Cụ ông 88 tuổi làm giỗ chung 64 liệt sỹ Gạc Ma

3 năm nay, cứ đến ngày này cụ lại làm 1 mâm cỗ, đặt hướng ra biển để làm giỗ cho con trai cùng 63 đồng đội của con đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Cụ ông 88 tuổi làm giỗ chung 64 liệt sỹ Gạc Ma

Ba năm nay, năm nào cũng vậy, cụ Hoàng Dỏ (88 tuổi) ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) lại bày một mâm cỗ tươm tất lên chiếc bàn vuông đặt hướng ra biển để làm giỗ cho con trai cùng 63 đồng đội của con đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Mâm giỗ đặc biệt

Con trai cụ Dỏ là liệt sỹ Hoàng Văn Túy, hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Làm giỗ cho con, cụ Dỏ cũng làm giỗ cả 63 liệt sỹ còn lại. “Mấy anh em nó sống cùng nhau, chết cùng nhau nên mâm cơm giỗ đứa mô cũng phải về ngồi ăn chung với nhau”, cụ Dỏ tâm niệm.

Cụ ông 88 tuổi làm giỗ chung 64 liệt sỹ Gạc Ma ảnh 1

Mâm giỗ đặc biệt được bày đủ 64 bộ bát đũa và các lễ vật theo phong tục.

Tấm ảnh thờ liệt sỹ Túy được đặt ở bàn thờ trong gian giữa của ngôi nhà. Nhưng mâm cúng giỗ theo phong tục truyền thống ở địa phương được đặt ra giữa sân. Mâm cơm giỗ 64 liệt sỹ bao giờ cũng có đủ 64 cái bát và 64 đôi đũa.

Cụ ông 88 tuổi làm giỗ chung 64 liệt sỹ Gạc Ma ảnh 2

Tấm ảnh thờ liệt sỹ Hoàng Văn Túy được đặt ở bàn thờ trong gian giữa của ngôi nhà.

Khi các con đang bày mâm cúng theo nghi lễ, cụ Dỏ kể, cuối năm 2012, cụ được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về thăm và tặng 20 triệu đồng, rồi Tập đoàn Cao su Việt Nam tặng cụ 10 triệu đồng. “Cầm ba chục triệu, trong bụng tui cứ thấy lấn cấn răng răng. Người ta cho vì con mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nhưng không phải chỉ có con mình hy sinh mà còn có 63 người khác nữa. Không biết những gia đình đó có được quan tâm như mình không?”, cụ Dỏ băn khoăn.

Cụ ông 88 tuổi làm giỗ chung 64 liệt sỹ Gạc Ma ảnh 3

“Mấy anh em nó sống cùng nhau, chết cùng nhau nên mâm cơm giỗ đứa mô cũng phải về ngồi ăn chung với nhau”, cụ Dỏ tâm niệm.

Cuối tháng giêng năm 2013, như mọi năm gia đình cụ lại chuẩn bị cho ngày giỗ của liệt sỹ Hoàng Văn Túy. Và sau nhiều đêm suy nghĩ, cụ đi đến quyết định dùng số tiền của các tổ chức từ thiện tặng để làm một ngày giỗ chung cho tất cả 64 liệt sỹ. “Ba năm ni, năm mô cũng rứa, tui đều đặt đủ 64 bộ bát đũa lên bàn cúng mỗi khi làm giỗ cho con và 63 liệt sỹ khác”, cụ Dỏ nghẹn giọng nói.

Liệt sỹ Hoàng Văn Túy là con thứ tư của cụ Dỏ. Hiện tại cụ sống cùng với gia đình người con trai út là anh Hoàng Văn Vũ. Anh Vũ làm nghề đi biển nên cuộc sống gia đình rất bấp bênh. “Mình nghèo thì làm mâm giỗ theo kiểu nghèo, có cái gì thì mình mời cái đó. Chỉ cần các liệt sỹ biết cái tình của gia đình tui rứa là được”, anh Vũ tâm sự.

Hướng về phía biển

Sau khi bày tươm tất các lễ vật, cụ Dỏ ra bàn cúng giữa sân thắp hương. Mắt cụ đã mờ, chân cụ đã yếu và lưng đã còng nên cụ bước đi khá khó nhọc. Cụ múc từng thìa cháo trắng đổ lần lượt vào 64 cái bát, mắt rơm rớm nhìn về phía biển và đọc lời khấn: “Hôm nay là tròn 28 năm các con nằm lại giữa biển khơi. Các con đã anh dũng hy sinh để bảo Tổ quốc. Ba không có chi hơn, chỉ có ba chén rượu lạt cùng ít lễ vật, thắp nén hương thơm lên đây mời các con cùng về dự...”.

Cụ ông 88 tuổi làm giỗ chung 64 liệt sỹ Gạc Ma ảnh 4

Cụ Dỏ thắp hương khấn và mời con trai và 63 liệt sỹ Gạc Ma về ăn giỗ.

Vừa dứt lời khấn, cụ Dỏ bật khóc. Cụ như muốn ngã khụy giữa sân. Mọi người vội chạy lại đỡ cụ vào nhà. “Dù sức khỏe đã yếu lắm, nhưng năm nào cụ cũng muốn được tự tay thắp cho con và 63 liệt sỹ nén hương. Mỗi lần như thế, cụ đều bật khóc”, anh Vũ mủi lòng.

Ngôi nhà của cụ Dỏ nằm cách bờ biển chỉ khoảng vài chục mét. Mâm cúng giữa sân cũng được cụ Dỏ bảo con cháu đặt xoay về hướng biển. Dù theo tục lệ người ta thường đặt bàn cúng theo hướng Tây Nam. “Chỉ khi đặt bàn giỗ cho anh Túy và những liệt sỹ Gạc Ma cụ mới bắt con cháu đặt bàn theo hướng Đông như thế. Những ngày giỗ khác trong nhà, kể cả giỗ của mẹ anh, cụ Dỏ đều đặt lại hướng Tây Nam. Nhiều người trong nhà thắc mắc thì được cụ nói rằng, đặt bàn cúng như thế là để hướng về nơi các con đang nằm lại giữ biển khơi”, anh Vũ kể.

Dù không thể đưa được con về với đất mẹ, gia đình cụ Dỏ vẫn lập một ngôi mộ gió cho con tại nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Ninh.

Anh Vũ cho biết thêm, người anh trai của mình là Hoàng Văn Túy nhập ngũ năm 1985. Trước khi hy sinh, anh Túy được về ăn tết với gia đình hai ngày. Anh Túy nói với cụ Dỏ rằng chỉ khoảng ba tháng nữa là sẽ được ra quân nhưng chưa đầy một tháng sau, anh đã hy sinh tại Gạc Ma.

Sau ngày anh Hoàng Văn Túy hy sinh, cứ chiều chiều người ta lại thấy hình ảnh cụ Dỏ đi ra bờ biển đầu làng, đôi mắt ngấn lệ nhìn thẳng ra hướng Trường Sa…

Theo Dân Trí

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).