Tình yêu trẻ, sự nhân văn và lòng quyết tâm theo đuổi việc tử tế của Ngân "Tòhe” đã giúp cô trở thành nữ doanh nhân Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 121 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu do diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố năm 2016.
Dự án nảy mầm từ trái tim người mẹ
Song hành cùng chồng là họa sĩ Nguyễn Đình Nguyên làm chủ một công ty về thiết kế, quảng cáo nhưng chưa bao giờ Phạm Thị Ngân cảm thấy thực sự “đủ”. Gặp Ngân ngoài đời, với cách lo toan và vun vén chu đáo cả trong công việc và chăm sóc con cái, tôi biết Ngân là người phụ nữ của gia đình. Nhưng Ngân luôn tự nhận rằng “tôi chưa tròn vai một người mẹ tốt”.
Chị Ngân Tòhe với nụ cười cởi mở và thân thiện |
Công việc ổn định, cuộc sống gia đình hạnh phúc và những gì Ngân đang có là giấc mơ của khá nhiều người, nhưng Ngân thì “luôn cảm thấy thiếu một điều gì đó trong tâm hồn”. Khoảng trống vô định trong tâm hồn người mẹ Phạm Thị Ngân vẫn luôn khắc khoải, day dứt…
Thế rồi, sau một vài dự án của công ty có liên quan đến trẻ em nghèo, khuyết tật, Ngân phát hiện những bức tranh do các em vẽ luôn rất hồn nhiên, tươi mới, khác hẳn với khó khăn các em phải đối mặt trong cuộc sống. Ngân bừng tỉnh: “Hóa ra, so với các con, chính tôi mới là người khuyết tật. Các con phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng vẫn vui tươi, sống hết mình, có thể toét miệng cười bất cứ lúc nào. Còn tôi, cuộc sống đủ đầy mà hiếm khi có được cảm giác tươi vui, lạc quan đến thế”.
Cách đây tròn 10 năm, vợ chồng Ngân sang thăm bảo tàng nghệ thuật ở Barcelona và bất chợt đọc được câu nói nổi tiếng của Picasso: “Tôi mất 4 năm để vẽ như Raphael, nhưng dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ”. Linh cảm của người mẹ mách bảo Ngân cần phải làm một điều gì đó để cả cộng đồng cùng nhìn ra vẻ đẹp trong những bức tranh của trẻ em thiệt thòi, khuyết tật thay vì để chúng chỉ là những tờ giấy lộn bị bỏ quên.
Năm 2009, doanh nghiệp xã hội Việt Nam mang tên Tòhe của vợ chồng Ngân ra đời với sứ mệnh mang tới trẻ em thiệt thòi một sân chơi với các hoạt động sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Tất cả các tác phẩm của trẻ em được chọn lọc, thiết kế và dùng làm họa tiết trang trí in trên các sản phẩm Lifestyle mang thương hiệu Tòhe và được phân phối tại thị trường Việt Nam và quốc tế.
Việc tử tế không trải hoa hồng
Gần chục năm nay, nhiều người Thủ đô đã không còn lạ lẫm với cửa hàng bán đồ handmade nhỏ trên phố Đỗ Quang chuyên bán các sản phẩm mang thương hiệu Tòhe. Sản phẩm Tòhe khai thác vẻ đẹp hồn nhiên, màu sắc tự do và trí tưởng tượng không giới hạn trong tranh trẻ em làm họa tiết trang trí. Với nguyên liệu thân thiện môi trường; thiết kế đơn giản, hiện đại; tinh thần hồn nhiên, ngây ngô như chính cách các em cảm nhận cuộc sống, Tòhe đã mang đến cho thị trường một sản phẩm độc đáo, sáng tạo.
Nhìn vào những thành quả ấy, chẳng ai biết vợ chồng Ngân đã phải đối mặt với những khó khăn chất chồng như thế nào. Để xây dựng Tòhe, Ngân đã phải đóng cửa công ty, dồn toàn bộ số tiền tích góp, bán nhà, bán xe… trong sự phản đối của gia đình, bạn bè.
10 năm Tòhe ra đời thì 8 năm bị thua lỗ, trong đó nặng nhất là năm 2012 lỗ tới 1,5 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 500 triệu. Đến năm 2015, Tòhe tạm hòa vốn và năm 2016 này doanh thu mới bắt đầu nhích dần, dẫu rằng vẫn còn rất khiêm tốn. Đã có lúc hai vợ chồng Ngân rơi vào trạng thái căng thẳng, stress nhưng Ngân không cho phép mình dừng lại, vì Ngân hạnh phúc khi nhìn những nụ cười hồn nhiên của trẻ khuyết tật. Hạnh phúc ấy không chỉ một mình Ngân cảm nhận, mà còn bao bà mẹ khác thấm thía.
Những nụ cười hồn nhiên của trẻ tại "ngôi nhà" Tòhe |
Cũng nhờ công việc ý nghĩa này, Ngân đã tìm được cảm giác yên bình trong tâm hồn. Ngân đã có thể dành nhiều thời gian hơn cho con thay vì chỉ biết lao vào công việc như trước. Hai con của Ngân luôn đi theo bố mẹ trên từng chặng đường, tham gia sáng tạo, chơi đùa hồn nhiên cùng các bạn nhỏ khuyết tật, thiệt thòi một cách bình đẳng và ấm áp. “Tôi tin mình đã gieo được vào lòng con những mầm thiện. Các con tôi cần hiểu, ý nghĩa cuộc sống không nằm ở việc mình kiếm được bao nhiêu tiền cho bản thân, mà là đem tới bao nhiêu nụ cười cho cộng đồng”- Ngân tâm sự.
Sau hơn 10 năm hoạt động, Tòhe đã có mặt tại hàng chục trung tâm bảo trợ xã hội, trường học ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, đem sân chơi nghệ sáng tạo tới với hơn 2000 em nhỏ mồ côi, khuyết tật, tự kỷ, dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn…
Cuộc đời con nở hoa, gương mặt mẹ ngời sáng
Ngân không gọi Tòhe là lớp học. Chỉ đơn giản là sân chơi nghệ thuật mà ở đó không có bất kỳ một rào cản nào ngăn trở trẻ em khuyết tật, thiệt thòi được sáng tạo. Các con có thể dùng cùi chỏ để ghì bút vẽ vì không có tay, các con có thể dùng chân để giữ giấy. Một bức tranh có thể là tác phẩm đồng sáng tạo của 2-3 bạn nhỏ, màu có thể lem, nét vẽ có thể ngô nghê và không theo bất cứ quy chuẩn nào…
Đến với sân chơi của Tòhe, các con được thỏa sức bay bổng trong vũ điệu của riêng mình |
Ở Tòhe, không có ranh giới xấu-đẹp, không ai đúng-sai, ai cũng có thể sáng tạo một cách phiêu nhất theo trí tưởng tượng bay bổng của mình. Trong không gian sáng tạo ấy, bé nào cũng hấp háy cười, đùa nghịch nhau, không ai sợ hãi, không ai sợ sai sót hay đi chệch quy tắc, chuẩn mực nào… Ngân và các mẹ có con tham gia dự án chỉ đồng hành bên ngoài, nhẹ nhàng cổ vũ các con. Đến với sân chơi của Tòhe, các con được thỏa sức bay bổng trong vũ điệu của riêng mình. Tôi nhận ra, đằng sau nụ cười thả ga của lũ trẻ là ánh mắt lấp lánh một tình yêu sống tha thiết của các mẹ không may mắn sinh con khuyết tật.
Ngân kể với tôi, có mẹ không thể ngờ rằng, có ngày, con lại được tham gia vào một sân chơi nghệ thuật bổ ích. Lại có mẹ từng khăng khăng nói rằng đứa con tự kỷ của mình chẳng biết làm gì hết. Để rồi con chị không chỉ vẽ tranh mà những bức tranh ấy còn được in lên vải và thiết kế thành các đồ lưu niệm đẹp mắt. “Tết năm ngoái, chúng tôi mang tới cho gia đình bé N-một em bé bị tự kỷ điển hình một khoản tiền thu được từ việc Tòhe sử dụng những bức tranh của bé đúng lúc cả nhà không còn đồng nào để đón Tết. Nhìn người mẹ mừng mừng tủi tủi, ngỡ ngàng vì con có thể làm ra tiền trợ giúp gia đình mà bao vất vả cực nhọc của tôi tiêu tan. Nhiều cháu, mỗi tháng có thể mang về nhà vài triệu đồng phụ bố mẹ”.
Tính đến nay, đã có hơn 500 bức tranh của các em nhỏ được sử dụng để in trên các sản phẩm từ thời trang, đồ dùng trẻ em, đồ dùng văn phòng, đồ lưu niệm, đồ gia dụng… Khách hàng có thể là bất cứ ai, từ già đến trẻ yêu thích sản phẩm handmade, trân trọng tinh thần nhân văn của Tòhe hay đồng cảm với những câu chuyện số phận trẻ thơ đằng sau từng sản phẩm. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm của Tòhe đã xuất khẩu sang Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc Ðức, Úc...
Qua sản phẩm Tòhe, Phạm Thị Ngân và những người chung tay sáng lập dự án mong muốn cổ vũ một thái độ sống hồn nhiên, vô tư, trong sáng; một tinh thần tương thân tương ái, bình đẳng, chân thành giữa mọi người trong xã hội. Một phần lợi nhuận được sử dụng để tiếp tục mở rộng chương trình lớp học sáng tạo và chương trình học bổng cho các em có năng khiếu.
“Chúng tôi sẽ mang sản phẩm Tòhe đến với tất cả mọi người như một nỗ lực phân phát và gieo trồng khắp nơi sự hồn nhiên, trong trẻo mà những người lớn chúng ta thật “thiệt thòi” khi cứ vô tình làm đánh mất đi giữa cuộc sống đầy áp lực mưu sinh. Thương hiệu Tòhe được đặt tên theo một loại đồ chơi dân gian truyền thống quen thuộc của trẻ em Việt Nam được làm bằng bột gạo và phẩm màu tự nhiên mà sau khi chơi xong các em còn có thể ăn được. Ý nghĩa của đồ chơi này rất gần với ý nghĩa của dự án là vừa tạo cơ hội cho các em vui chơi, vừa giúp các em được hưởng lợi từ các hoạt động vui chơi này”.