Theo dự kiến ngày mai, (24/7), TAND TP.HCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
TAND TP.HCM đã triệu tập ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc BIDV), ông Trần Lục Lang (Phó tổng giám đốc BIDV) đến tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, đến hiện tại ông Trần Bắc Hà hiện đang ở đâu vẫn còn là ẩn số. Trước đó, tại phiên sơ thẩm lần 1, ông này cũng được triệu tập tới tòa nhưng đã có đơn xin vắng mặt với lý do xin đi chữa bênh tại Singapore để điều trị bệnh ung thư gan.
Tại phiên sơ thẩm lần 1, sau gần một tháng xét xử, ngày 7/2, TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án.
Thực hiện yêu cầu điều tra bổ sung, CQĐT lấy lời khai một số đối tượng tại 3 NH là TPBank, BIDV và Sacombank. Kết quả cho thấy không phát sinh các tình tiết mới.
CQĐT cho rằng, không đủ căn cứ xem xét xử lý hình sự đối với ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank. CQĐT đã có văn bản đề nghị TPBank có hình thức xử lý hành chính đối với ông này. Do vậy, giữ nguyên quan điểm xử lý đối với các đối tượng liên quan tại TPBank.
Bị cáo Phạm Công Danh |
Kết quả điều tra bổ sung tại NH BIDV và Sacombank đều không phát sinh tình tiết mới nên CQĐT giữ nguyên quan điểm xử lý trước đây đối với các đối tượng liên quan tại BIDV và Sacombank.
Phạm Công Trung-em trai Phạm Công Danh-là đồng phạm giúp sức cho Danh trong việc vay tiền tại BIDV. Tuy nhiên BLHS 2015 có hiệu từ ngày 1/1/2018 bãi bỏ tội danh Cố ý làm trái quy định tại điều 165 BLHS 1999.
Mặt khác, Trung đang điều hành công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh theo ủy quyền của Danh (công ty này đang hoạt động bình thường) và đang phối hợp với cơ quan pháp luật trong việc giải quyết các vấn đề dân sự trong các vụ án hình sự có liên quan đến Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh. Vì vậy, CQĐT áp dụng quy định pháp luật theo hướng có lợi, đảm bảo tính nhân văn của pháp luật, không xem xét, xử lý hình sự đối với Trung.
Theo điều tra, từ năm 2013 - 2014, Phạm Công Danh cần tiền để sử dụng mục đích riêng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB. Do vậy, Danh đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại Sacombank, TPBank, BIDV.
Ngoài ra, Danh đã chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay, gửi hơn 6.600 tỷ đồng của VNCB sang 3 ngân hàng này rồi dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân.
Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty trên.
Hành vi này của Phạm Công Danh đã khiến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỉ đồng. Đặc biệt, thời điểm Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB dù không thuộc đối tượng được vay vốn tại VNCB và cũng không thuộc đối tượng được VNCB cấp tín dụng nhưng đã cố tình chỉ đạo việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về việc dùng tiền của VNCB gửi liên ngân hàng với Sacombank, TPBank, BIDV; dùng tiền gửi này để cầm cố, bảo lãnh cho chính các công ty của Danh vay vốn.
Ngoài ra, Phạm Công Danh còn dùng tiền gửi VNCB bảo lãnh cho các công ty vay vốn tại ngân hàng nhưng không hạch toán ghi nợ cho bên được bảo lãnh và không yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả ngay trong ngày số tiền gửi và VNCB đã phải tất toán trước hạn để trả nợ thay cho các Công ty của Danh.
Tháng 4/2013, Phạm Công Danh đã đến gặp ông Trầm Bê đề nghị ông Bê cho vay tiền do cả hai có quen biết từ trước.
Biết ông Danh là chủ tịch HĐQT của VNCB, không thể vay tiền của chính VNCB nên Trầm Bê đã đồng ý cho Danh vay tiền tại Sacombank với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Ông Trầm Bê đã trực tiếp dẫn Phạm Công Danh đi gặp tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang và chỉ đạo ông Khang cho Danh vay 1.800 tỉ đồng. Sau đó Phạm Công Danh đã chuyển số tiền trên để trả nợ cho BIDV.
Theo Vietnamnet