Là 1 trong 4 đơn vị tuyến Trung ương được giao nhiệm vụ hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm PCR đối với khoảng 75.000 mẫu từ toàn bộ người đi Đà Nẵng và các tỉnh, thành có dịch trở về, chỉ trong hai tuần vừa qua (từ ngày 8/8 đến nay), Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện hơn 10.000 mẫu xét nghiệm PCR.
Trong khoảng thời gian đó, nhiều cán bộ và nhân viên của khoa Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm và Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi Trung ương luôn phải làm việc và túc trực 24/24 giờ tại Bệnh viện. Thậm chí, họ còn không rõ ngoài trời là ban ngày hay đêm khuya, tất cả làm việc hăng say với mục tiêu đưa ra những kết quả PCR của bệnh nhân một cách sớm nhất và chính xác nhất, để các đơn vị liên quan có thể nhanh chóng cô lập nguồn lây có cơ hội phát tán virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên, TS Phùng Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm chia sẻ, đơn vị của chị công tác chưa bao giờ phải nhận thực hiện khối lượng khổng lồ như thế.
“Đơn vị có 11 người, theo năng lực được phân công nhiệm vụ, chúng tôi thực hiện khoảng 500 xét nghiệm/ngày. Tuy nhiên, những ngày đầu sau khi nhận nhiệm vụ hỗ trợ Hà Nội, mỗi ngày chúng tôi nhận tới 1.000 – 1.500 mẫu, những ngày tiếp theo, có ngày nhận tới 2.000 mẫu. Công việc dồn dập và đòi hỏi phải có kết quả nhanh, chính xác nên chúng tôi đã làm việc không biết đâu là ngày là đêm. Do tính chất công việc, chúng tôi cũng phải mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang 3M liên tục nên vô cùng khó chịu. Nhưng vì đã xác định tâm lý ngay từ đầu nên mỗi người đều rất trách nhiệm và hăng say với công việc”, chị Thủy chia sẻ.
Các cán bộ xét nghiệm làm việc không kể ngày hay đêm để đưa ra những kết quả sớm và chính xác nhất. Ảnh: VGP/Vũ Khoa |
Ths. Khúc Thị Rềnh Hoa, nhân viên của khoa Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm cũng trải lòng, khi nhận được thông tin phải thực hiện 10.000 xét nghiệm PCR, mọi người có nhiều băn khoăn. “Trước khi nhận nhiệm vụ, tôi đã xin phép lãnh đạo Bệnh viện về thăm con nửa ngày, sau đó chuẩn bị đồ dùng cá nhân để vào viện. Mấy ngày đầu, chúng tôi làm việc rất hăng say và vui vẻ, nhiều hôm làm tới 12-1h đêm là bình thường, vì anh em rất phấn khích rằng mình đang làm công việc mà người dân đang mong chờ. Tuy nhiên, mấy ngày sau đó, số lượng mẫu xét nghiệm về hàng nghìn mẫu, thì mọi người bắt đầu thấm mệt. Rất may, trong phòng có người đã “kéo” chúng tôi lên khi phá vỡ khoảng lặng đó rằng “cố gắng lên, ngày mai chúng ta sẽ khỏe lại”. Rồi lãnh đạo Bệnh viện và lãnh đạo khoa cùng xuống tận nơi để động viên chúng tôi, chờ chúng tôi để cùng ăn cơm tối khi đã rất muộn… Những sự động viên ân cần đó đã tiếp sức cho chúng tôi cùng nhau cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Cũng như nhiều nhân viên khác, chị Hoa có con nhỏ năm nay mới vào lớp 1 – chặng đường quan trọng trong quãng đời đi học của con, nhưng chị đã dành thời gian bên con để ở lại Bệnh viện cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Chị gửi con về quê và cũng không có nhiều thời gian để điện thoại trò chuyện với con. Mỗi lần gọi được cho con, chị đã quen với câu trả lời khi con hỏi bao giờ mẹ mới về, “bao giờ hết dịch mẹ sẽ về với con”.
“Người thân gọi điện hỏi thăm, mình còn nói đùa rằng, gia đình "giải tán" rồi, vì đúng là mỗi người một nơi, con gửi ở quê, chồng đi làm, còn mình thì ở viện suốt”, chị Hoa bông đùa kìm nén xúc động.
Bên cạnh việc tiếp nhận hàng nghìn xét nghiệm COVID-19 của Hà Nội thời gian qua, Bệnh viện vẫn phải thực hiện xét nghiệm các mẫu thường quy của bệnh nhân tới khám, khoảng 300-400 mẫu/ngày.
Việt Nam đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR. Ảnh: VGP/Vũ Khoa |
“Với khối lượng khổng lồ, ngoài làm máy, để đảm bảo tiến độ, các cán bộ y tế của Khoa phải thực hiện tách mẫu bằng tay. Tuy nhiên, tốc độ thủ công này không kém gì máy. Nếu 1 tiếng rưỡi máy cho ra 88 mẫu thì thao tác bằng tay ra được 96 mẫu. Thậm chí, do thao tác quá nhiều, bật nắp hàng loạt ống tuýp nhỏ nên tay ai cũng đau, phồng rộp. Có người còn chảy máu, bung cả móng tay”, TS Phùng Thị Bích Thủy kể lại.
Điều dưỡng Hồ Bích Thuỷ, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, người tiếp xúc gần trực tiếp (lấy mẫu) các mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, cũng chia sẻ, chị cùng với đồng nghiệp mặc kín mít từ đầu đến chân, thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm liên tục trong nhiều ngày, có những lúc thấm mệt, không còn muốn ăn.
Trong cuộc chiến với dịch COVID-19, có rất rất nhiều người vất vả thầm lặng giống như những cán bộ y tế làm xét nghiệm ở Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng họ vẫn luôn khiêm tốn rằng, đó là nhiệm vụ và trách nhiệm mà mình và đồng nghiệp được giao phó, nếu so với góc độ của gia đình thì không tránh được những thiệt thòi.
“Khó khăn, vất vả với chúng tôi rồi vẫn qua, nhưng về phía gia đình cũng có những thiệt thòi khác nhau. Đa phần các nhân viên của khoa trẻ, có con nhỏ nên phải gửi. Chúng tôi đã không gặp con trong 2 tuần liên tục. Có trường hợp gửi con về Hải Dương, giờ thành khu vực cách ly nên thời gian xa con lại càng lâu hơn”, chị Phùng Thị Bích Thủy xúc động.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau khi được phân công nhiệm vụ, Bệnh viện Nhi Trung ương đã huy động toàn bộ cán bộ nhân viên khoa Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm trải qua những ngày “không ngủ” để đưa những kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác nhất. Bệnh viện cũng đã huy động các bộ phận khác như công nghệ thông tin, nhà bếp… hỗ trợ bộ phận xét nghiệm. Thực tế đã cho thấy, những vất vả trong công việc, những nỗi niềm riêng tư đã không làm “chùn chân” những chiến sĩ y tế ở mặt trận xét nghiệm COVID-19. Tới thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi Trung ương đã hoàn thành hơn 10 nghìn mẫu xét nghiệm PCR từ Hà Nội gửi về.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tính từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến 15h ngày 24/8, Việt Nam đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR. Riêng trong ngày 24/8 đã thực hiện 11.698 mẫu.
Trong vòng 1 tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4/2020. Số lượng xét nghiệm trong gần 1 tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu.
Cụ thể, giai đoạn thứ nhất từ 22/1 đến 5/3 xét nghiệm 3.094 (44 ngày, tương đương 70 mẫu/ngày); giai đoạn thứ hai từ 6/3 đến 22/4, xét nghiệm 182.109 (47 ngày, tương đương 3.874 mẫu/ngày); giai đoạn thứ ba từ 23/4 đến 23/7, xét nghiệm 237.815 (91 ngày, tương đương 2.613 mẫu/ngày; giai đoạn thứ tư từ 24/7 đến nay xétnghiệm 485.215 xét nghiệm (30 ngày, gần 16.173 mẫu/ngày)
Hiện toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).