Trong một bài viết đăng trên Facebook cùng ngày, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Ihor Zhovkva nhấn mạnh rằng Đan Mạch là quốc gia đầu tiên không thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ký kết thỏa thuận như vậy với Ukraine.
Theo ông Zhovkva, thoả thuận xác định cụ thể số tiền Đan Mạch hỗ trợ Ukraine. Cụ thể năm 2024, Đan Mạch sẽ hỗ trợ quân sự cho Ukraine ít nhất là 1,8 tỷ euro. Ngoài ra, trong giai đoạn 2023 – 2028, Quỹ hỗ trợ Ukraine của Đan Mạch dành 8,5 tỷ euro để hỗ trợ Ukraine.
Ông Zhovkva cho biết thêm thỏa thuận ký hôm 23/2 còn bao gồm các điều khoản về sự ủng hộ rõ ràng đối với tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) và thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tương lai của Ukraine.
Thoả thuận cũng chỉ ra con đường cải cách, hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng, tình báo, an ninh mạng, tái thiết Ukraine, cũng như các vấn đề trừng phạt, đưa Nga ra trước công lý.
Đan Mạch, với tư cách là đồng Chủ tịch của Liên minh Năng lực Không quân (AFCC) và là thành viên của Liên minh Phòng không và Phòng thủ Tên lửa tích hợp, "sẽ hỗ trợ các nỗ lực nhằm đảm bảo khả năng toàn diện của F-16" thông qua AFCC, đặc biệt bằng cách cung cấp máy bay chiến đấu, đạn dược, thiết bị mô phỏng và huấn luyện, cũng như góp phần bảo trì lâu dài máy bay chiến đấu và tạo ra các điều kiện thích hợp ở Ukraine.
Ngoài ra, thỏa thuận còn có những quy định liên quan tới việc Đan Mạch hỗ trợ Ukraine phát triển hải quân, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự, tham gia các nỗ lực rà phá bom mìn cũng như hợp tác trong lĩnh vực máy bay không người lái, thiết bị liên lạc và radar.
Thoả thuận an ninh song phương ký kết giữa Ukraine và Đan Mạch có thời hạn 10 năm với khả năng gia hạn sau khi hết hạn và theo truyền thống thỏa thuận cũng đặt ra cơ chế tham vấn trong vòng 24 giờ theo yêu cầu của bất kỳ bên nào trong trường hợp xảy ra sắp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang của Nga.
Trước khi ký thoả thuận an ninh song phương với Đan Mạch, Ukraine đã kí kết loạt thỏa thuận an ninh với lãnh đạo Pháp và Đức trong chuyến công du nhằm đảm bảo sự ủng hộ của châu Âu.
Theo Interfax, tối 16/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã kí kết thỏa thuận đảm bảo an ninh song phương kéo dài 10 năm nhân chuyến công du của nhà lãnh đạo Ukraine đến thủ đô Paris.
Căn cứ vào thoả thuận, Pháp sẽ cung cấp các gói hỗ trợ quân sự trị giá 3 tỷ Euro (tương đương 3,2 tỷ USD) cho Ukraine trong năm 2024, tăng mạnh từ mức 1,7 tỷ euro năm 2022 và 2,1 tỷ euro năm 2023. Pháp cũng cung cấp hỗ trợ nhiều mặt cho Kiev, từ viện trợ thiết bị quân sự, hợp tác sản xuất thiết bị quân sự chung đến đào tạo nhân lực và tình báo.
Thỏa thuận kéo dài 10 năm còn mở đường cho việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và khối quân sự NATO trong tương lai.
Trước đó cùng ngày, ông Zelensky đã kí thỏa thuận tương tự với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Berlin, bao gồm các điều khoản về việc Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev, duy trì các biện pháp trừng phạt Nga.
Sau lễ ký, Thủ tướng Đức Scholz viết trên mạng xã hội mô tả đây một bước đi lịch sử và cam kết Berlin tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Các thỏa thuận Ukraine vừa đạt được với Pháp và Đức, cùng thỏa thuận an ninh song phương mà Kiev kí kết với Anh, được mô tả là sẽ giúp nước này duy trì nguồn ủng hộ mạnh mẽ từ châu Âu trong bối cảnh Mỹ bước vào năm bầu cử quan trọng và từ cuối năm ngoái, tình trạng mâu thuẫn tại Quốc hội Mỹ đã khiến khoản viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD của Washington cho Kiev đến nay vẫn chưa được thông qua.