Nếu còn có ngày mai

(Ngày Nay) - Sẽ có nhiều lao động tự do có thể quy hoạch được cuộc đời mình, lên kế hoạch cho tương lai mình, nhờ vào một sự tỉnh táo kiệt xuất hoặc may mắn. Nhưng cũng có rất nhiều người khác, sẽ không biết họ có thể đi về đâu, trong cái cảnh ráo mồ hôi là hết tiền.
Trường đã trải qua nhiều "nghề" để bám trụ giữa cuộc đời
Trường đã trải qua nhiều "nghề" để bám trụ giữa cuộc đời

Người nông dân & đa cấp

Buổi sáng ngày 11 tháng Giêng năm ấy, bố Trường dậy nấu nướng, rồi vào gọi con ra ăn cơm.

Anh nằm trên giường chán nản, bảo bố đi ăn một mình. Trường đã nằm uể oải như thế trên giường nhiều ngày. Bố Trường chẳng nói gì, chỉ bảo, tao già rồi không làm được. Mày còn trẻ, mày phải làm việc. Rồi ông bỏ đi ăn cơm.

Ngày 12 tháng Giêng, bố Trường nấu cơm, tự ăn một mình, không gọi anh nữa.Trường vẫn nằm một mình trong phòng. Đến khi nghe thấy tiếng của chị dâu, anh mới chạy ra. Ông cụ đã tự treo cổ lủng lẳng giữa nhà.

Bố Trường bị tâm thần từ mấy chục năm nay. Ông cụ bất mãn từ thời làm cán bộ. Người ta ăn hối lộ, ông không làm được, bỏ việc, rồi uất ức thành điên. Mỗi lúc lên cơn, ông lại chửi bới.

Trường đi nghĩa vụ quân sự về năm 2009, mẹ cắt cho một héc-ta rưỡi đất trồng cà phê, mỗi năm làm lụng nhàn tản cũng được vài trăm triệu. Trường ở một mình chăm bố, còn mẹ đi buôn bán. Mỗi năm, anh đưa ông cụ xuống TP HCM ba tháng điều trị ở Bệnh viện tâm thần Lê Minh Xuân.

Người ta bảo bệnh của bố Trường không chữa được nhưng anh không tin. Từ lúc đi nghĩa vụ về, Trường đã tu ở nhà, ăn chay niệm Phật để mong bố mình khỏi bệnh. Buổi sáng, Trường dậy sớm, tụng kinh, nấu cơm cho bố ăn, rồi đi làm.

Trường thương bố, rồi sinh ra thương cả những người tâm thần không nhà cửa đi lang thang. Anh bỗng nhiên mơ ước có tiền để đưa những người tâm thần không thân thích ấy xuống Bệnh viện Lê Minh Xuân chữa bệnh. Mỗi lần đưa bố xuống, Trường rất thích không gian của nơi ấy - có khuôn viên rộng, sạch sẽ và thoáng mát - phí điều trị chẳng đáng bao nhiêu, chỉ mấy triệu một lần. Nếu làm ăn khá, mình có thể giúp được nhiều người điên, Trường nghĩ.

Anh quyết định đầu tư vào cây tiêu. Trồng tiêu, nếu thuận buồm xuôi gió, mỗi năm có thể kiếm được cả tỷ bạc, Trường nhẩm tính, rồi dựng cọc, trồng tiêu, mấy tháng cây đã lên hơn đầu gối người.

Nhưng rồi một ngày, một người bạn học cũ thân thiết gọi anh đến nhà. Ở đấy có một đám đông người lạ đang tụ tập. Anh không thích không gian đông người lạ. Nhưng rồi sự tò mò giữ anh cố nán lại xem bạn bày trò gì. Và ở đấy, người ta giảng cho Trường nghe về bán hàng đa cấp.

Sau buổi giảng ấy, Trường nghĩ đến triển vọng có thể kiếm được cả tỷ bạc trong đôi năm, nhanh hơn trồng tiêu, để thực hiện giấc mơ cứu người điên của mình. Anh đến dự một “Đại hội thành công” của công ty bán hàng đa cấp nọ. Tháng 5/2013, Trường bắt đầu "tham gia vào hệ thống".

Bốn tháng, Trường kiếm được gần 3 triệu từ công ty bán hàng đa cấp nọ. Nhưng rồi anh bắt đầu cảm thấy mình trở nên không bình thường. Trường không tự lý giải được tại sao. Anh chỉ biết rằng làm bán hàng đa cấp, mình phải nói nhiều. Ngày trước, đi theo Phật, Trường kiệm lời. Anh vẫn tin, bởi ở đó, anh bảo là mình nhìn thấy nhiều điểm tương đồng với Phật pháp: phương châm của hệ thống, là “giúp người khác là giúp mình”, rất giống với… lời Phật dạy. Nhưng làm đa cấp, Trường không thể nào ngồi tĩnh tâm tụng kinh được nữa. Cố thế nào cũng không được. Anh thấy tâm mình loạn. Chàng trai trẻ ít học chỉ diễn đạt được đến thế. Tâm loạn. Ngày trước, trong đầu Trường có bao nhiêu suy nghĩ tích cực lạc quan, thì bây giờ chỉ toàn những điều bi quan chán nản.

Tháng 9/2014, Trường bỏ đa cấp, rồi cứ thế nằm nhà. Cánh đồng tiêu bỏ hoang. Nhà anh có bệnh điên gia truyền: từ đời ông nội, rồi họ hàng, nhiều người đã bị tâm thần trước bố anh. Trước anh nương vào Phật để tìm sự tĩnh tâm cũng vì lý do ấy. Và trong cơn bấn loạn, anh biết, là ông cụ cũng nhận ra điều đấy. Ông đã điên mấy chục năm, nên nhìn thấy ở con trai một điều gì đấy khác lạ. Giai đoạn ấy, bố Trường đã tỉnh táo, tự nấu được cơm. Ông buồn bã. Tết năm ấy, chỉ dặn lại một câu, rồi treo cổ lên trần nhà.

Trường đau đớn. Bao nhiêu công chạy chữa, mà bây giờ bố tự tử vì mình. Anh trốn mẹ và anh trai, nằm trong nhà nhiều ngày, rồi xách xe máy lên, đi tìm chỗ để chết.

Anh đi xuyên sang bên kia biên giới, rồi sang Rừng Quốc gia Yok Đôn. Cứ thế đi lang thang suốt hai tháng ròng quanh vùng, đi đến đâu dừng lại mua thuốc ngủ đến đấy. Mỗi lần, người ta bán cho anh 2 liều.

Trường ôm vốc thuốc ngủ đi vào rừng. Mua thêm hai cái bánh mì và một chai nước, để trước khi chết phải ăn uống cho đầy đủ, anh nghĩ.

Trường cứ đi mãivào trong rừng, rồi tìm được một chỗ để nằm. 8 giờ sáng ngày hôm ấy, anh uống hết vốc thuốc ngủ trong lòng bàn tay và lịm đi.

4 giờ chiều, Trường tỉnh dậy. Anh không chết. Anh đã tự nôn hết thuốc và bánh mì ra từ lúc nào.

Trường lần xuống núi, vừa đi vừa nghĩ về cách chết. Nhảy xuống vực hay treo lên cây, anh ngồi xuống và ngẫm nghĩ. Rồi một người bộ đội đi qua. Bộ đội quát, đây là khu vực quân sự, không được ngồi, rồi kêu Trường lên xe máy đèo xuống núi, đến khu có nhà dân.

Anh hái trộm một quả thanh long, ăn ngấu nghiến. Ăn hết quả thanh long ấy rồi Trường bỗng nhiên không muốn chết nữa. Anh quyết định là mình sẽ đi làm thuê. Bây giờ, phải có chủ thật ác, sai bảo mình, bắt lao động, thì mới quay trở về được cuộc sống cũ. Vào TP HCM thì sợ gặp người quen. Trường quyết định đi thật xa, ra Hà Nội.

Trường trở thành một người bốc vác giữa thủ đô.

Đời lao động tự do

Lang thang ở Hà Nội, rồi Trường lân la xin được một chân bốc vác ở làng đồng nát Triều Khúc. Một thời gian sau, anh ra chợ Đồng Xuân, rồi kết thúc, gắn bó với chợ đầu mối Long Biên.

Nếu còn có ngày mai ảnh 1Trường gắn bó với công việc bốc vác ở chợ Long Biên...

Anh vốn là một người nông dân khỏe mạnh - từng là một chân điền kinh sáng giá trong đơn vị thời đi nghĩa vụ. Anh làm việc rất chăm chỉ. Liên tục những thùng hoa quả nặng hàng yến qua đôi vai ấy, từ những thùng xe tải đi xuống cách quầy hàng trong chợ.

Một ngày làm việc của Trường bắt đầu từ 7 giờ tối, kết thúc vào lúc trời gần sáng. Công việc của một người bốc vác không có gì nhiều để kể, chỉ là lặp lại của những chuyến hàng, những thùng hàng. Thu nhập mỗi tháng, được 7-8 triệu đồng, đủ cho Trường thuê một căn phòng trọ chung với đồng nghiệp ở ngoài bờ đê Yên Phụ, năm trăm nghìn mỗi tháng, và một tâm lý thoải mái với sự tằn tiện vốn có của một người nông dân làm rẫy. Nỗi đau vì thế dần nguôi đi.

Nếu còn có ngày mai ảnh 2Thu nhập mỗi tháng, được 7-8 triệu đồng, đủ cho Trường thuê phòng trọ chung với đồng nghiệp

Nhưng rồi Trường nhận ra rằng mình vẫn không thể hài lòng với cuộc sống hiện tại: Đêm đi làm, sáng về ngủ, chiều thức dậy đi ăn cơm rồi ngồi uống nước chè chờ đến giờ đi làm. Anh lại nhìn thấy những người điên trên đường phố Hà Nội. Có một người, anh Dũng, lập ổ nằm ngay trong một cái hốc ngoài bờ đê Yên Phụ. Hàng ngày, Trường ra cho tiền anh ăn cơm. Hôm nào không có tiền, Trường cũng ra, xin lỗi anh vì hôm nay không cho được. Những ngày nghỉ, Trường đem anh vào nhà, gội đầu, tắm rửa và cạo râu cho anh.

Nếu còn có ngày mai ảnh 3Trường gội đầu, tắm rửa và cạo râu cho anh Dũng

Rồi cái vòng luẩn quẩn của suy nghĩ lặp lại. Một lần nữa, Trường lại nghĩ về đa cấp - về một phương thức thay đổi cuộc đời mình, và thực hiện được ước mơ là cứu giúp những người điên, như cha anh. Anh lại bắt đầu dành rất nhiều thời gian để xem các video quảng bá sản phẩm, để dành tiền mua vé vào cửa các "Đại hội thành công", và lại mê mẩn đa cấp.

Có một lần, một nhà báo đưa Trường đến dự một hội thảo về bảo hiểm xã hội. "Bảo hiểm" là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với Trường: Anh là một lao động tự do. Đến hội thảo, anh mới lờ mờ hiểu rằng nó là một thứ tiết kiệm, hàng tháng đóng bảo hiểm thì sẽ được nhận lương hưu. Đến lúc đấy, anh mới biết rằng người lao động tự do như anh cũng có thể mua bảo hiểm, có thể được đảm bảo tương lai ở một mức độ nào đó.

Từ trước đến nay đã ai nói với anh điều đó chưa? - các học giả ở hội thảo hỏi Trường. Anh lắc đầu. Anh trình bày, em nghĩ nếu có một thứ như thế thì các ban ngành cơ quan phải tuyên truyền để bọn em được biết, chứ bọn em cả ngày ở ngoài chợ, không có thời gian đọc báo xem đài.

Anh không thể hiểu được rằng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa bao giờ có nhu cầu tìm kiếm thị trường hay là mở rộng đối tượng ra đến những người như anh. Họ chưa bao giờ làm việc đó: họ tỏ ra hài lòng với các đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc, kinh doanh, thất thoát và bù đắp bằng số tiền bảo hiểm bắt buộc ấy. Họ không cần hoạt động như một doanh nghiệp.

Những người duy nhất tìm đến với anh, hỏi han, vỗ về và hứa hẹn với anh - một người lao động yếu thế - chỉ là những công ty bán hàng đa cấp. Những người duy nhất cho tới lúc ấy, mời anh tham gia hội thảo, cho anh cảm giác được ở trong một hệ thống, là những công ty bán hàng đa cấp.

Mặc dù tỷ lệ đóng góp cho GDP của khu vực phi chính thức, khu vực của những lao động như Trường, lên tới 20% nền kinh tế Việt Nam. Nhưng họ chưa bao giờ được quan tâm đầy đủ bằng các chính sách hay thiết chế bảo hộ: Họ tồn tại tự do như cây cỏ - nếu có, cũng chỉ được quản lý bởi lực lượng Công an.

Bây giờ Trường không còn làm bốc vác nữa. Anh cũng không thể quay trở về vườn tiêu hoang phế nơi có kỷ niệm buồn. Chàng trai ấy, ở tuổi ngoài 30, quyết định đi vào chùa.

Đó là một câu chuyện nghe đầy tính tiểu thuyết. Nhưng nó là chuyện thật, với tất cả những vấn đề thật, những tâm lý thật mà một người nông dân hay lao động di cư đối mặt phải. Một câu chuyện tiêu biểu: Sau tất cả những vấp váp và đứng dậy, Trường vẫn không cảm thấy mình là một phần của cái gì, vẫn không nhìn thấy một tương lai. Anh là một lao động tự do.

TIN LIÊN QUAN
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.