Cuộc nổi dậy của Wagner khiến ông Tập 'đau đầu'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là một độc giả cuồng nhiệt của cuốn "Quân vương" của Machiavelli. Trong cuốn sách được viết cách đây 5 thế kỷ, nhà triết học người Ý lập luận rằng "thà sợ hãi còn hơn được yêu mến".
Cuộc nổi dậy của Wagner khiến ông Tập 'đau đầu'

Nhưng đoạn văn phù hợp nhất với Putin có thể là như sau: "Lính đánh thuê và phụ tá là vô dụng và nguy hiểm ... vì lính đánh thuê là những kẻ chia rẽ, khao khát quyền lực, vô kỷ luật và không trung thành".

Cuộc nổi dậy vũ trang do tập đoàn quân sự tư nhân Wagner tiến hành dù không đe dọa tới chính quyền Tổng thống Putin, nhưng sự chấm hết của cuộc nổi dậy có thể chỉ là khúc dạo đầu cho sự hỗn loạn hơn là sự trở lại bình thường ở Nga.

Bất kỳ "cú đánh" đáng kể nào giáng xuống quyền lực của ông Putin chắc chắn sẽ có những tác động nghiêm trọng đối với bối cảnh địa chính trị. Đặc biệt, nó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh đã bị rung chuyển bởi binh biến Wagner, ít nhất là trong thời gian đầu. Chính phủ Trung Quốc giữ im lặng về cuộc binh biến, do chỉ huy lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin phát động vào ngày 23/6, cho đến đêm ngày 25/6, khi có thông tin rõ ràng rằng Prigozhin đã hủy bỏ cuộc hành quân về Moscow. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ sự ổn định ở Nga.

Có vẻ như các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục thảo luận về mối quan hệ với Nga sau cuộc nổi loạn. Cuối cùng, chính quyền Bắc Kinh quyết định duy trì và làm sâu sắc thêm hợp tác quân sự của nước này với Nga.

"Điều mong muốn là hai bên sẽ tăng cường liên lạc ở tất cả các cấp, tổ chức các cuộc tập trận chung, tuần tra và diễn tập mô phỏng một cách thường xuyên", Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc nói với Đô đốc Nikolai Yevmenov, người đứng đầu Hải quân Nga, tại chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 3/7.

Việc xử lý cuộc chiến tại Ukraine của ông Putin đã bị hủy hoại bởi một loạt sai lầm và được coi là nguyên nhân cho cuộc nổi loạn Wagner. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc hẳn đã rất đau đầu, nhưng Bắc Kinh có rất ít lựa chọn ngoài việc ủng hộ Nga.

Tuy nhiên, việc đứng về phía Moscow cũng có những ưu điểm riêng. Để đổi lấy việc thành lập một liên minh, Trung Quốc đã giành được những nhượng bộ ngoại giao quan trọng từ Putin, bao gồm cả việc sử dụng cảng ở Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga làm trung tâm trung chuyển cho hệ thống thương mại nội địa.

Vladivostok là lãnh thổ của Trung Quốc cho đến khi nó được nhượng lại cho Đế quốc Nga vào năm 1860 theo Công ước Bắc Kinh, cùng với toàn bộ vùng Ngoại Mãn Châu. Vào tháng 6, người Trung Quốc đã được tiếp cận cảng Vladivostok lần đầu tiên sau khoảng 160 năm.

Trung Quốc cũng đang thâm nhập sâu hơn vào Trung Á, nơi luôn được coi là "sân sau" của Moscow. Ông Tập đã chủ trì khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á, với sự tham gia của 5 nước Trung Á, từ ngày 18-19/5.

Một chuyên gia về ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc đã hạn chế tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia Trung Á do còn e dè Putin, nhưng giờ đây họ không cần phải cảm thấy bị ràng buộc như vậy”.

Tuy nhiên, nếu khả năng lãnh đạo của ông Putin bị suy yếu đáng kể, điều đó sẽ gây ra ít nhất hai hậu quả lớn đối với Trung Quốc. Dù bằng cách nào, Bắc Kinh sẽ chịu nhiều tổn thất chiến lược hơn là lợi ích.

Thứ nhất, bất ổn chính trị ở Nga có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Trung Quốc và Liên Xô đã có một loạt các cuộc giao tranh biên giới vào cuối những năm 1960. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, hai bên đã tăng cường đàm phán để giải quyết tranh chấp, ký kết một hiệp ước cuối cùng đã giải quyết được vấn đề vào năm 2008.

Thỏa thuận đã loại bỏ các điểm nóng phía bắc đối với Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh tập trung vào việc mở rộng chiến lược bành trướng trên Biển Hoa Đông, Biển Đông và phía nam Thái Bình Dương.

Ông Toshi Yoshihara, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách có trụ sở tại Washington, cho biết: “Việc Trung Quốc chuyển hướng sang vùng biển châu Á và xa hơn nữa là tiền đề một phần cho sự ổn định dọc biên giới phía bắc trên đất liền của nước này”.

"Nếu Nga trở thành một khu vực gây bất ổn, thì Bắc Kinh sẽ phải chuyển sự chú ý sang biên giới lục địa của mình với cái giá phải trả là gác lại các ưu tiên hàng hải và hàng không vũ trụ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", ông Yoshihara nhận định.

Thứ hai, sự bất ổn tại Moscow có thể sẽ có tác động lớn đến chiến lược của Trung Quốc với Mỹ. Ông Tập đang theo đuổi mục tiêu dài hạn là định hình lại trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo, với hy vọng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2050.

Trung Quốc coi Nga là một đối tác quan trọng trong hành trình giành quyền bá chủ toàn cầu. Trên thực tế, Bắc Kinh không có bất kỳ đồng minh nào khác trong số các nước lớn. Nếu Nga mất đi một số quyền lực, ảnh hưởng ngoại giao của nước này sẽ bị xói mòn, mặc dù Nga vẫn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là một cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất đối với Tập sẽ là sự sụp đổ của Putin.

Junhua Wu, giám đốc nghiên cứu và nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Nhật Bản, cho biết: “Điều cuối cùng mà ông Tập muốn là sự sụp đổ của Putin. Không có gì đảm bảo rằng chính quyền Putin sẽ bị thay thế bởi một chính phủ thân Trung Quốc, cũng như sự sụp đổ của ông ấy sẽ không gây ra sự sụp đổ của nước Nga".

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.