy thở năm ngoái. Công ty Siare Engineering International Group có trụ sở tại Bologna (Italy), với sự hỗ trợ của 25 kỹ thuật viên quân đội tham gia lắp ráp các máy, hy vọng sẽ tăng gấp 3 sản lượng máy thở hằng tháng. Hãng Getinge của Thụy Điển cho biết sẽ tăng số lượng máy thở sản xuất trong năm nay lên 60% so với 10.000 máy hồi năm ngoái.
Công ty Beijing Aeonmed ở Trung Quốc cũng luôn trong tình trạng hoạt động 24/7. Sau khi đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, các dây chuyền sản xuất của nhà máy này đang chạy hết công suất để đáp ứng các đơn đặt hàng máy thở từ các khách hàng nước ngoài. Các đơn đặt hàng ùa về từ hàng chục nước và Aeonmed không phải là công ty duy nhất ở Trung Quốc chạy đua với thời gian để sản xuất máy thở. Tất cả các nhà máy sản xuất máy thở ở Trung Quốc đã đạt đến công suất tối đa và số đơn đặt hàng đủ để duy trì điều này đến tận tháng 5/2020.