Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đánh giá đạt tiêu chuẩn tiến tiến của thế giới, hiện đại nhất Việt Nam thời điểm hiện nay, tuyến đường này góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông các tỉnh phía Bắc.
Nhưng từ khi chính thức thông xe đi vào hoạt động, tuyến đường này luôn trong tình trạng vắng khách và được nhiều người gọi là “đường dành cho nhà giàu” vì mức phí được thu quá cao.
Mặc dù, mức phí đường cao tốc này đang được đánh giá là thu quá cao, nhưng đến ngày 1/4, Bộ GTVT lại tiếp tục tăng phí đường cao tốc này khiến cho nhiều lái xe bức xúc.
Liên quan tới vấn đề này, chiều ngày 28/3, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Ngày1/4, tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, theo Thông tư của Bộ Tài Chính ban hành, lẽ ra phí cao tốc này đã tăng lâu rồi.
Vì cao tốc này chưa ổn định được lượng xe nên chia thành hai nấc, nấc 1 giá trần do Bộ Tài Chính thu là 2.000 đồng/km nhưng do mức thu này cao, chưa hấp dẫn nên mới để mức thu hiện tại là 1.500 đồng/1km. Khi cao tốc này ổn định được dòng xe rồi thì điều chỉnh nấc 2 thu là 2.000 đồng/1km”.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Đề cập đến mức tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được áp dụng cho những dòng xe nào, ông Nguyễn Hồng Trường cho hay: “Mức thu này là của dòng xe tiêu chuẩn, còn dòng xe từ 40 feet trở lên thì lại giảm xuống 25% để thu hút xe container vào đường cao tốc. Xe 4 chỗ và xe du lịch được thu tăng lên để phù hợp với Thông tư quy định”.
Trước những phản ánh của người dân về việc cao tốc này tăng phí quá cao khiến cho việc đi lại của người dân gặp bất cập như: tiền xăng còn rẻ hơn tiền phí cao tốc, ông Nguyễn Hồng Trường lý giải: “Thực ra, người dân nói tiền phí cao hơn tiền xăng cũng phải xem xét một cách đầy đủ. Đối với tuyến đường QL5 cũ việc thu phí hiện nay Bộ Tài Chính đều đã đưa ra các mức giá trần tương đương tương nhau khoảng 35 nghìn đồng cao nhất là 45 nghìn đồng.
Đối với QL5 các dòng xe container chỉ giảm chứ không có tăng như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chỉ tăng đối với xe 4 chỗ và xe 7 chỗ vì những xe này thường chỉ đi du lịch là chủ yếu”.
Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT
“Những xe kinh doanh vận tải như xe khách phí tăng lên cũng không đáng kể vì có tăng lên thì cũng sẽ chia ra cho số khách ngồi trên xe nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà xe”, ông Nguyễn Hồng Trường nói.
Nhắc tới việc tăng phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khiến con đường này vắng khách vì được gọi là đường dành cho nhà giàu, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm: “Về mức giá Bộ GTVT đã trình Bộ Tài Chính, trong việc xây dựng phương án tài chính phải thực hiện đúng thì mới hoàn vốn được cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải luôn luôn thực hiện việc thu hút được lượng xe vào tuyến đường đó, mức phí phải phù hợp với thị trường”.
“Việc tăng phí này, theo nhu cầu của người sử dụng, nếu tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lên mà vắng xe thì sẽ điều chỉnh giảm xuống”, ông Nguyễn Hồng Trường chia sẻ.
Được biết, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km, điểm đầu giao cắt với vành đai 3 (cách cầu Thanh Trì 1 km về phía Bắc Ninh) thuộc phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội); điểm cuối dự án tại cảng Ðình Vũ (quận Hải An, TP Hải Phòng); có tổng vốn đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam đầu tư.
Được khởi công vào năm 2008, chủ đầu tư đã giải phóng 1.430 ha đất, bao gồm 115 ha đất thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp liên quan 47.000 hộ dân; xây dựng 39 khu tái định cư cho 2.600 hộ dân.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại. Trên tuyến có 39 vị trí giao cắt là cầu vượt hoặc hầm chui, 106 cống dân sinh và 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương. 9 cầu lớn vượt sông với tổng chiều dài 4,5 km, trong đó có cầu Lạch Tray dài 1,2km, cầu Thái Bình dài 822 m, cầu Thanh An dài 963m. Cao tốc đi qua 4 khu vực dân cư có bố trí hệ thống cách âm để giảm tiếng ồn.
Thế Anh