Khoảng 16h30 ngày 19/1, các lực lượng quản lý hồ Gươm đã phát hiện cụ rùa hồ Gươm chết và nổi ở trong hồ gần khu vực đường Lê Thái Tổ.
Đây là một tin rất đáng buồn đối với nhiều người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung, bởi hình ảnh "cụ rùa" và Hồ Gươm từ lâu nay vẫn gắn bó với những hoài niệm về một Hà Nội giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội.
PGS.TS Hà Đình Đức trong một lần tiếp cận, chăm sóc cụ rùa Hồ Gươm (Ảnh Hà Đình Đức)
PGS.TS Hà Đình Đức, người nhiều năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm cho biết, cá thể rùa duy nhất tại Hồ Gươm là loài đặc biệt quý hiếm, trên thế giới chỉ có 4 cá thể, trong đó 1 ở Hồ Gươm, 1 ở Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và 2 cá thể ở thượng Hải (Trung Quốc).
Được biết, lần nổi lên gần đây nhất của cụ rùa Hồ Gươm là vào trưa ngày 21/12/2015. Khi đó, "cụ" rùa nổi lên ở gần khu vực đối diện đường Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ở lần đó, cụ rùa nổi trong hơn hai tiếng từ 10h sáng đến hơn 12h. Ở lần nổi lên cuối cùng ngày, "cụ" xuất hiện với mai bóng nhẫy, trơn mượt.
Năm 2011 cụ rùa được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trên thân trong hơn ba tháng. Khi đó cụ có chiều dài toàn thân là 185 cm, chiều rộng mai 100 cm, chiều dài đuôi là 35 cm, nặng 169 kg.
Trước đó, báo giới trong nước đã từng đưa thông tin về tuổi của cụ rùa. Tuy nhiên, các thông tin chưa nhất quán. Trong đó, có thông tin nói rằng cụ rùa đã 700 tuổi song cũng lại có thông tin cho rằng cụ rùa chỉ mới hơn 100 tuổi.
Trong bài viết có tựa đề "“Giáo sư rùa” Hà Đình Đức" đăng trên tờ Người Lao Động có viết: "Theo nghiên cứu của PGS Hà Đình Đức, cụ rùa Hồ Gươm ước đã 700 tuổi, nặng chừng hai tạ".
Thế nhưng, tháng 4/2011, hội đồng chữa trị cho cụ rùa Hồ Gươm đã tiến hành phân tích ADN cho cụ rùa và khẳng định, rùa Hồ Gươm là rùa cái, tuổi thọ có thể hơn 100 năm.
TS Bùi Quang Tề (trưởng nhóm chẩn đoán và chữa trị rùa Hồ Gươm) thông tin trên tờ Tuổi Trẻ sau khi tiến hành phân tích ADN cho cụ Rùa như sau:
"Qua lấy mẫu phân tích, có thể khẳng định rùa Hồ Gươm là một loài mới khác hoàn toàn với loài rùa Thượng Hải, đồng thời cũng không cùng loài với rùa Đồng Mô".
Các nhà khoa học của Viện Công nghệ Sinh học khẳng định trên tờ Tiền Phong: "Cụ rùa hiện sống tại Hồ Hoàn Kiếm là cùng loài với rùa thu thập tại Quảng Phú (Thanh Hóa), Suối Hai, Hương Ký (Hà Nội), đây là loại rùa lớn mai mềm nước ngọt đặc hữu của Việt Nam.
Liên quan đến việc xử lý thi thể cụ rùa sau khi qua đời, TTXVN đưa tin, ngay khi nhận được nguồn tin của Ban quản lý Hồ Gươm thông báo cụ Rùa hồ Gươm đã chết nổi trên mặt nước, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm cử cán bộ ra tận hiện trường để làm các thủ tục liên quan.
UBND thành phố cũng quyết định chuyển xác cụ Rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Cũng theo UBND thành phố Hà Nội, cụ rùa chết là do quy luật tự nhiên "sinh-lão-bệnh-tử", đặc biệt là dịp này thời tiết xấu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cụ rùa ra đi.
Theo Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm, sau khi phát hiện rùa đã chết, các nhân viên của Ban quản lý cùng với một số người dân đưa “cụ” vào bờ, vệ sinh và chờ làm các thủ tục để bảo quản và có thể xem xét nghiên cứu, ướp xác.
Vân Trang