Ngày 21/2, trao đổi sau lễ ký biên bản tiếp nhận 21 ha đất từ Bộ Quốc phòng để mở rộng Tân Sơn Nhất, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh nhắc lại hiện trạng sân bay đang bị quá tải từ trên không, khu bay vào đến nhà ga và cả các tuyến đường bên ngoài.
"Việc Bộ Quốc phòng bàn giao 21 ha đất để phục vụ hàng không dân dụng là một trong những giải pháp bổ sung cấp bách để giải tỏa tình trạng ùn tắc hiện nay khi sân bay Long Thành chưa hoàn thành. Đây cũng là cơ hội tiếp tục nâng cao năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất", ông Thanh nói.
Ngoài ra, Chính phủ đang giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu việc điều chỉnh quy hoạch cảng này để giải quyết tình trạng quá tải. Yêu cầu đặt ra là phải đồng bộ, kể cả về khu bay, hệ thống nhà ga, hệ thống đường giao thông tiếp cận.
"Tất cả các phương án, kể cả phương án thu hồi đất quân sự ở phía Bắc sân bay, trong đó có 127 ha sân golf để phục vụ cho hàng không dân dụng đều đang được đơn vị tư vấn tính toán", ông Thanh nói và cho biết tất cả các phương án đều được đặt ra để xem xét, làm sao vừa tăng năng lực cho sân bay Tân Sơn Nhất, vừa đảm bảo đồng bộ đến khi hoàn thành sân bay Long Thành.
"Phải tính toán mọi khía cạnh về hiệu quả đầu tư, thời gian thực hiện... Tất cả sẽ được đề cập đến trong đồ án điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ sắp tới", ông nói.
Về kế hoạch sử dụng diện tích vừa tiếp nhận, người đứng đầu Cục hàng không Việt Nam cho biết, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam triển khai lập dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp để có thể đưa toàn bộ 21 ha sân đỗ hàng không dân dụng này vào phục vụ trước Tết Nguyên đán 2018.
Hiện, một trong những điểm nghẽn của sân bay Tân Sơn Nhất chính là năng lực thông quan của khu bay, từ đó gây ách tắc ở vùng trời của sân bay. "Ngoài việc thêm được 30-25 vị trí đậu tàu bay còn thêm đường lăn trên sân đỗ, tạo điều kiện giải thoát nhanh tàu bay trên khu bay", ông Thanh lý giải.
Liên quan đến 127 ha đất trong sân bay Tân Sơn Nhất thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng đang làm sân golf, tại buổi làm việc hồi tháng 8/2016 của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn khẳng định: "Đất đó Bộ Quốc phòng được Thủ tướng cho phép làm sân golf cho sạch sẽ chứ nó vẫn thuộc đất dự trữ của quốc gia, quốc phòng. Khi cần thiết Nhà nước có thể thu hồi bất cứ lúc nào".
Cũng theo thứ trưởng Trần Đơn, xung quanh sân golf đã được bố trí các đơn vị phòng không để bảo vệ sân bay. Thời gian tới Bộ Quốc phòng sẽ quy hoạch lại cụm sân bay để bố trí các đơn vị đóng quân theo hướng tinh gọn, văn minh hơn nhưng vẫn đảm bảo đủ đất đai để phát triển.
Làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng ngày 20/1, đơn vị tư vấn là Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) - thuộc Quân chủng Phòng không Không quân - đã trình 3 phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Phương án 1: Xây mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía Bắc cảng hàng không và giải phóng thêm các khu vực dân cư xung quanh. Phương án này có thể nâng công suất sân bay lên khoảng 60 triệu khách một năm, song mất 10-15 năm xây dựng và giải toả hơn 140.000 hộ dân. Chi phí dự kiến khoảng 200.000 tỷ đồng. Phương án 2: Xây đường lăn song song, các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh hiện nay và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh, cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay; xây nhà ga lưỡng dụng T3 và T4. Phương án này cần 61.000 tỷ đồng, thời gian từ 8-10 năm, nâng công suất sân bay lên khoảng 43-45 triệu hành khách mỗi năm. Phương án 3: Xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách một năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách một năm ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay. Phương án này sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên chi phí khoảng 19.700 tỷ đồng, thời gian 3 năm, đảm bảo công suất từ 43-45 triệu hành khách một năm. Phó thủ tướng đã chọn phương án 3. |