Vì sao Trung Quốc trải thảm đỏ đón Thống đốc Okinawa?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đó là ngày 5/7 tại Bắc Kinh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đang tiếp phái đoàn từ Nhật Bản do một cựu Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, người cũng từng là Ngoại trưởng, dẫn đầu.
Vì sao Trung Quốc trải thảm đỏ đón Thống đốc Okinawa?

Nhưng chính Thống đốc Okinawa Denny Tamaki chứ không phải Chủ tịch Hạ viện Kono Yohei mới là người được vinh danh trong một buổi chụp ảnh. Tại thời điểm đó, ông Tamaki đứng bên trái ông Lý Cường, trong khi ông Kono đứng bên phải, một vị trí nói lên nhiều điều về ý định của Trung Quốc.

Chuyến thăm của Thống đốc Tamaki tới Bắc Kinh cũng như Phúc Châu, trên bờ biển của tỉnh Phúc Kiến đối diện với Đài Loan, đã khiến cộng đồng "không gian quan điểm riêng tư" của Trung Quốc xôn xao với những câu hỏi về "sự độc lập của Okinawa".

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đang tranh luận về nền độc lập của "Ryukyu" (Lưu Cầu), tên gọi cũ của quốc gia Lưu Cầu nay là quần đảo Okinawa. Họ nhận định rằng diễn biến cuộc gặp đã mang lại cho Trung Quốc một chiến thắng to lớn.

Tại Trung Quốc, "không gian quan điểm riêng tư" bao gồm các bài báo, bình luận và hình ảnh trên internet nhà nước chấp nhận.

Một chuyên gia hiểu biết về quan hệ Trung-Nhật, bao gồm cả việc Okinawa thúc đẩy trao đổi khu vực, cho biết Trung Quốc trải thảm đỏ đón Thống đốc Tamaki theo sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường.

Nguồn tin cho biết: “Có thể nói rằng vị khách danh dự thực sự không phải là Chủ tịch Hạ viện Kono Yohei mà là Thống đốc Tamaki, người đã bày tỏ sự phản đối đối với các chính sách an ninh của chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio liên quan đến Đài Loan".

Ông Tamaki là thành viên của phái đoàn Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Quốc tế Nhật Bản. Trong khi ông Kono là chủ tịch của tổ chức thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Mặc dù Tập không gặp Tamaki, nhưng Lý Cường đã đối đãi cả Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản và Thống đốc Okinawa như hai quan chức ngang hàng. Rất hiếm khi thống đốc một tỉnh của Nhật Bản có thể gặp Thủ tướng Trung Quốc.

Ông Lý là một trong những phụ tá thân cận nhất của Chủ tịch Tập, từng là thư ký của Tập khi cả hai công tác tại tỉnh Chiết Giang. Chỉ có ông Tập xếp trên Lý trong hệ thống cấp bậc của đảng.

Hai người bị ràng buộc bởi mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, khác hẳn với mối quan hệ giữa Tập và thủ tướng tiền nhiệm Lý Khắc Cường, người đã cạnh tranh với Tập cho vị trí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trước đại hội đảng toàn quốc năm 2007.

Vì vậy, điều quan trọng là ông Lý Cường không chỉ gặp Tamaki, mà còn coi trọng vị Thống đốc hơn Chủ tịch Hạ viện Kono. Vị trí chụp ảnh gợi nhớ đến cách Mao Trạch Đông sắp đặt các phụ tá khi chụp.

Trong nhiều bức ảnh, hoặc cựu Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, người đã chết trong cuộc Cách mạng Văn hóa 1966-1976, hoặc cựu Thủ tướng Chu Ân Lai đứng bên trái Mao.

Vị trí sắp xếp này cũng phổ biến trong quan niệm chính trị của Trung Quốc cổ đại, khi chính quyền sẽ gồm hai vị tả và hữu thừa tướng, bên tả thường có vị thế cao hơn bên hữu.

Vì sao Trung Quốc trải thảm đỏ đón Thống đốc Okinawa? ảnh 1

Ông Kono Yohei, hàng trước bên trái, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Quốc tế Nhật Bản, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thống đốc Okinawa Denny Tamaki tại Bắc Kinh vào ngày 5/7. Ảnh: Kyodo

“Có vẻ như việc Thủ tướng Lý Cường gặp Thống đốc Tamaki đã được quyết định từ rất sớm", một nguồn tin quen thuộc với quan hệ giữa Okinawa và Trung Quốc cho biết. "Có thể nói rằng quyết định được đưa ra phù hợp với mong muốn của nhà lãnh đạo cao nhất".

Việc Thủ tướng Trung Quốc gặp Thống đốc Tamaki cũng có thể là màn thứ hai của một bộ phim truyền hình dài tập do Bắc Kinh đạo diễn. Lần đầu tiên xảy ra vào ngày 1/6, khi Tập Cận Bình kiểm tra Cơ quan Lưu trữ Văn hóa và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc ở ngoại ô Bắc Kinh. Tại buổi làm việc, ông Tập đề cập đến lịch sử trao đổi văn hóa và thương mại giữa thành phố Phúc Châu của tỉnh Phúc Kiến và Vương quốc Lưu Cầu.

Vương quốc Lưu Cầu tồn tại trong 450 năm, từ 1429 đến 1879, có quan hệ sâu sắc với Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Tập từng công tác tại Phúc Châu từ năm 1990 đến năm 2002. Trong thời gian đó, ông giữ chức Bí thư đảng bộ Phúc Châu và sau đó trở thành tỉnh trưởng Phúc Kiến.

Khi ở Trung Quốc, ông Tamaki cũng từng đến thăm Phúc Châu, nơi có Lưu Cầu Quán, một cơ sở tượng trưng cho sự giao lưu giữa Lưu Cầu và các triều đại nhà Minh và nhà Thanh của Trung Quốc. Một bức ảnh của Tập được chụp trong thời gian ở Phúc Châu được trưng bày tại Lưu Cầu Quán.

Để hiểu được loạt diễn biến gần đây liên quan đến Okinawa, cần phải hiểu ý nghĩa của chuyến thị sát của Tập Cận Bình đến Cơ quan Lưu trữ Văn hóa và Ấn phẩm Quốc gia Trung Quốc. Chuyến đi này thậm chí còn được lên trang nhất của tờ Nhật báo Nhân dân số ra ngày 4/6.

Cơ sở lưu trữ vừa được khánh thành này nằm trong vùng núi ở quận Xương Bình của Bắc Kinh, cũng là nơi đặt 13 lăng mộ hoàng đế triều Minh.

Tại thời điểm này, các tài liệu lưu trữ không được trưng bày công khai cho công chúng.

Tòa nhà chính của kho lưu trữ ở Bắc Kinh, cùng với ba chi nhánh khác ở Hàng Châu, Quảng Châu và Tây An, đang bắt đầu tượng trưng cho “kỷ nguyên mới” của ông Tập.

Trong lịch sử Trung Quốc, một "trung tâm xuất bản quốc gia" lần đầu tiên được thành lập vào đầu thế kỷ 15, dưới triều đại nhà Minh (1368-1644).

Sản phẩm trí tuệ lưu trữ của ông Tập tương tự như trung tâm xuất bản quốc gia thời nhà Minh, nơi chứa các khối gỗ dùng để in sách và ghi chép lịch sử được nhà nước công nhận.

Hai ví dụ điển hình là bộ bách khoa toàn thư Vĩnh Lạc đại điển thuộc triều đại nhà Minh, và Tứ khố toàn thư của triều đại nhà Thanh.

Người ta cho rằng Tứ khố toàn thư được biên soạn dựa trên Vĩnh Lạc đại diện và được viết lại theo hướng có lợi cho triều đại nhà Thanh.

Bằng cách kiểm soát lịch sử và văn hóa như vậy, các hoàng đế ở Bắc Kinhcó thể thể hiện uy quyền của mình tới khắp đế chế.

Quan trọng hơn, sự kiểm soát chặt chẽ của họ đối với lịch sử và văn hóa đã giúp các triều đại nhà Minh và nhà Thanh tạo dựng ý thức hệ "dĩ hoa vi trung", tập hợp các quốc gia chư hầu xung quanh Trung Quốc.

Trung Quốc ngày nay ngụ ý rằng Vương quốc Lưu Cầu từng được sáp nhập vào trật tự "dĩ hoa vi trung", nhưng nhiều tài liệu cổ quý giá về vấn đề này hiện lại được lưu giữ trong Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Bắc (Đài Loan).

Việc này là do chính quyền Tưởng Giới Thạch đã mang theo nhiều tài liệu cổ và vô số kho báu khi tháo chạy tới Đài Loan.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã định vị chuyến đi của Tamaki tới Phúc Châu như một phần của dự án Văn hóa và Lưu trữ Quốc gia Trung Quốc.

Okinawa cũng đóng vai trò hàng đầu trong trao đổi giữa Nhật Bản và Đài Loan.

Vào ngày 4/7, trong khi Tamaki đang ở Trung Quốc, Viện trưởng lập pháp viện Đài Loan Du Tích Khôn đã đến thăm hòn đảo Yonaguni ở cực tây Nhật Bản thuộc quần đảo Okinawa. Ông Du đã gặp gỡ các giám đốc điều hành của một nhóm các nhà lập pháp Nhật Bản thúc đẩy quan hệ Nhật-Đài, bao gồm hạ nghị sĩ Keiji Furuya của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

Ông Du đến Yonaguni bằng tàu từ huyện Nghi Lan phía đông bắc Đài Loan. Đài Loan đang muốn thiết lập một tuyến phà thường xuyên giữa Nghi Lan và Yonaguni.

Thống đốc Tamaki cũng được cho là đang xem xét chuyến thăm Đài Loan vào đầu tháng 9. Nhưng Trung Quốc dường như rất quan tâm đến việc Tamaki sẽ gặp ai ở đó.

Trung Quốc có lẽ chỉ muốn Tamaki gặp gỡ các chức sắc của Quốc dân Đảng, mà chính quyền Bắc Kinh kỳ vọng sẽ trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử vào tháng 1 năm 2024.

Nhưng với cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 1, việc chỉ gặp gỡ các chức sắc của đảng đối lập sẽ là thiếu cân bằng.

Nếu ông Tamaki đến thăm Đài Loan, chưa rõ liệu ông có gặp ông Du, một nhân vật nặng ký trong Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền.

Đảng Nhân dân Đài Loan, một đảng đối lập chính khác, cũng đang đưa ra một ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới.

Nếu Tamaki thực sự đến thăm Đài Loan, ông sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc gặp ai.

Bộ đôi Tập Cận Bình-Lý Cường, những người đã trải thảm đỏ cho Tamaki, không coi Okinawa đơn thuần là một vùng của Nhật Bản.

Cả hai đang chuẩn bị để biến Okinawa, cùng với dự án lịch sử được Cục Lưu trữ Văn hóa và Ấn phẩm Quốc gia Trung Quốc đặt làm biểu tượng, như một quân át chủ bài trong chiến lược ngoại giao đối với Nhật Bản và các quốc gia khác.

Động thái này cũng liên quan đến vấn đề Đài Loan, do gần Okinawa về mặt địa lý.

Gần đây, một tin đồn dù hợp lý nhưng được chứng minh là sai sự thật đã lan truyền trên mạng Trung Quốc rằng các quan chức cấp cao của Okinawa và giới chức ngoại giao Trung Quốc đã đồng ý rằng Okinawa sẽ tái sử dụng cái tên "Lưu Cầu".

Có vẻ như Trung Quốc muốn gây áp lực với Nhật Bản bằng cách không xóa bỏ ngay các lập luận đòi độc lập cho “Lưu Cầu” khỏi “không gian quan điểm riêng tư”.

Họ đang trong thế trận và ngầm cảnh báo rằng nếu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác tiến thêm một bước trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách chơi lá bài “độc lập Lưu Cầu”.

Theo Nikkei Asia
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.